Vĩnh Thạnh - Bình Định: Tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ

19/09/2007
Ngày 19.9.2007, UBND huyện Vĩnh Thạnh tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2003-2007.

Qua  5 năm triển khai, tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật ở huyện Vĩnh Thạnh, với sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và toàn cộng đồng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã trở thành một sinh hoạt pháp lý thường xuyên mang lại tác dụng tích cực, góp phần làm lành mạnh môi trường xã hội, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị- kinh tế- xã hội trên phạm vi huyện. Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của huyện phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt nam huyện gồm: Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, Hội nông dân huyện, Huyện đoàn xây dựng chương trình phối hợp về việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho các đối tượng học tập với nội dung các văn bản pháp luật như : Bộ luật dân sự; Bộ luật hình sự; Luật đất đai; Luật hôn nhân và gia đình; Luật khiếu nại tố cáo, Luật bảo vệ và phát triển rừng; Luật phòng cháy, chữa cháy; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Mặt trận; Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở. Bằng biện pháp tuyên truyền miệng qua hội, họp dân và trợ giúp pháp lý miễn phí.

          Về công tác tổ chức : Trong 5 năm qua, Thường trực Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL huyện tham mưu cho UBND huyện ban hành Quyết định số : 05/2005/ QĐ-UBND ngày 21/4/2005 kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL huyện và củng cố, kiện toàn việc thành lập Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL huyện gồm :  29 thành viên , do Phó Chủ tịch UBND huyện làm chủ tịch Hội đồng. Trên cơ sở đó, Thường trực Hội đồng phối hợp công tác PBDPL huyện hướng dẫn UBND các xã, thị trấn trong huyện thành lập mới và kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật; tổ hoà giải ở các làng, thôn và đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở xã, thị trấn mới thành lập nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế phối hợp hoạt động PBGDPL. Đầu năm 2006 đã thành lập mới  02 Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật và 15 tổ hoà giải ở cơ sở thuộc xã Vĩnh Thuận, thị trấn Vĩnh Thạnh; đến nay có 09 Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL cấp xã và 57 tổ hoà giải ở làng, thôn.

 Về đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL: Hội đồng PHCTPBGDPL từ cấp huyện đến cấp xã tiếp tục duy trì, kiện toàn và củng cố về tổ chức và hiệu quả hoạt động của cơ chế phối hợp hoạt động PBGDPL, nâng cao trách nhiệm, phát huy tính chủ động sáng tạo của các cấp, các ngành, hướng mạnh công tác PBGDPL về cơ sở, không ngừng nâng cao nghiệp vụ và phát huy vai trò của mình trong việc chuyển tải nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật đi vào đời sống. Đến nay, huyện Vĩnh Thạnh có 137 cán bộ, công chức là thành viên Hội đồng PBGDPL các cấp; trong đó ở huyện có 29 thành viên, ở các xã, thị trấn có 108 thành viên; trong toàn huyện có 451 báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và hoà giải viên ở cơ sơ (tăng so với trước khi thành lập chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giao đoạn 1998-2002 là 57 người ); trong đó, báo cáo viên pháp luật huyện có 07 người, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã có 99 người và có 01 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh ở địa bàn huyện, hoà giải viên ở 57 làng, thôn có 344 người.

Về nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật: Trong 5 năm qua, hội đồng phối hợp của huyện, tất cả các ngành, cơ quan đơn vị trong huyện đã tổ chức nhiều cuộc phổ biến, giới thiệu cơ bản Pháp lệnh cán bộ công chức với việc kết hợp phổ biến nội dung Luật chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí cho hàng trăm lượt cán bộ, công chức. Do có Kế hoạch cụ thể cho từng quý, 6 tháng, hàng năm và xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên. Cho nên việc phổ biến, giáo dục pháp luật ở các đơn vị, cơ quan nhà nước đã được triển khai có nề nếp, thường xuyên, nhiều văn bản pháp luật mà Quốc hội mới ban hành đã được các cơ quan, đơn vị và địa phương phổ biến, triển khai kịp thời đến cán bộ công chức như: Bộ luật dân sự; Bộ luật hình sự; Luật hôn nhân gia đình; Luật khiếu nại, tố cáo; Luật bảo biển xã hội; Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người ( HIV/AIDS ); Luật phòng cháy, chữa cháy; Luật Cư trú; Luật Bình đẳng giới; Luật dạy nghề; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật lao động; Pháp lệnh Ưu đãi  người có công với cách mạng; Pháp lệnh cán bộ, công chức. Đặc biệt là việc tập huấn chuyên sâu cho cán bộ xã và các ngành có liên quan về triển khai thực hiện Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số: 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ cho Chủ tịch, phó chủ tịch và cán bộ công chức tư pháp- hộ tịch các xã, thi trấn để tổ chức triển khai thực hiện vào ngày 01/7/2007

