Phiên họp thường kỳ của Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp

07/03/2018
Phiên họp thường kỳ của Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp
Chiều nay – 7/3, Bộ trưởng Lê Thành Long và Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã chủ trì phiên họp thường kỳ của Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp. Tham dự phiên họp có nhiều Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành từ các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo và một số đại diện của các đơn vị thuộc Bộ tham dự.

Tại phiên họp này, dưới sự điều hành của Bộ trưởng Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp, các đại biểu đã cho ý kiến về Kế hoạch công tác năm 2018 của Hội đồng khoa học. Trên cơ sở nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Hội đồng khoa học Bộ sẽ tập trung vào hai nhóm nhiệm vụ: kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học nhiệm kỳ 2017-2022 và cho ý kiến tư vấn về chính sách, định hướng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp. Theo đó, các đại biểu đã thống nhất bầu ra Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Phan Chí Hiếu và thành lập các ban chuyên môn của Hội đồng.
Các đại biểu tham dự phiên họp đã bàn sâu về nội hàm khái niệm “tổ chức thi hành pháp luật” và khái niệm “cơ chế tổ chức theo dõi thi hành pháp luật”. Hiện nay, theo dõi thi hành pháp luật vẫn còn là khái niệm mới trong khoa học pháp lý, cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chính thức cho khái niệm này. Nghị định số 59/2012/NĐ-CP mới bước đầu đưa ra mục đích, nội dung và hình thức theo dõi thi hành pháp luật. Thông qua hoạt động theo dõi thi hành pháp luật giúp nhận biết những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế và nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong tổ chức thi hành pháp luật và đề xuất các kiến nghị, các biện pháp bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm minh, thống nhất góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị Viện Khoa học pháp lý và Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến dựa trên cơ sở nền tảng các quy định của Hiến pháp và đặt trong bối cảnh thực tế gắn với chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp. Đồng thời, việc tiếp thu, chỉnh lý cần lưu ý làm rõ các yếu tố như: mục đích; phạm vi; chủ thể, khách thể và phương thức thực hiện hoạt động tổ chức và theo dõi THPL.
An Như