Kiểm tra Liên ngành tình hình thực hiện Luật lý lịch tư pháp tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu

18/09/2017
Kiểm tra Liên ngành tình hình thực hiện Luật lý lịch tư pháp tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu
Thực hiện Quyết định số 866/QĐ-BTP ngày 20/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch kiểm tra liên ngành tình hình thực hiện Luật Lý lịch tư pháp tại các tỉnh Điện Biên, tỉnh Lai Châu và thành phố Cần Thơ. Trong các ngày từ 11 đến 13/9/2017, Đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc – Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm trưởng Đoàn Kiểm tra liên ngành, đồng chí Ngô Ngọc Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia làm Phó Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra tại tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu.
Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành có đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53) - Bộ Công an, Cục Theo dõi Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (C83) - Bộ Công an, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp, Cục công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp.
Tại tỉnh Điện Biên,
Ngày 11/9/2017, Đoàn Kiểm tra liên ngành làm việc tại Sở Tư pháp và UBND tỉnh Điện Biên với sự tham gia của các cơ quan có liên quan: Đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự, Công an tỉnh, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ - Công an tỉnh, Trại giam Nà Tấu.
Sau khi nghe địa phương báo cáo và thực tế trao đổi thảo luận giữa liên ngành Trung ương và các cơ quan chức năng của địa phương. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành đã biểu dương ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác lý lịch tư pháp tại tỉnh Điện Biên như: Ủy ban nhân dân tỉnh đã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước theo nhiệm vụ của Luật lý lịch tư pháp quy định, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, bố trí nhân lực, cơ sở vật chất và kinh phí đối với công tác này. Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh và trực tiếp chỉ đạo Phòng Hành chính tư pháp thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tính từ ngày 01/7/2010 đến ngày 01/7/2017, Sở Tư pháp đã đưa vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được 32.597 thông tin và cấp 3.754 phiếu, trong đó phần lớn số phiếu đã được trả trước thời hạn và đúng hạn (2.809 Phiếu lý lịch tư pháp). Từ tháng 01/2016 đến 01/7/2017 Sở Tư pháp đã trả 130 hồ sơ LLTP qua dịch vụ bưu chính và 14 hồ sơ tiếp nhận tờ khai trực tuyến.
Công tác phối hợp liên ngành tại địa phương đã phát huy được hiệu quả và thể hiện được trách nhiệm tốt trong công tác phối hợp, Lãnh đạo Phòng Hành chính tư pháp và cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp đã đề cao được tinh thần trách nhiệm trong công tác chuyên môn, có thể nói công tác lý lịch tư pháp tại tỉnh Điện Biên đã và đang từng bước khắc phục khó khăn về biên chế tổ chức cũng như cơ sở vật chất, đáp ứng tốt cho yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịc tư pháp tại địa phương. Thứ trưởng cũng đã ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của địa phương trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách đối với  công tác này.
Tuy nhiên, Thứ trưởng và đoàn công tác cũng đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại như: chưa bố trí được kho lưu trữ để bảo quản Hồ sơ lý lịch tư pháp bằng văn bản giấy, trang thiết bị bảo quản hồ sơ còn thiếu; Các thông tin có trước ngày 01/7/2010 và các thông tin án tích của các cơ quan ngoài tỉnh và một số cơ quan cung cấp còn chưa đầy đủ, kịp thời cho Sở Tư pháp vì vậy đã gây khó khăn cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp phiếu lý lịch tư pháp, một số năm đầu còn có tình trạng trễ hạn thời gian cấp phiêu lý lịch tư pháp cho người dân. Thứ trưởng cũng đã đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh và các ngành liên quan cần quan tâm hơn nữa trong việc tạo điều kiện cho Sở Tư pháp về nguồn nhân lực, phương tiện trang thiết bị và đặc biệt là công tác phối hợp cung cấp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường trách nhiệm và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tra cứu, xác minh thông tin, đáp ứng tốt cho việc cấp phiếu lý lịch cho công dân trên địa bàn tỉnh.
Tại tỉnh Lai Châu,
Ngày 13/9/2017, Đoàn Kiểm tra liên ngành làm việc tại Sở Tư pháp và UBND tỉnh Lai Châu với sự tham gia của các cơ quan có liên quan: Đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự, lãnh đạo Công an tỉnh, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ - Công an tỉnh.
Sau khi nghe địa phương báo cáo và thực tế trao đổi thảo luận giữa liên ngành Trung ương và các cơ quan chức năng của địa phương. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành đã biểu dương ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác lý lịch tư pháp tại tỉnh Lai Châu như: Ủy ban nhân dân tỉnh đã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước theo nhiệm vụ của Luật lý lịch tư pháp quy định, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, bố trí nhân lực, cơ sở vật chất và kinh phí đối với công tác này. Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh và trực tiếp chỉ đạo Phòng Hành chính tư pháp thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tính từ ngày 01/7/2010 đến ngày 01/7/2017, Sở Tư pháp đã cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được 12.702 thông tin và cấp 3.679 Phiếu, trong đó 3.655 Phiếu Lý lịch tư pháp số 1 và 31 Phiếu Lý lịch tư pháp số 2.
Công tác phối hợp liên ngành đã phát huy được hiệu quả và thể hiện được trách nhiệm tốt trong công tác phối hợp, Lãnh đạo Phòng Hành chính tư pháp và cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp đã có nhiều cố gắng trong công tác chuyên môn, từng bước khắc phục khó khăn về biên chế tổ chức cũng như cơ sở vật chất để làm tốt công tác lý lịch tư pháp, đáp ứng tốt cho yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịc tư pháp tại địa phương. Thứ trưởng cũng đã ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của địa phương trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho công tác này.
Tuy nhiên, Thứ trưởng và Đoàn công tác cũng đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại như: biên chế tổ chức còn kiêm nhiệm chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, chưa tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phối hợp tra cứu, xác minh giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh; còn nhiều thông lý lịch tư pháp tồn đọng, công tác lập hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy chưa nhiều so với thông tin đã được cập nhật vào cơ sở dữ liệu điện tử. Thứ trưởng cũng đã đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh và các ngành liên quan cần quan tâm hơn nữa trong việc tạo điều kiện cho Sở Tư pháp về nguồn nhân lực, phương tiện trang thiết bị và đặc biệt là công tác phối hợp cung cấp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của liên ngành tại địa phương cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tra cứu, xác minh thông tin, đáp ứng tốt cho việc cấp phiếu lý lịch cho công dân trên địa bàn tỉnh.
 Đoàn Kiểm tra liên ngành ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị của địa phương trong triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành để nghiên cứu sửa đổi Luật Lý lịch tư pháp và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này./.
Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia - Bộ Tư pháp