Về phối hợp tuyên truyền pháp luật: Phòng Tư pháp đã phối hợp với Công an huyện và Huyện đoàn cử báo cáo viên pháp luật tiến hành phổ biến Bộ luật dân sự, Luật thanh niên, Luật giáo dục, Luật giao thông đường bộ cho thanh thiếu niên và học sinh trường phổ thông trung học học tập. Đối với các tầng lớp nhân dân: thanh niên, phụ nữ, nông dân. Ngoài những nội dung cần phổ biến, tuyên truyền chung theo hướng dẫn của trung ương, của tỉnh, của các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội và các địa phương còn chủ động lựa chọn các nội dung pháp luật phù hợp để phổ biến cho từng đối tượng cụ thể theo nghề nghiệp, độ tuổi, giới tính như: đối với nhân dân nói chung, nội dung phổ biến là các quy định của pháp luật về quyền sử dụng đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ luật dân sự, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật giao thông đường bộ, Luật trợ giúp pháp lý, Luật bình đẳng giới, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Luật khiếu nại- tố cáo, Luật cư trú, Luật phòng cháy chữa cháy, Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người ( HIV/AIDS ) Pháp luật về hộ tịch, Luật hôn nhân và gia đình, Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở. . . kết quả trong 5 năm qua có: 138.114 lượt người tham gia học tập; cụ thể : năm 2003 có 24.867 lượt người, năm 2004 có 26.597 lượt người, năm 2005 có 36.000 lượt người, năm 2006 có 37.500 lượt người và 9 tháng đầu năm 2007 có 13.150 lượt người .

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật: Trong 5 năm qua (2003-2007) Phòng Tư pháp là cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của huyện đã tam mưu cho UBND huyện mở 25 cuộc Hội nghị tập huấn triển khai các văn bản pháp luật quan trọng mới được Quốc hội thông qua theo từng thời điểm, thu hút gần 1.700 lượt đại biểu là cán bộ chủ chốt của các ngành, UBND cấp xã, thị trấn, các báo cáo viên pháp luật của huyện, các tuyên truyền viên pháp luật của xã. Ở cấp xã trung bình hàng năm đã tổ chức hàng trăm cuộc họp để phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan, có khoảng 15.000 lượt người tham dự và trong 5 năm có 138.114 lượt người tham gia học tập. Ngoài ra, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL còn in và cấp hơn 850 tập tài liệu đến các thành viên tổ hoà giải ở cơ sở để làm tư liệu khi hoà giải. Phổ biến giáo dục pháp luật qua việc xây dựng và khai thác tủ sách pháp luật: Phòng Tư pháp tham mưu cho UBND huyện xin kinh phí và hướng dẫn các xã, thị trấn để xây dựng 9/9 tủ sách pháp luật và mua 4 bộ phận sách pháp luật gồm: 30 đầu sách để cấp cho các tủ sách pháp luật  xã đưa vào khai thác, sử dụng và hàng năm Phòng Tư pháp tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn các xã đầu tư kinh phí mua sắm bổ sung đầu sách pháp luật ở xã và hiện nay số lượng đầu sách ở mỗi tủ sách pháp luật có từ 60-80 đầu sách. Phòng Tư pháp đã cung cấp các tài liệu có liên quan và nhiều tin, bài phản ảnh đến hoạt động và thực thi pháp luật cho Đài truyền thanh huyện va øĐài truyền thanh các xã như: Vĩnh Hảo, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Quang thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến đông đảo cán bộ và tầng lớp nhân dân. Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL từ cấp huyện đến cấp xã đã tổ chức hơn 14 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân tham gia. Riêng phòng Tư pháp là cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL huyện đã tổ chức thành công Hội thi  lớn do Trung ương phát động là: Hội thi "Hoà giải viên giỏi " vào năm 2004. Các thành viên của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của huyện như: Huyện đoàn, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân, Công an huyện…đã tổ chức nhiều Hội thi, Diễn đàn tìm hiểu pháp luật, trong đó nổi lên là Hội thi " Thanh niên với công tác phòng chống tệ nạn xã hội" do Huyện đoàn và Công an huyện phối hợp tổ chức, Hội thi tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh…Từ năm 2003 đến nay, Phòng Tư pháp đã phối hợp với Hội nông dân, Hội luật gia huyện và Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh Bình Định tiến hành trợ giúp pháp lý miễn phí cho: 726 lượt người, trong đó trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã: Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Hoà, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thuận, Vĩnh Quang, Vĩnh Thuận đạt tỷ lệ trên 70%, có 128 đối tượng là người nghèo, 48 đối tượng chính sách, 550 đối tượng là người miền núi. Trong 5 năm qua, các tổ hoà giải trong huyện đã tiếp nhận 209 vụ việc và đã tiến hành hoà giải  thành 186 vụ việc, số việc còn lại không thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ hoà giải nên đã hướng dẫn các đương sự đến cơ quan chức năng để giải quyết. Nội dung hoà giải chủ yếu là các tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân như: tranh chấp đất đai, tài sản, mâu thuẫn vợ chồng, các xích mích nhỏ trong thôn xóm…

Nguyễn Huỳnh Huyện