Đoàn công tác Bộ Tư pháp tiếp tục chuyến công tác tại Canada

08/10/2017
Đoàn công tác Bộ Tư pháp tiếp tục chuyến công tác tại Canada
Tiếp tục chuyến công tác tại Canada, Đoàn công tác Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Phan Chí Hiếu làm Trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Y tế, Trung tâm Tuyên truyền về lợi ích công cộng, Viện Thông tin pháp lý Canada, Văn phòng Hạ viện, làm việc với ông John Gregory – Nguyên luật sư trưởng của Bộ Tổng trưởng lý bang Ontario, thăm Tòa án tối cao Canada.
Bộ Y tế Canada là một cơ quan của Chính phủ liên bang chịu trách nhiệm hỗ trợ người dân bảo vệ và cải thiện sức khỏe. Để thực hiện chức năng này, Bộ Y tế Canada có các nhiệm vụ: Duy trì và hiện đại hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe của Canada; thực hiện hoạt động truyền thông về nâng cao sức khỏe và phòng bệnh; tăng cường và bảo vệ sức khỏe của người dân; hợp tác với những đối tác khác trong bảo vệ sức khỏe người dân… Trong quá trình xây dựng thể chế về bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ Y tế đã tiến hành tham vấn cộng đồng thông qua các hình thức: phương tiện thông tin đại chúng, Cổng Thông tin điện tử, mạng xã hội, diễn đàn, hội thảo, tờ gấp…
Tại cuộc làm việc với Văn phòng Hạ viện Canada, đại diện Văn phòng đã thông tin về nhiệm vụ của cơ quan trong việc soạn thảo văn bản luật do các nghị sỹ đề xuất và trình Hạ viện; cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động của 269 nghị sỹ của các đảng mà không là thành viên nội các. Nhóm soạn thảo luật của Văn phòng gồm 5 luật sư chịu trách nhiệm soạn thảo văn bản, 3 người phiên dịch, 4 biên tập viên pháp lý và 2 cán bộ phát hành, công bố văn bản. Tuy nhiên số lượng văn bản nghị sỹ trình và được Hạ viện thông qua trong những năm qua khá khiêm tốn, chỉ khoảng 10% tổng số dự luật được trình. Trong quá trình xây dựng, Văn phòng còn tổ chức tham vấn công chúng, đối tượng chịu sức tác động của văn bản.
Tại Canada, không có cơ chế hậu kiểm. Khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp được chú trọng. Tuy nhiên, thực tế các cơ quan chủ trì xây dựng văn bản vẫn nhận được những phản hồi, khởi kiện từ các hiệp hội, đối tượng chịu sự tác động của văn bản và người dân về tình trạng văn bản được ban hành chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Đối với những văn bản có vi phạm nhỏ (về ngôn ngữ, kỹ thuật xây dựng văn bản, sửa đổi tên cơ quan cho phù hợp với hiện tại…) thì Chủ tịch Ủy ban lập pháp có thẩm quyền sửa đổi, chỉnh lý mà không cần thực hiện theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhưng cần phải công bố công khai những sửa đổi, chỉnh lý trong luật. Trong quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì xây dựng luôn chú trọng hoạt động đánh giá tác động của văn bản. Hoạt động pháp điển luật ở Canada không nhiều. Hoạt động hài hòa hóa văn bản được quan tâm thực hiên nhằm làm giảm đi những khác biệt giữa pháp luật các tỉnh bang và cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, cơ quan. Việc hợp nhất văn bản thuộc thẩm quyền của liên bang và các tỉnh bang. Cơ quan chủ trì xây dựng văn bản công bố hợp nhất văn bản trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan mà không công bố bằng văn bản giấy.
Tại buổi làm việc với Trung tâm tuyên truyền về lợi ích công cộng (PIAC), ông John Lawford – Giám đốc điều hành, luật sư trưởng của PIAC đã chia sẻ về hoạt động của PIAC. PIAC là một tổ chức phi lợi nhuận, cung cấp các dịch vụ pháp lý, thông tin, giải thích pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng liên quan chủ yếu đến lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, năng lượng nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng. PIAC tích cực tham vấn, góp ý các dự thảo luật; truyền thông, tư vấn pháp lý khi có yêu cầu; bảo đảm quyền của người tiêu dùng được bồi thường trong trường hợp các dịch vụ công quan trọng được cung cấp không đáp ứng nhu cầu của họ, tập trung vào các nhóm yếu thế.
Hoạt động truyền thông pháp luật tại Canada chủ yếu được thực hiện thông qua ứng dụng công nghệ thông tin như Cổng Thông tin điện tử của Viện thông tin pháp luật Canada – Canlii (www.canlii.org). Canlii là tổ chức phi lợi nhuận thuộc Hội luật gia liên bang Canada, chuyên cung cấp các thông tin pháp lý dưới dạng văn bản luật, bản án của Tòa án. Mỗi luật sư đóng 40 đô la Canada/năm để được tiếp cận thông tin trên Cổng thông tin điện tử này, nhưng người dân thì tiếp cận miễn phí, qua đó làm giảm chi phí hành nghề cho các luật sư. Canlii cung cấp công cụ tìm kiếm, trích xuất với Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp liên bang và 13 Bộ Tư pháp các tỉnh bang. Quy trình đăng tải văn bản luật, bản án trên Cổng Thông tin điện tử của Canlii gồm 03 bước là: (1) Thu thập, tiếp nhận văn bản luật, bản án thông qua email của các cộng tác viên, đĩa và sử dụng văn bản luật, bản án đã được đăng tải từ Cổng Thông tin điện tử của liên bang và các tỉnh bang; (2) Xử lý, rà soát nội dung và thống nhất định dạng văn bản và (3) Công bố văn bản luật và bản án. Để đáp ứng nhu cầu của người truy cập, Canlii thiết kế các trường thông tin khác nhau. Việc truyền thông pháp luật thông qua Cổng Thông tin điện tử Canlii rất hiệu quả, hỗ trợ đắc lực hoạt đồng hàng nghề của luật sư và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân.
Qua 5 ngày làm việc tại Canada, nhiều kinh nghiệm có giá trị được các cơ quan, tổ chức mà Đoàn công tác đến làm việc chia sẻ, nhất là thực hiện có hiệu quả quy trình xây dựng văn bản luật với hai giai đoạn: (1) Xây dựng, phê duyệt chính sách và (2) Xây dựng văn bản luật; thống nhất đầu mối cơ quan soạn thảo đồng thời là cơ quan chỉnh lý dự thảo luật khi nghị viện cho ý kiến; vai trò của luật sư, các tổ chức xã hội trong xây dựng pháp luật; tham vấn ý kiến công chúng, đối tượng chịu sự tác động của văn bản luật trong quá trình soạn thảo văn bản; nâng cao hiệu quả hoạt động tiền kiểm, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cập nhật, hệ thống hóa văn bản luật; phát huy vai trò của nghị sỹ trong sáng kiến lập pháp, trình dự án luật và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền thông pháp luật.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu và Hiệp hội Luật sư Canada (CBA) đều mong muốn tiếp tục hợp tác, thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Dự án Phát triển lập pháp quốc gia trong thời gian tới./.
 

Tin liên quan:

Kinh nghiệm về truyền thông pháp luật, tham vấn ý kiến công chúng và kiểm tra VBQPPL tại Canada