Hội đàm giữa hai Bộ Tư pháp Việt Nam - Thái Lan

26/02/2016
Hội đàm giữa hai Bộ Tư pháp Việt Nam - Thái Lan
Bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Thái Lan, chiều qua (25/2), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường và Đại tướng Pay-bun Khum-chay-a, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thái Lan cùng các lãnh đạo cấp cao của hai Bộ đã tiến hành Hội đàm và Ký kết Chương trình hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp năm 2016. Hội đàm có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành; Bí thư Thứ ba Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan Trần Nguyên Thảo.

Phát biểu tại Hội đàm, Bộ trưởng Hà Hùng Cường trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt và chu đáo của Ngài Bộ trưởng và các cán bộ Bộ Tư pháp Thái Lan dành cho Đoàn. Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ sự vui mừng gặp lại Ngài Bộ trưởng tại Thái Lan sau hai lần được đón tiếp Ngài tại Việt Nam vào năm 2015. Đặc biệt, Bộ trưởng Hà Hùng Cường rất xúc động khi được Đại tướng Pay-bun Khum-chay-a cho biết Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam là Bộ trưởng đầu tiên tới thăm và làm việc tại Thái Lan nhân dịp 40 năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan. Hai Bộ trưởng đều bày tỏ vui mừng vì kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan hiện nay đã có những bước phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Hai Bộ trưởng khẳng định hai Bộ Tư pháp luôn coi trọng và mong muốn đưa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.

Rất ấn tượng về vai trò của Bộ Tư pháp Thái Lan khi được nghe Đại tướng Pay-bun Khum-chay-a giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp Thái Lan, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng dành nhiều thời gian giới thiệu với các lãnh đạo cấp cao của Bộ Tư pháp Thái Lan chức năng, nhiệm vụ cũng như những thành tựu mà Bộ Tư pháp Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong 30 năm Việt Nam tiến hành đổi mới nền kinh tế đất nước. Bộ trưởng chia sẻ: Chính phủ Việt Nam vừa phối hợp với Ngân hàng thế giới công bố “Báo cáo Việt Nam 2035” trong đó đặt ra rất nhiều mục tiêu đầy tham vọng cho Việt Nam trong 20 năm tới. Trong tất cả những mục tiêu đó, để triển khai thực hiện được đều có liên quan đến vai trò của Bộ Tư pháp Việt Nam. Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: “Bộ Tư pháp có vai trò ngày càng quan trọng trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, là một trong những Bộ nòng cốt, có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”.

Thông tin thêm về tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong năm 2015 vừa qua, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong năm 2015, công tác hoàn thiện thể chế của Việt Nam đã tiếp tục được đẩy mạnh với trọng tâm là căn chỉnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với tinh thần và nội dung Hiến pháp mới, gắn việc thực hiện pháp luật với việc chuyển hướng chiến lược sang thực thi pháp luật, tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật; gắn cải cách hành chính với đẩy mạnh cải cách tư pháp, nhất là các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của Tòa án và các thiết chế bổ trợ tư pháp. Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc vào cuối tháng 11/2015, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 16 luật, bộ luật, 15 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Trong số đó, nhiều bộ luật, luật rất quan trọng đã được thông qua, như Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa  đổi), Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tạm giữ, tạm giam, Luật trưng cầu ý dân... nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp.

 

Về cải cách tư pháp, thể chế tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức tư pháp, bổ trợ tư pháp tiếp tục được hoàn thiện với nhiều đổi mới, hướng tới một nền tư pháp hiện đại, minh bạch, dân chủ, khách quan, nghiêm minh. Cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát hoạt động tư pháp giữa các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án, luật sư và các tổ chức bổ trợ tư pháp cơ bản được hình thành; quyền tư pháp của tòa án được xác lập bước đầu. Chủ trương xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp, được thực hiện kiên trì và đúng hướng, nhờ đó, các dịch vụ pháp lý, các nghề trong lĩnh vực tư pháp như luật sư, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, quản tài viên, thừa phát lại... ngày càng khẳng định được vai trò trong đời sống xã hội, được người dân, tổ chức, doanh nghiệp tin cậy, sử dụng nhiều hơn để chủ động thực hiện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của các cơ quan tư pháp theo các nguyên tắc pháp quyền. Các đề án về phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực pháp luật, tư pháp được đẩy mạnh thực hiện.

