Bắc Giang: Ban hành Quy chế phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh

09/09/2016
Ngày 30/8/2016, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 501/2016/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp theo dõi tình hình pháp luật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2016.
Quyết định số 501/2016/QĐ-UBND được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý nhằm quy định cụ thể về mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; đề cao trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại địa phương; tập trung nguồn lực bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương;
Theo đó, Quy chế bao gồm 3 Chương, 02 mục và 16 Điều, cụ thể:
- Chương I. Những quy định chung: gồm 5 Điều quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc phối hợp, nội dung phối hợp và hình thức phối hợp.
 - Chương II. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân  phối hợp thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật gồm 02 mục, trong đó mục 1 gồm 07 Điều quy định về trách nhiệm của các cơ quan, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong việc xây dựng Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật; xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; tiếp nhận và xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật; báo cáo tình hình thi hành pháp luật. Mục 2 gồm 02 Điều quy định về sự tham gia phối hợp của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức cá nhân có liên quan và đảm bảo sự tham gia của cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
- Chương III. Tổ chức thực hiện: gồm 2 Điều quy định về kinh phí thực hiện và điều khoản thi hành.
Việc UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 501/2016/QĐ-UBND đã thể hiện sự quyết tâm của UBND tỉnh đối với công tác quản lý nhà nước về theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở địa phương ngay từ việc hoàn thiện thể chế cho công tác này. Quy chế sẽ là cơ sở pháp lý cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật để các cấp, các ngành và mọi tổ chức, cá nhân có liên quan tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh./.
 Phương Thuý