Sở Tư pháp Lai Châu góp ý kiến xây dựng dự thảo pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002

04/09/2007
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lai Châu về tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 tại công văn số 3455/BTP – PL – HSHC ngày 14/8/2007 của Bộ Tư pháp vụ pháp luật hình sự hành chính năm 2002. Chiều ngày 31/8/2007, Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu đã tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý dự thảo Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Tham gia góp ý kiến vào dự thảo có các đồng chí lãnh đạo Sở, các đồng chí là trưởng, phó phòng chuyên môn, chuyên viên pháp lý của Sở và cơ quan thi hành án dân sự tỉnh. Trên cơ sở báo cáo viên phân tích các điều, khoản, sửa đổi bổ sung các ý kiến đóng góp chủ yếu tập trung vào các quy định về, mức phạt tiền, nâng mức xử phạt tiền cho người có thẩm quyền xử phạt, bổ sung quy định về một số chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Các ý kiến góp ý vào dự thảo đều đưa ra sự lý giải xuất phát từ tình hình thực tế của xã hội và các quy định của văn bản pháp luật hiện hành. Đặc biệt các ý kiến tham gia góp ý xung quanh Điều 40 của dự thảo quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Toà án nhân dân. Có ý kiến cho rằng việc quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hoặc giải quyết vụ vụ việc dân sự là phù hợp, nhưng không nhất trí việc quy định thẩm quyền xử phạt cho các chủ thể thuộc khoản 2, 3 tại Điều này xuất phát từ lý do. Pháp luật về tố tụng chỉ quy định về hành vi vi phạm hành chính bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với người có hành vi gây rối trật tự tại phiên toà, hiện tại  vẫn chưa có quy định cụ thể hành vi vi phạm như thế nào thì bị phạt là bao nhiêu tiền? Hơn nữa trên thực tế thì các hành vi gây rối mất trật tự tại phiên toà là hầu hết là những hành vi nhỏ nên đối với lĩnh vực này chỉ quy định thẩm quyền cho các chủ thể tại khoản 1 là  hợp lý. Về mức phạt quy định cho các chủ thể có thẩm quyền tại khoản 1 là quá cao, gấp 10 lần so với quy định tại Pháp lệnh năm 2002. Việc quy định về thẩm quyền tại khoản 2,3 và mức phạt tại khoản 1 sẽ khó có tính khả thi...

Ngoài ra có một số ý kiến tham gia bỏ và thay một số cụm từ tại Pháp lệnh năm 2002 không được sửa đổi, bổ sung như: Đổi tên “Đội trưởng Đội thi hành án dân sự” thành “ Trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện”; “Trưởng phòng thi hành án dân sự tỉnh”... thành Trưởng thi hành án dân sự cấp tỉnh do các cơ quan trên đã đổi tên; Bỏ cụm từ “Chủ nhiệm uỷ ban dân số, gia đình và trẻ em cấp huyện” do có sự thay đổi về mặt tổ chức....

Lãnh đạo Sở Tư pháp đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn tổng hợp ý kiến và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp.

Nguyễn Minh Hiệp