Bắc Giang: Hướng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở

16/10/2007
Năm 2007, xác định công tác phổ biến giáo dục pháp luật hướng về cơ sở nên nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo lựa chọn các hình thức tuyên truyền bám sát với nhu cầu tìm hiểu cũng như phù hợp với nhận thức của người dân trong khu vực, vùng, miền cụ thể, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân.

Nhiều hình thức tuyên truyền theo nhóm đối tượng, theo lĩnh vực cụ thể được thực hiện như: Tuyên truyền cho phụ nữ, nông dân, thanh niên, học sinh và các đoàn thể nhân dân… điều này thực sự có tác động lớn trong nhận thức của từng nhóm đối tượng.
Để không ngừng nâng cao hiệu quả của công tác PBGDPL,  đội ngũ báo cáo viên pháp luật thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đến nay đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh gồm 63 đồng chí là cán bộ, công chức các Sở, ban, ngành, Trưởng Phòng Tư pháp các huyện, thành phố; gần 200 báo cáo viên pháp luật của huyện và gần 1000 tuyên truyền viên cơ sở. Các báo cáo viên pháp luật đều có trình độ đại học hoặc cao đẳng, có kiến thức pháp luật, có khả năng tuyên truyền pháp luật, có phẩm chất chính trị vững vàng và tư cách đạo đức tốt. Hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật đã tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân góp phần ngăn chăn và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đã tập trung tuyên truyền những văn bản pháp luật quan trọng, liên quan đến đời sống hàng ngày của các tầng lớp nhân dân và các văn bản pháp luật mới được Quốc hội ban hành đảm bảo việc tuyên truyền,  phổ biến sâu rộng, có hiệu quả với nhiều nội dung phong phú như: Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công chứng, Luật Luật sư, Luật Cư trú, Luật Bình đẳng giới, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, … Các văn bản mang tính hội nhập kinh tế – quốc tế, văn bản thiết thực liên quan đến quyền, lợi ích của người dân và trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước góp phần vào công cuộc cải cách hành chính nhà nước, phát huy quyền tự do, dân chủ của nhân dân cũng được quan tâm tuyên truyền, phổ biến.  Bên cạnh đó, một số địa phương đã chủ động lựa chọn các hình thức, biện pháp phù hợp để tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa bước đầu đã thu được những kết quả tích cực. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, các địa phương đã lựa chọn nội dung phù hợp, tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương mình với nhiều hình thức tuyên truyền có hiệu quả, thiết thực như: Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hệ thống thông tin đại chúng và mạng lưới Đài truyền thanh, thông qua hoạt động hoà giải cơ sở, việc khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn; các hội thi, sinh hoạt lễ hội lồng ghép vào các hình thức khác thông qua sinh hoạt của nhóm đối tượng như: thanh niên, phụ nữ, nông dân…Ngoài các hình thức PBGDPL trên, công tác PBGDPL còn đ­ược thực hiện bằng các hình thức nh­ư: PBGDPL thông qua hoạt động Trợ giúp pháp lý, phát tờ rơi, tờ gấp, băng rôn, áp phích, panô, khẩu hiệu, phối hợp tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật.vv...
 
Hà Thanh Thuỷ