Bắc Giang: Kiểm tra liên ngành việc thi hành PL về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ

03/10/2017
Bắc Giang: Kiểm tra liên ngành việc thi hành PL về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ
Thực hiện Kế hoạch số 4091/KH-UBND ngày 20/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về thực hiện quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2017; ngày 27/7/2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1295/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (Đoàn kiểm tra liên ngành) gồm bà Đỗ Thị Việt Hà – Phó Giám đốc Sở Tư pháp làm Trưởng đoàn; ông Hoàng Văn Thanh – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải làm Phó Trưởng đoàn và đại diện lãnh đạo Phòng Tham mưu – Công an tỉnh, Thanh tra Sở Giao thông vận tải, đại diện Phòng Giao thông – Xây dựng - Văn phòng UBND tỉnh và Phòng Quản lý xử lý vi phạm và Theo dõi thi hành pháp luật - Sở Tư pháp làm thành viên.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 30/8/2017, Đoàn kiểm tra liên ngành đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-ĐKTLN về kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) trong lĩnh vực giao thông đường bộ và Thông báo phân công nhiệm vụ, trong đó đã xác định rõ các mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp, thời gian, địa điểm kiểm tra và phân công trách nhiệm của địa phương, đơn vị kiểm tra. Theo đó, từ ngày 12/9 đến 28/9/2017, Đoàn kiểm tra liên ngành đã tổ chức kiểm tra tại thành phố Bắc Giang, huyện Lục Ngạn, Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh. Tại thành phố Bắc Giang và huyện Lục Ngạn, Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra trực tiếp tại Công an cấp huyện và UBND cấp huyện; tại Sở Giao thông vận tải, Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra trực tiếp đơn vị Thanh tra sở; tại Công an tỉnh, Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra trực tiếp tại Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh.
Tại mỗi địa phương, đơn vị được kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành đã nghe đại diện các địa phương, đơn vị báo cáo kết quả việc thi hành pháp luật về XPVPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ trong giai đoạn từ 01/01/2013 đến 30/6/2017; cùng đơn vị, địa phương trao đổi, thảo luận đánh giá về thực trạng, nêu lên những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị, giải pháp để hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về XPVPHC nói chung, trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng.
Qua kiểm tra cho thấy, các địa phương, đơn vị kiểm tra đã chủ động chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn liên quan nói chung và văn bản thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng; đã thực hiện phổ biến, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, bố trí nguồn lực và các điều kiện khác để đảm bảo cho việc thi hành pháp luật về XPVPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ; thực hiện XPVPHC đúng thủ tục, quy trình, đúng thẩm quyền, áp dụng quy định pháp luật  về XPVPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ đúng với mức độ hành vi vi phạm … Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thi hành pháp luật về XPVPHC nói chung và trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng còn có một số hạn chế, khó khăn nhất định, như: Địa điểm để lưu giữ các phương tiện bị tạm giữ còn hạn chế, phải đi thuê địa điểm gây tốn kém kinh phí; còn tình trạng đối tượng vi phạm không chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trong một số hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, việc lập biên bản còn thiếu sót về viện dẫn căn cứ pháp lý áp dụng, không có Quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép lái xe cũng như không có Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, không có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính …
Tại các buổi kiểm tra, đồng chí Trưởng đoàn đã đề nghị các địa phương, đơn vị kiểm tra: (i) tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thi hành pháp luật nói chung, pháp luật về XPVPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng; (ii) thường xuyên thực hiện công tác phổ biến, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ có trọng tâm trọng điểm, đồng thời quan tâm, bố trí nguồn nhân lực và các điều kiện khác để đảm bảo cho việc thi hành pháp luật nói chung và thi hành pháp luật về  XPVPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng; (iii) tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và khi xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ đúng nguyên tắc xử phạt, trình tự thủ tục, thẩm quyền xử phạt; (iv) khắc phục những hạn chế để tiếp tục thực hiện việc áp dụng các quy định của pháp luật nói chung và quy định của pháp luật về XPVPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng được chính xác, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc pháp chế trong việc thi hành và áp dụng pháp luật; (v) tiếp tục thực hiện tốt công tác thống kê về XLVPHC nói chung và XPVPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng; đảm bảo thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về xử phạt vi phạm hành chính tại địa phương, đơn vị; thực hiện tốt công tác nắm bắt tình hình dư luận để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; đồng thời báo cáo những khó khăn vướng mắc đến cơ quan có thẩm quyền để có hướng dẫn, xử lý kịp thời.
Thông qua đợt kiểm tra đã đánh giá thực trạng và hiệu quả thi hành pháp luật; phát hiện những vướng mắc, bất cập trong việc thực thi các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trên cơ sở đó đề xuất những kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật, thể chế pháp lý cũng như các giải pháp về hoàn thiện cơ chế, biện pháp tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về XPVPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ./.
Phương Thúy