Nghệ An: Tích cực triển khai chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh

07/06/2016
Nghệ An được Bộ Tư pháp lựa chọn là một trong 13 tỉnh, thành phố được Trung ương tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Để triển khai thực hiện, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã kịp thời chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và các quy định của Chính phủ về việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại địa phương.
Với nhiều giải pháp đồng bộ để tổ chức thực hiện như tuyên tuyền, tổ chức hội nghị, xây dựng các chương trình, tin bài để thông tin, giới thiệu về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác động của chế định Thừa phát lại và việc triển khai thí điểm chế định này trên phạm vi toàn tỉnh. Việc thành lập và đăng ký hoạt động cho 2 Văn phòng Thừa phát lại thành phố Vinh và Kim Tiến Tây bắc Nghệ (huyện Diễn Châu) đúng lộ trình theo Đề án và Kế hoạch đã đề ra. Đến hết năm 2015, 2 văn phòng thừa phát lại đã tống đạt 25.794 văn bản, thu được hơn 2 tỷ đồng; lập 60 vi bằng, thu được 69,5 triệu đồng; xác minh điều kiện thi hành án được 16 vụ việc, thu được 89 triệu đồng và tổ chức thi hành án được 13 vụ việc, thu hơn 401 triệu đồng; 6 tháng đầu năm 2016, các Văn phòng thừa phát lại đã đăng ký 12 vi bằng (chỉ bằng 1/3 so với năm 2015), thu được 24.000.000 đồng.
Tại hội nghị tổng kết hai năm triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Nghệ An  UBND đánh giá cao sự tham mưu tích cực của các ngành có liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện; hiệu quả hoạt động Thừa phát lại bước đầu cho thấy đây là chủ trương về xã hội hóa một số hoạt động tư pháp  được ghi trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đã góp phần nâng cao nhận thức không những đối với cơ quan nhà nước mà còn đối với người dân về một chủ trương mới của Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, khó khăn, vướng mắc như mô hình tổ chức, hoạt động, phạm vi công việc và các cơ chế, điều kiệt hoạt động chưa được quy định cụ thể; sự phối hợp của một số ngành liên quan chưa đồng bộ; đội ngũ Thừa phát lại và nhân viên Văn phòng Thừa phát lại còn mỏng, năng lực, trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế; kinh phí phục vụ triển khai chế định Thừa phát lại còn hạn chế, chưa kịp thời…
Thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu tập trung tuyên truyền chế định Thừa phát lại cho cán bộ, công chức và người dân hiểu về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Thừa phát lại, vai trò, sự cần thiết của chế định Thừa phát lại, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành các cấp trên cơ sở chức năng nhiệm vụ tham mưu trực tiếp để tổ chức thực hiện có hiệu quả chế định Thừa phát lại trên địa bàn.
NQA