Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội về Thừa phát lại

12/07/2016
Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội về Thừa phát lại
Chiều 11/7, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội về Thừa phát lại (Nghị quyết số 107) bằng hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu trên cả nước. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Lê Thành Long, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính cùng đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương.
Cần sự phối hợp của các cơ quan để Thừa phát lại đi vào cuộc sống
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định: chế định Thừa phát lại (TPL) có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm tải cho các cơ quan nhà nước, cung cấp các chứng cứ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình cũng như bảo vệ tốt hơn, thiết thực hơn những quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Tuy nhiên, quá trình thí điểm triển khai cho thấy còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, rất cần sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan và sự nỗ lực của bản thân các TPL để chế định này phát triển và thực sự đi vào cuộc sống.
Thông tin những nội dung chính của Nghị quyết số 107, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết: Nghị quyết đã ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định TPL theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội; chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chính thức chế định TPL trong phạm vi cả nước, kể từ ngày 01/01/2016; giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, tổ chức thực hiện chế định TPL trong phạm vi hành nghề theo quy định hiện hành, có sự sửa đổi, bổ sung cần thiết để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động TPL và chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo nghề TPL. Các tổ chức TPL được thành lập theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội tiếp tục hoạt động theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi Quốc hội ban hành Luật TPL.
Nâng cao nhận thức và tiếp cận của người dân đối với dịch vụ TPL
Chia sẻ về kết quả thực hiện thí  điểm chế định TPL tại Tòa án nhân dân, đại diện TANDTC cho biết: thực hiện hướng dẫn của Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định TPL Trung ương và Tòa án nhân dân tối cao, tất cả các Tòa án thực hiện thí điểm đã ký kết hợp đồng với các Văn phòng TPL. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện thí điểm chế định TPL trong thời gian qua tại các Tòa án nhân dân đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Hiểu biết của nhân dân về TPL và việc thí điểm chế định TPL tại địa phương tuy đã hình thành nhưng còn khá hạn chế. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương còn có lúc chưa thực sự nhịp nhàng; một số cấp Ủy, Uỷ ban nhân dân chưa thực sự quyết liệt trong Chỉ đạo triển khai thí điểm; việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Quy định pháp luật về TPL còn thiếu, chưa đồng bộ với các quy định trong các lĩnh vực liên quan...
Để triển khai hiệu quả chế định TPL trong phạm vi cả nước, Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra một loạt các giải pháp mang tính đồng bộ, trong đó nhấn mạnh tới việc đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về TPL tới người dân nhằm nâng cao nhận thức và tiếp cận của người dân đối với dịch vụ này. Đây cũng là ý kiến của nhiều TPL, Văn phòng TPL và Sở Tư pháp các địa phương nêu lên tại Hội nghị.
Thống nhất về nhận thức để triển khai thành công chế định TPL
Phát biểu tại Hội nghị, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định : thực hiện chế định TPL là xu hướng tất yếu khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường XHCN. Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã thể hiện sự tin tưởng, quan tâm và ủng hộ chế định này, vì vậy các Bộ, ngành phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ và thống nhất, phải vượt qua chính mình, đặt lợi ích của cải cách, người dân lên hàng đầu, đồng sức đồng lòng để triển khai thành công chế định này.
Đồng tình với ý kiến trên, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính cho rằng triển khai chế định TPL là nhiệm vụ mới vô cùng khó khăn. Nguyên Thứ trưởng chỉ rõ, nếu không có sự chuyển biến cơ bản về nhận thức trong các cơ quan nhà nước thì việc triển khai chế định TPL sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Vì vậy, Bộ Tư pháp cần “thuyết phục” để tạo sự đồng lòng, thống nhất hơn trong các Bộ, ngành, từ đó tạo động lực để việc thực hiện quyết liệt, bài bản hơn Nghị quyết số 107.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cũng khẳng định, việc thay đổi nhận thức của các cơ quan nhà nước và người dân là yếu tố quan trọng để chế định TPL đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, các TPL, Văn phòng TPL cũng phải vươn lên tự khẳng định mình, nỗ lực giải quyết những khó khăn mang tính chất thị trường. Thứ trưởng mong muốn các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương đồng hành cùng Bộ Tư pháp và Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi, thiết lập cơ chế cho TPL hoạt động và phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết số 107 đã đề ra.
P.V