Sở Tư pháp Ninh Thuận tổ chức sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải ở cơ sở

12/10/2007
Trên cơ sở quán triệt và thực hiện Pháp lệnh số 09/1998/PL-UBTVQH10 ngày 25/12/1998 của Uỷ Ban Thường vụ Quốc Hội về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở; Chỉ thị số 14/2005/CT-UB ngày 25/4/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải ở cơ sở; Sở Tư pháp đã tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản:

+ Quyết định số 318/2005/QĐ-UBND ngày 12/9/2005 về việc chi hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở;

+ Quyết định số 76/2006/QĐ-UBND ngày 10/4/2006 về việc chi thù lao hòa giải viên;

+ Kế họach tổ chức sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị 14/2005/CT-UB

- Sở Tư pháp đã có văn bản chỉ đạo các Phòng Tư pháp phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương các xã, thị trấn và hướng dẫn cho Ban Tư pháp xã, thị trấn tiến hành củng cố kiện toàn tổ chức; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hoà giải cơ sở; tiến hành tổ chức sơ kết công tác hòa giải ở cơ sở. Ngòai ra, Sở Tư pháp còn cung cấp đầy đủ các mẫu biên bản hòa giải, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cách thức lập hồ sơ thanh tóan thù lao hòa giải cho Ủy ban nhân dân cấp xã:

+ Công văn số 390/STP ngày 05/7/2006 về việc hướng dẫn lập hồ sơ chi thù lao hòa giải viên;

+ Công văn số 359/STP ngày 09/5/2007 về việc hướng dẫn tổ chức sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị 14/2005/CT-UB;

Từ khi có Chỉ thị 14/2005/CT-UB ngày 25/4/2005 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; Sở Tư pháp đã tăng cường chỉ đạo, tạo điều kiện về củng cố tổ chức và họat động của các tổ hòa giải ở cơ sở. Cụ thể, giao cho cơ quan Tư pháp phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Hội Nông dân… lựa chọn giới thiệu thành viên tổ hòa giải; tiến hành đúng quy trình luật định trong việc bầu, miễn nhiệm… tổ viên, tổ trưởng; sau đó trình UBND cấp xã ra quyết định công nhận. Kịp thời chỉ đạo cho Phòng Tư pháp và các cơ quan chức năng có kế hoạch xây dựng, phát triển hệ thống mạng lưới tổ hòa giải và đội ngũ những người làm công tác hòa giải từ cấp trên đến các ngành các cấp từ tỉnh, đến huyện, đến thôn và tổ dân cư. Đến nay, toàn tỉnh có 365 tổ hoà giải với 2.436 hội viên, cụ thể:

+ Ninh Hải: có 45 Tổ hoà giải với 311 hoà giải viên

+ Ninh Phước: có 98 Tổ hoà giải với 912 hoà giải viên

+ Ninh Sơn: có 59 Tổ hoà giải với 360 hoà giải viên

+ Thuận Bắc: có 28 Tổ hoà giải với 145 hoà giải viên

+ Bác Ái: có 37 Tổ hoà giải với 139 hoà giải viên

+ Phan Rang – Tháp Chàm: có 98 Tổ hoà giải với 569 hoà giải viên

Qua 2 năm thực hiện, tòan tỉnh đã tổ chức trên 20 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải cho hơn 3.000 lượt người tham dự (các tổ viên tổ hòa giải đều được tập huấn; có người dự từ 2 – 3 lượt).

Kịp thời biên soạn các tài liệu, đề cương hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải: tài liệu tập huấn thi hành án dân sự, pháp luật dân sự, hình sự; tài liệu nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở; tài liệu tập huấn kỹ năng trợ giúp pháp lý cho hòa giải viên; đề cương các luật mới ban hành…

Từ khi có Quyết định số 76/2006/QĐ-UBND, ngày 10/4/2006 của UBND tỉnh về việc chi thù lao cho hoà giải viên, Sở Tư pháp có công văn hướng dẫn, kèm theo các biểu mẫu biên bản hòa giải chỉ đạo các Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp cấp xã  tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo triển khai kịp thời các văn bản nêu trên. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc chi trả thù lao hòa giải viên vẫn còn tồn đọng và chưa giải quyết kịp thời.

Đến nay, đã có 03/06 đơn vị cấp huyện, thành phố thực hiện được chế độ thanh tóan này (các đơn vị chưa chi được là Thuận Bắc, Ninh Phước, Bác Ái) 

Đặc biệt, huyện Ninh Hải là nơi triển khai, thực hiện được việc chi trả chế độ sớm nhất. Năm 2006 đã chi trả 12.900.000 đồng cho 142 vụ việc hoà giải, trong đó có 116 vụ hoà giải thành, đạt tỷ lệ 87% và 26 vụ hoà giải không thành, đạt tỷ lệ 13%.

Chế độ chi trả thù lao hòa giải viên thật sự đã góp phần động viên tinh thần đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở; qua đó, phát huy tính tích cực của đội ngũ này đồng thời nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở.

Hàng năm, Sở Tư pháp đều kết hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở (thông qua việc kiểm tra về công tác tư pháp năm) để nắm được những tồn tại, vướng mắc của địa bàn cơ sở trong họat động hòa giải; đồng thời trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải và động viên tinh thần cho cán bộ hòa giải ở cơ sở.

Năm 2008 là năm tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và họat động hòa giải ở cơ sở; việc tổ chức sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị số 14/2005/CT-UB của Uỷ Ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải ở cơ sở là tiền đề để tổ chức tổng kết 10 năm về họat động hòa giải ở cơ sở được hiệu quả xác thực và nâng cao ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải.

Ngọc Hùng