Cần có “cú hích” để đẩy mạnh xã hội hóa giám định tư pháp trong một số lĩnh vực

01/08/2018
Cần có “cú hích” để đẩy mạnh xã hội hóa giám định tư pháp trong một số lĩnh vực
Hôm nay – 01/8, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp của Tổ soạn thảo Đề án đẩy mạnh xã hội hóa giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng và các lĩnh vực khác theo quy định của Luật Giám định tư pháp.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Luật giám định tư pháp, công tác tư pháp đã có bước phát triển quan trọng: tổ chức giám định tư pháp được kiện toàn phù hợp với nhu cầu của từng lĩnh vực; đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc phát triển nhanh cả số lượng và chất lượng… Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng, việc thực hiện xã hội hóa giám định tư pháp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, mục đích đã đề ra. Do vậy, cần thiết phải đẩy mạnh xã hội hóa giám định tư pháp, hình thành hệ thống các tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập ở các lĩnh vực được xã hội hóa.
Chú trọng đến tính khả thi của Đề án
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nêu một số vấn đề trọng tâm, mục đích, lý do cần thiết phải ban hành Đề án, đồng thời khẳng định đây là một Đề án khó nhưng rất quan trọng, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng yêu cầu phải dự báo được tính khả thi của Đề án, đồng thời xây dựng các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Nếu do thể chế phải đề xuất sửa đổi thể chế, còn nếu do thực tiễn phải có đề xuất, kiến nghị để có chỉ đạo trong quá trình tổ chức thực hiện, từ đó mới mới tạo ra cơ chế phù hợp.  
Đồng quan điểm với Thứ trưởng về việc phải chú trọng đến tính khả thi khi xây dựng Đề án, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến cũng cho biết thêm, Luật giám định tư pháp đã có quy định về xã hội hóa giám định tư pháp ở một số lĩnh vực như pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự có các tổ chức giám định chuyên trách của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay có các lĩnh vực đã thực hiện xã hội hóa nhưng không có tổ chức giám định tư pháp như: tài chính, ngân hàng, xây dựng, văn hóa thông tin, đất đai môi trường. Đây lại là những lĩnh vực mà các cơ quan tiến hành tố tụng có nhu cầu giám định rất lớn. Đồng chí Đỗ Hoàng Yến mong, với trí tuệ tập thể, Đề án sẽ được xây dựng chi tiết và hoàn thiện hơn.
Tập trung xây dựng cơ chế giám sát hoạt động của tổ chức giám định
Đại diện Bộ Công an cho biết, hiện nay phần lớn các vụ án, vụ việc đều được Tòa án, Viện kiểm sát yêu cầu phải giám định, hay án chờ giám định, chờ định giá cũng vô cùng nhiều, do vậy nhu cầu giám định là rất lớn. Nếu thành lập được tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập thì rất thuận tiện. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an cũng chia sẻ, vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn rằng, nếu là cơ quan nhà nước thực hiện giám định thì có sự ràng buộc trách nhiệm cao, nhưng nếu là tư nhân thực hiện thì chưa có cơ chế giám sát hoạt động. Do đó, đồng chí đề xuất cần phải tập trung xây dựng cơ chế giám sát hoạt động của tổ chức giám định ngoài công lập để tránh xảy ra việc “chạy giám định”.

Bên cạnh việc có cơ chế giám sát hoạt động của tổ chức giám định, cũng cần có cơ chế về tài chính, vì theo đại diện Bộ Xây dựng cho biết, ngành xây dựng số lượng vụ việc trưng cầu giám định tư pháp không nhiều (khoảng 40 vụ/năm), việc thành lập Văn phòng giám định tư pháp không thể duy trì. Trong lĩnh vực xây dựng đã thực hiện xã hội hóa bằng hình thức công bố các tổ chức giám định tư pháp về xây dựng, các công ty tư vấn. Các tổ chức này có chức năng kiểm định, trưng cầu giám định tư pháp, do đó, có thể tận dụng các tổ chức này. Mặt khác chi phí công tác giám định tư pháp về xây dựng là rất lớn vì liên quan đến nhiều thiết bị máy móc chuyên dụng để thực hiện, do đó, cần tính đến cả cơ chế tài chính để thực hiện.
Còn đại diện Ngân hàng nhà nước cho rằng, bên cạnh cơ chế giám sát, cần có thêm quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm của giám định viên để ràng buộc khi thực hiện nhiệm vụ, từ đó cơ quan trưng cầu giám định cũng yên tâm khi sử dụng các kết luận giám định.
Tạo ra thị trường cho xã hội hóa giám định tư pháp
Theo ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nếu Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì trước tiên phải thành lập thí điểm văn phòng giám định ngoài công lập theo các tiêu chí mới về quản lý, về cơ chế, sau khi thí điểm xong sẽ cân nhắc với tổ chức giám định theo vụ việc, nếu tổ chức nào có chi phí phù hợp hơn thì sẽ cân nhắc việc nhân rộng.
 

Còn theo đại diện của Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương thì dự báo được nhu cầu thì mới tính được việc thành lập các tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập. Bên cạnh việc xác định được nhu cầu thì cần phải xác định rõ việc chậm kết quả giám định là do thiếu văn phòng giám định, hay do ách tắc ở một khía cạnh nào khác. Theo vị đại diện này, từ nhiều năm trước Luật tố tụng dân sự đã quy định về nghĩa vụ chứng minh của đương sự, kết quả giám định là một trong những tài liệu quan trọng để chứng minh thì lại vẫn phải đề nghị giám định qua Tòa án. Do đó, trong Đề án này cũng cần phải có giải pháp liên quan đến sửa cơ chế, tuy nhiên phải theo lộ trình. Theo đó, đương sự có quyền đề nghị trưng cầu giám định luôn và kết quả giám định này là một trong những chứng cứ để chứng minh chứ không phải thông qua Tòa án để có kết quả giám định. Và từ đó sẽ tạo ra thị trường cho hoạt động giám định, điều này giống như trong hoạt động công chứng, khi người dân được tự do sử dụng văn bản công chứng trong nhiều hoạt động thì lúc đó tự nhiên sẽ tự tạo ra thị trường mà chúng ta không phải ngồi nghĩ ra thị trường cho việc giám định.
Tại cuộc họp rất nhiều ý kiến của các đại diện bộ, ngành, địa phương được đưa ra nhằm chi tiết Đề án mới được thường trực Tổ biên tập sơ thảo. Trên cơ sở các ý kiến này, Cục trưởng Đỗ Hoàng Yến khẳng định Cục Bổ trợ tư pháp, Thường trực Tổ biên tập sẽ tiếp thu các ý kiến trên cơ sở phù hợp các quy định của pháp luật để tiếp tục hoàn thiện Đề án.
An Như