Quảng Ngãi: Báo cáo kết quả kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh

07/09/2007
Đoàn kiểm tra công tác tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh vừa công bố kết quả kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại 14 huyện, thành phố của tỉnh.

Theo nội dung báo cáo, Nhìn chung, công tác PBGDPL trong những năm gần đây đã nhận được sự quan tâm hơn từ cấp ủy và chính quyền địa phương nên đã có những chuyển biến lớn và đạt nhiều kết quả rõ nét, sự hiểu biết pháp luật nói riêng, trình độ dân trí nói chung  của cán bộ và nhân dân trong tỉnh đã có rất nhiều tiến bộ, nhiều chính sách, văn bản pháp luật của Đảng và Nhà nước ngay từ mới ban hành đã được các cấp, các ngành phổ biến, tuyên truyền kịp thời, rộng rãi nên đã phát huy hiệu quả cao, công dân đã có ý thức hơn trong việc tìm hiểu và vận dụng các văn bản pháp luật vào cuộc sống.

Hằng năm, các Phòng Tư pháp - cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL đã xây dựng và trình UBND huyện, thành phố ban hành kế hoạch về phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó đề ra những nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện trong năm như chương trình hội nghị tập huấn triển khai luật cho các đối tượng và đơn vị trực thuộc; chương trình phối hợp, lồng ghép triển khai cho cán bộ và nhân dân các xã, phường, thị trấn; chương trình kiểm tra việc tổ chức thực hiện kế hoạch hàng năm của Hội đồng. Đồng thời xây dựng kế hoạch dự trù kinh phí để có cơ sở pháp lý và mang tính chủ động trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở quyết định ban hành kế hoạch PBGDPL hàng năm của UBND huyện, Phòng Tư pháp đã có văn bản hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và triển khai công tác PBGDPL, củng cố Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL, tăng cường công tác khai thác và quản lý tủ sách pháp luật cấp cơ sở, kiện toàn tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở cũng như hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên cấp xã.

Trên cơ sở kế hoạch này, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL huyện, thành phố đã thực hiện khá tốt chức năng tham mưu cho UBND cùng cấp về công tác tuyên truyền, PBGDPL, giúp UBND tổ chức triển khai kịp thời nhiều văn bản luật và dưới luật đến đông đảo cán bộ, công chức lãnh đạo các phòng, ban, mặt trận Hội, đoàn thể và lãnh đạo chủ chốt của các xã, phường, thị trấn trong địa bàn. Trung bình mỗi huyện đã triển khai từ 2- 4 Hội nghị cấp huyện phổ biến từ 6-13 văn bản do trung ương mới ban hành như: Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và các văn bản liên quan; Luật cư trú, Luật Bình đẳng giới, Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 về chứng thực; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Luật Giao thông đường bộ...và đã thu hút được hàng chục nghìn lượt cán bộ và nhân dân tham gia học tập. Đặc biệt đã tuyên truyền góp phần vào thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Các thành viên trong Hội đồng còn tổ chức triển khai tuyên truyền tại cơ quan, đơn vị mình và tổ chức tuyên truyền tại cơ sở, tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ và nhân dân cơ sở bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh xã, tổ chức các buổi nói chuyện, cấp phát tờ rơi...từng bước đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Đội ngũ báo cáo viên cấp huyện các huyện, thành phố trong tỉnh về cơ bản đã thành lập và kiện toàn với 138 báo cáo viên pháp luật là những người có tâm huyết với công tác PBGDPL, Hệ thống hòa giải ngày càng lớn mạnh với 1751 tổ hoà giải, 6.374 hoà giải viên. Các hoà giải viên nhìn chung hoạt động rất nhiệt tình và có hiệu quả, số vụ hoà giải thành ngày càng cao (878 vụ hoà giải thành), trung bình số vụ hoà giải thành đạt từ 70 –80%, đã giải quyết một phần những mâu thuẫn nhỏ trong quan hệ làng xóm láng giềng, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở các khu dân cư. Một số huyện có chất lượng và tỷ lệ hòa giải thành đạt kết quả tốt như Mộ Đức, Bình Sơn, Ba Tơ, thành phố Quảng Ngãi… tỷ lệ hòa giải thành đạt 90%.

Hệ thống Tủ sách pháp luật các xã, phường, thị trấn có 165 tủ sách pháp luật trên tổng số 180 xã, phường, thị trấn,  trung bình mỗi Tủ sách hiện có từ 70-80 đầu sách các loại, Thị trấn La Hà và Thị trấn Sông Vệ thuộc huyện Tư Nghĩa có 02 Tủ sách pháp luật, trung bình mỗi ngày các Tủ sách có khoảng 3-10 lượt người đến mượn khai thác tủ sách phần lớn là cán bộ, công chức và một bộ phận nhỏ ngưòi dân ở địa phương.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở các huyện, thành phố vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập với những nguyên nhân chủ quan và khách quan, đó là: Sự phối kết hợp giữa các thành viên trong Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các huyện, thành phố những năm vừa qua là còn hạn chế, việc tuyên truyền pháp luật cho nhân dân cơ sở là chưa sâu rộng và chưa đều, mà phần lớn là khoán trắng cho ngành tư pháp, chưa huy động được lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên và các cơ quan chức năng trên địa bàn.  Một số nơi lãnh đạo cấp ủy và chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác PBGDPL, chưa có sự chỉ đạo sâu sát và đầu tư cho công tác này (tình trạng Đảng viên ở một số cơ quan, đơn vị chưa được học tập, quán triệt các quy định của pháp luật, các chính sách của Đảng và nhà nước mới ban hành). Việc triển khai công tác PBGDPL còn nặng về tính hình thức, chưa đi vào thực tế những đòi hỏi bức xúc và đặc thù của địa phương. Năng lực HĐPBGDPL còn yếu, chưa làm tốt chức năng tham mưu giúp UBND cùng cấp để xây dựng các chương trình, biện pháp, kế hoạch để tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn có hiệu quả. Biên chế các phòng tư pháp quá mỏng, một số địa phương cán bộ tư pháp còn yếu về trình độ và năng lực chuyên môn đã làm hạn chế đến công tác PBGDPL.

Đoàn Kiểm tra đã kiến nghị một số nội dung, đó là khẩn trương bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác Tư pháp để có điều kiện hoàn thành công việc được giao, với nhiệm vụ như hiện nay, tư pháp cấp xã tối thiểu phải có từ 2-3 người, tư pháp huyện từ 3-5 người, bố trí nguồn kinh phí thoả đáng cho công tác PBGDPL  theo Thông tư 63/2005/TT-BTC của Bộ Tài chính. Coi việc học tập, phổ biến, tuyên truyền, chuyển tải các chính sách, văn bản pháp luật cho cán bộ và nhân dân trong địa bàn, coi đây là tiêu chuẩn để hàng năm nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức và khu dân cư, gia đình văn hóa.thực hiện

Mạnh Thắng