Nam Định: 05 năm thi hành luật xử lý vi phạm hành chính, thực trạng và giải pháp

09/08/2017
Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012 là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần bảo đảm trật tự kỷ cương quản lý hành chính, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Nam Định đã nghiêm túc triển khai, thi hành Luật XLVPHC, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Thứ nhất, về công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Để triển khai thi hành Luật XLVPHC một cách đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 10/7/2013 triển khai thi hành Luật XLVPHC trên địa bàn toàn tỉnh; hàng năm UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn đối với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện công tác XLVPHC đảm bảo theo đúng quy định; trong đó xác định rõ trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình quản lý công tác thi hành pháp luật về XLVPHC.
UBND tỉnh Nam Định thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác phổ biến, tuyên truyền Luật XLVPHC, giao Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh và Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức kịp thời các hội nghị triển khai Luật và Nghị định hướng dẫn thi hành. Chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ làm công tác XLVPHC. Giao cho các đơn vị, địa phương tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC trong các lĩnh vực nhằm kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm những sai sót trong công tác XLVPHC tại đơn vị, địa phương.
Đối với công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác XLVPHC, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ngày 20/5/2015 về việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp, trong đó có thành lập phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật để thực hiện nhiệm vụ công tác theo dõi thi hành pháp luật. Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn giao cho Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp – Hộ tịch tham mưu về nhiệm vụ XLVPHC trên địa bàn cấp huyện, cấp xã.
Thứ hai, về tình hình xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và cơ sở thực hiện đúng các quy định của Luật và Nghị định hướng dẫn chi tiết, theo đó các hành vi vi phạm hành chính cơ bản được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và bị xử lý nghiêm minh; các quyết định xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng pháp luật. Cụ thể, từ 02/7/2012 đến 31/3/2017, toàn tỉnh đã phát hiện ra 102.926 vụ vi phạm, số vụ vi phạm đã bị xử phạt là 98.430 vụ; số vụ chưa bị xử phạt là 3.216 vụ, nguyên nhân chủ yếu là do một số vụ việc vi phạm đối tượng bỏ đi khỏi địa phương, không xác định được nơi ở mới, chưa hết thời hiệu; tổng số đối tượng bị xử phạt là 96.311 đối tượng; trong đó, số đối tượng là tổ chức bị xử phạt là 7.476 đối tượng; số đối tượng là cá nhân bị xử phạt là 88.385 đối tượng.
Thực tiễn áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đúng theo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn, trong thời gian từ 01/01/2014 đến 31/3/2017, tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là 1.924 đối tượng; tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là 1.821 đối tượng.
Thứ tư, về tình hình áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo đảm XLVPHC và biện pháp thay thế XLVPHC đối với người chưa thành niên. Các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã áp dụng chặt chẽ các quy định pháp luật về tạm giữ người, tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính. Việc áp dụng biện pháp thay thế XLVPHC đối với người chưa thành niên chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh; trong thời gian qua có 85 đối tượng người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp thay thế XLVPHC quản lý tại gia đình, có 851 đối tượng là người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp thay thế XLVPHC nhắc nhở.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thi hành Luật XLVPHC còn có những khó khăn, vướng mắc như: lực lượng cán bộ làm công tác quản lý XLVPHC chuyên trách còn mỏng; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc còn thiếu; công tác tuyên truyền, phổ biến tại một số địa phương, đơn vị chưa đa dạng, phong phú cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện; việc phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng trong XLVPHC tại một số đơn vị còn hạn chế; ... Việc triển khai thi hành các quy định của Luật XLVPHC còn gặp những vướng mắc, bất cập như: vướng mắc trong cách xác định đối tượng bị XLVPHC; bất cập trong xác định nguyên tắc xử phạt; vướng mắc về thời hạn ra quyết định xử phạt; mâu thuẫn trong quy định về mức phạt tiền; bất cập về ủy quyền, giao quyền trong xử phạt vi phạm hành chính; bất cập trong việc thực hiện thủ tục xử lý tang vật, phương tiện VPHC bị tịch thu; khó khăn khi áp dụng quy định sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới quyết định xử phạt… 
Từ thực trạng trên cần có một số giải pháp để nâng cao hiệu quả thi hành Luật XLVPHC: 
Một là, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác XLVPHC, trước mắt là kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những quy định trong Luật XLVPHC để khắc phục những lỗ hổng, những điểm chưa hoàn thiện, những quy định chưa rõ ràng, còn mâu thuẫn.
Hai là, hướng dẫn cụ thể việc tổ chức, sắp xếp lại biên chế nhằm bảo đảm nhân sự để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về XLVPHC ở địa phương.
Ba là, hoàn thiện thể chế về công tác quản lý XLVPHC như thống nhất chỉ đạo địa phương xây dựng, ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý XLVPHC,... trong đó đề ra những giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác phối hợp quản lý xuất phát từ thực tiễn.
Bốn là, xây dựng và triển khai thực hiện phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC để có cơ chế chia sẻ và cung cấp thông tin về việc các đối tượng vi phạm hành chính.
Năm là, tăng cường tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng quản lý XLVPHC để nâng cao kiến thức pháp luật về XLVPHC, nhất là tập huấn kỹ năng nghiên cứu, áp dụng pháp luật để giải quyết hồ sơ, vụ việc cụ thể.
 
Tùng Mai - Sở Tư pháp Nam Định