Chia sẻ thông tin về những định hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và ngành Tư pháp trong năm 2016, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Bộ Tư pháp trong năm nay là quyết liệt triển khai Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tập trung xây dựng, hoàn thành việc trình Quốc hội các dự án luật còn lại trong nhiệm kỳ 2011-2015 về triển khai thi hành Hiến pháp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật, chuẩn bị điều kiện cần thiết triển khai thi hành hiệu quả 16 luật, bộ luật mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Đồng thời tiến hành đổi mới mạnh mẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác đăng ký, thống kê hộ tịch. Bộ Tư pháp Việt Nam cũng sẽ tiến hành phát triển đồng bộ các dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân; tập trung thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế, khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo phù hợp với các cam kết của Việt Nam; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEAN; tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan, tổ chức pháp luật và tư pháp.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường mong muốn Bộ Tư pháp Thái Lan sẽ cùng với Bộ Tư pháp Việt Nam hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác đào tạo luật thông qua việc ký kết và triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa các cơ sở đào tạo Luật của Thái Lan với Đại học Luật Hà Nội, Việt Nam, hợp tác đào tạo các chức danh tư pháp thông qua việc ký kết và triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Viện Đào tạo cán bộ tư pháp thuộc Bộ Tư pháp Thái Lan và Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện nay Bộ Tư pháp Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành Tư pháp, do vậy, phía Việt Nam cũng mong muốn được khảo sát, học hỏi kinh nghiệm về mô hình tổ chức, hoạt động của Bộ và ngành Tư pháp Thái Lan.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN vừa được chính thức thành lập vào cuối năm 2015, việc đẩy mạnh hợp tác song phương giữa các nước thành viên, trong đó có Việt Nam và Thái Lan, càng có ý nghĩa quan trọng. Do đó, Bộ trưởng mong muốn và tin tưởng hai Bộ sẽ tích cực hơn nữa trong việc phối hợp thực hiện các sáng kiến đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN (ALAWMM); triển khai các nghiên cứu chung về các lĩnh vực mang tính thời sự, được sự quan tâm chung trong khu vực, nghiên cứu gia nhập các điều ước quốc tế hoặc các tổ chức khu vực, toàn cầu nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác pháp luật giữa ASEAN và các quốc gia, tổ chức khác.

Trao đổi về tình hình hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp, cả Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đại tướng Pay-bun Khum-chay-a đều đánh giá sự hợp tác giữa hai Bộ ngày càng hiệu quả. Ngay trong năm đầu tiên thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ ký kết hồi tháng 3/2015, hai Bên đã phối hợp triển khai hiệu quả một số hoạt động hợp tác như trao đổi các đoàn công tác, tài liệu, ấn phẩm.... Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam và Thái Lan đã tích cực và chủ động tham gia ngay từ đầu, có nhiều đóng góp thiết thực cho thành công của ALAWMM lần thứ 9 và Hội nghị Quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN (ASLOM) lần thứ 16 tổ chức tại In-đô-nê-xia vào tháng 10 năm 2015 vừa qua.

 

Kết thúc Hội đàm, hai Bộ trưởng đã chứng kiến Lễ ký kết Chương trình hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp trong năm 2016 đồng thời bày tỏ tin tưởng chuyến công tác lần này sẽ đạt kết quả hết sức tốt đẹp, tiếp tục mở ra những cơ hội mới đưa quan hệ hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của hai nước, góp phần tích cực cho việc thúc đẩy và tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan. Hai Bộ trưởng cũng tham dự Họp báo thông tin về kết quả tốt đẹp của Hội đàm và những nội dung chính của Chương trình hợp tác giữa hai Bộ trong năm 2016.

Hồng Thuý