Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động họ, hụi, biêu, phường

04/08/2017
Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động họ, hụi, biêu, phường
Đó là đề xuất được nhiều đại biểu nêu lên tại cuộc họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 144/2006/NĐ-CP của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi tắt là họ) do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu chủ trì vào ngày 3/8.
Trải qua hơn 10 năm thi hành, Nghị định số 144/2006/NĐ-CP được ban hành ngày 27/11/2006 đã góp phần xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm thực hiện quyền dân sự của người dân trong xác lập, thực hiện các quan hệ về vay tài sản nói chung và về họ nói riêng. Ngoài ra, còn có một số văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh gián tiếp như Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
Về cơ bản, các văn bản pháp luật điều chỉnh về họ đã đáp ứng được yêu cầu về cơ sở pháp lý để giải quyết các quan hệ liên quan, góp phần tạo hành lang pháp lý an toàn hơn cho người dân trong các giao dịch về họ. Đồng thời phát huy các giá trị văn hóa, tập quán tốt đẹp về sự tương thân, tương trợ lẫn nhau trong huy động vốn, phục vụ sản xuất và đời sống của người dân, góp phần hạn chế cho vay nặng lãi và đẩy lùi các tệ nạn xã hội khác liên quan.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, nhu cầu cho vay, đi vay bằng phương thức họ ngày càng đa dạng, phức tạp thậm chí có sự biến tướng. Trên thực tế đã xảy ra một số các vụ việc vỡ họ gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, tổ chức, khiến các cơ quan có thẩm quyền khó khăn trong xác minh họ, tên, lai lịch của người tham gia họ trong các dây họ lớn; xác định chứng cứ; xác minh đường lối giải quyết hành vi là khởi tố hình sự hay giải quyết tranh chấp dân sự… Một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là Nghị định số 144 còn có những hạn chế trong quy định về người tham gia họ, hình thức thỏa thuận họ, sổ họ, cơ chế kiểm soát họ, lãi suất họ…
Mặt khác, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 với nhiều quy định mới liên quan đến địa vị pháp lý của chủ thể; về việc xác lập, thực hiện bảo vệ các quyền dân sự; về các giao dịch dân sự; về đại diện; về nghĩa vụ và hợp đồng… trong đó chế định hợp đồng vay tài sản đã được sửa đổi, bổ sung khá cơ bản. BLDS năm 2015 cũng quy định việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi phải tuân thủ theo quy định của BLDS.
Theo đó, nghiên cứu bổ sung các quy định về cơ chế tự kiểm soát lẫn nhau giữa những người tham gia họ, góp phần định hướng hành vi của người tham gia họ; bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên để tăng cường ý thức, trách nhiệm tự bảo vệ quyền dân sự.
Nhằm đảm bảo thiết lập cơ sở chứng cứ để giải quyết tranh chấp phát sinh, dự thảo Nghị định thay thế cũng dự kiến bổ sung một số quy định về nội dung của sổ họ và quy định thêm về giấy biên nhận đồng thời quy định rõ để tính toán lãi suất trong các trường hợp cụ thể về vấn đề lãi suất gồm lãi suất trong trường hợp họ có lãi và xác định được mức lãi, họ có lãi nhưng không thỏa thuận rõ lãi suất, lãi suất trong trường hợp chậm trả…
Theo ông Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, cần đảo đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân, đảm bảo nguyên tắc tự thỏa thuận đồng thời cũng phải có cơ chế kiểm soát lẫn nhau của những người tham gia họ. Đặc biệt, phải chú trọng tới công tác phổ biến, tuyên truyền về các quy định pháp luật của việc tham gia họ tới tận xã, phường, thị trấn để ngươi dân nắm bắt được khung pháp lý khi tham gia “sân chơi” này.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Văn phòng Chính phủ nhận định, công tác phổ biến tuyên truyền về Nghị định số 144 còn yếu, người dân chơi họ chủ yếu theo tập quán. Do đó cần đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân đồng thời quy định rõ mức độ can thiệp của Nhà nước trong hoạt động này để vừa tạo sự minh bạch trong việc tham gia họ, vừa đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của người dân.
Còn đại diện Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS nêu lên vướng mắc trong tổ chức thi hành án liên quan đến họ khi nhiều trường hợp vỡ họ thường bỏ trốn nên không còn tài sản để tiến hành xác minh và thi hành. Thực tế khi tham gia họ, chỉ có người tham gia và chủ họ biết với nhau, vậy có cơ chế nào đảm bảo các chủ thể tuân thủ các quy định khi tham gia họ và có chế tài nào xử phạt khi vi phạm không? Chung nỗi băn khoăn, đại diện đến từ Vụ pháp chế, Ngân hàng Nhà nước lo ngại nếu người dân không làm theo quy định của Nghị định số 144 mà chủ yếu làm theo thói quen, tập quán, tìm các cách lách luật khiến việc tham gia họ biến tướng thì xử lý thế nào?
Nêu lên thực tế từ năm 2006 đến nay, đã có hàng trăm vụ án hình sự liên quan đến hoạt động của họ, ông Đỗ Khắc Hường (Cục pháp chế, Bộ Công an) cho rằng khi vỡ họ gây ra hậu quả nghiêm trọng, nặng nề về kinh tế, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương, dẫn đến nhiều hành vi tiêu cực. Một trong những nguyên nhân khiến việc tham gia họ của người dân phát triển không đúng hướng là do nhà nước còn quản lý lỏng lẻo, để những người tham gia họ tự do hoạt động, nhà nước chỉ can thiệp khi có các vụ án hình sự. Vì bản chất của họ có lãi là hoạt động tín dụng nên cần quản lý chặt, do đó đề nghị bổ sung nội dung về quản lý nhà nước trong hoạt động này để cơ quan nhà nước xem xét các chủ thể có đủ điều kiện tham gia họ không đồng thời cũng xác định được rõ trách nhiệm của cơ quan địa phương đối với hoạt động này.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Lê Tiến Châu nhận định, tham gia họ là một phong tục tập quán hình thành từ rất lâu, nếu duy trì đúng cách thì đó là hoạt động có bản chất tốt đẹp. Tuy nhiên trên thực tế, đặc biệt là ở vùng nông thôn, người dân vốn đã điều kiện khó khăn, khi vỡ họ thì để lại hậu quả rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân còn hạn chế khi chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không tính toán được rủi ro phát sinh. Trong khi đó, các biện pháp ngăn ngừa, xử lý còn yếu, chủ yếu là xử lý hình sự, dân sự trong hình sự còn giải quyết tranh chấp thuần túy trong dân sự rất hạn chế.
Do đó, Nghị định sau khi ban hành cần góp phần định hướng nhận thức, tác động đến hành vi, làm lành mạnh hóa quan hệ dân sự trong lĩnh vực rất đặc biệt này. Cùng với đó, cần chú trọng tới tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động này song tránh đụng chạm, can thiệp quá sâu vào các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân cũng như quan tâm đưa ra giải pháp về tuyên truyền, giải quyết tranh chấp… để đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Kim Quy