Cùng với quá trình Đổi mới đất nước, lịch sử đã trao cho Bộ Tư pháp sứ mệnh ngày càng vinh quang

17/02/2016
Cùng với quá trình Đổi mới đất nước, lịch sử đã trao cho Bộ Tư pháp sứ mệnh ngày càng vinh quang
Từ Liên Xô trở về nước sau khi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sỹ (bây giờ là tiến sỹ) Luật học đúng vào thời điểm Đảng ta đang chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, 30 năm qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường là người chứng kiến gần như trọn vẹn những đóng góp, những thành tựu cũng như những trăn trở của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp đối với công cuộc Đổi mới đất nước. Sự chuyển mình của lịch sử, từ một đất nước quản lý, điều hành kinh tế- xã hội chủ yếu bằng các nghị quyết của Đảng, bằng đạo đức sang quản lý đất nước bằng pháp luật, rồi tiến lên xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là cả một chặng đường dài, ghi những đóng góp đậm nét của Bộ, ngành Tư pháp.

Hiến kế quản trị đất nước bằng pháp luật

Đất nước những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20 trong hồi ức của Bộ trưởng Hà Hùng Cường là những khó khăn thiếu thốn đủ bề. Nền kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Những khó khăn về giá lương tiền hiển hiện trong cuộc sống hàng ngày của người dân, tiềm ẩn sự bất ổn định xã hội. “Trải qua bao nhiêu năm chiến tranh giành lại độc lập trọn vẹn cho đất nước, 10 năm sống trong hòa bình, thống nhất chưa phải là dài, nhất là trong bối cảnh chúng ta phải hàn gắn vết thương chiến tranh khốc liệt như vậy, nhưng người dân hoàn toàn có quyền chờ đợi một cái gì đó nhiều hơn” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường chia sẻ.

Và điều mà người dân “chờ đợi nhiều hơn”, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, chính là việc Đảng ta thực hiện 2 vế sau của tôn chỉ: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.

Trong bối cảnh đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã sáng suốt đề ra đường lối Đổi mới đất nước, mở ra một thời kỳ quản trị đất nước bằng pháp luật. “Tuy mới là sơ khai nhưng việc Bộ Tư pháp góp phần hiến kế để Đại hội VI thông qua đường lối Đổi mới, trong đó xác định chuyển hướng chiến lược quản trị đất nước từ chủ yếu bằng đức trị sang chủ yếu bằng pháp trị là một bước ngoặt rất quan trọng để Bộ Tư pháp thực hiện sứ mệnh của mình” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhớ lại.

Nhưng làm sao có thể quản trị đất nước bằng pháp luật khi nhìn lại hệ thống luật pháp của chúng ta khi đó hầu như chẳng có gì ngoài một vài đạo luật về tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước? Thế là một hành trình kiến thiết hệ thống luật pháp từ các luật về nhà nước sang các luật phục vụ dân sinh và các luật để phát triển kinh tế; từ tư duy làm luật để đáp ứng yêu cầu trước mắt đến tư duy chiến lược hình thành một hệ thống pháp luật có sự cân chỉnh giữa phát triển kinh tế với đổi mới chính trị, giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội, đảm bảo quyền con người, quyền công dân… được vận hành. Trong hành trình ấy, Bộ Tư pháp giữ vai trò là một trong những kiến trúc sư chính để đến ngày hôm nay, cùng với Hiến pháp 2013, ở đất nước ta, về cơ bản, mọi lĩnh vực đều đã có luật điều chỉnh.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường đặt câu hỏi: “Chúng ta thử hình dung nếu hệ thống pháp luật của chúng ta ngày hôm nay mà cũng như trước đây 30 năm thì chắc chắn không thể điều hành được xã hội và cũng không có được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử về kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng – an ninh, tăng cường vị thế của đất nước trong khu vực và trên trường quốc tế như ngày hôm nay”.

Cũng ít người có thể tưởng tượng được rằng, vào những năm đầu Đổi mới, cả nước mới chỉ có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là có 2 Đoàn luật sư với số ít luật sư được Nhà nước cử ra làm việc thì nay cả nước đã có trên 10 nghìn luật sư hành nghề, hơn 3.500 luật sư tập sự sẵn sàng đồng hành cùng người dân bảo vệ công lý. Từ một cơ sở Đại học luật Hà Nội đầu tiên Bộ Tư pháp được Nhà nước giao quản lý đến nay cả nước đã có hàng chục cơ sở đào tạo cử nhân luật. Một đội ngũ đông đảo các luật gia, thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, công chứng viên, thừa phát lại… đã góp phần quan trọng vào những thành tựu ấy.

Nhà nước pháp quyền: Chuẩn mực đúng đắn của xã hội hiện đại

Từ những thành công bước đầu của Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong quá trình Đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định “ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng cộng sản lãnh đạo” là 1 trong 8 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.  

Bộ trưởng Hà Hùng Cường chia sẻ, để Nhà nước pháp quyền có được vị trí như vậy trong Cương lĩnh xây dựng đất nước không phải là điều đơn giản. Đã có lúc tranh luận gay gắt, trong nội bộ, cụm từ “ Nhà nước pháp quyền” còn là cấm kỵ. Bởi vậy, việc Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) ghi nhận “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” đếnCó Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng cộng sản lãnh đạolà cả một bước tiến rất dài, đánh dấu sự phát triển tư duy của xã hội đồng thời ghi nhận những đóng góp của rất nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, Nhà nước pháp quyền là chuẩn mực đúng đắn nhất cho việc xây dựng một xã hội hiện đại bởi một trong những giá trị phổ quát nhất của nhà nước pháp quyền là thừa nhận “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. “ Một khi đã công nhận nhân dân là chủ thể của mọi quyền lực trong xã hội thì Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức cũng chỉ là “đầy tớ”, “công bộc” của Nhân dân. Điều đó một lần nữa được khẳng định rõ nét trong Hiến pháp 2013 với việc hai chữ Nhân Dân được viết hoa và Hiến pháp dành  Chương 2 riêng để quy định cụ thể về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ”.

Rõ ràng, đã có một sự thay đổi rất lớn trong tư duy xây dựng pháp luật của đất nước trong thời kỳ Đổi mới. Nếu như trước đây, việc xây dựng pháp luật chỉ đặt ra cho Nhà nước thì nay, pháp luật đặt ra chính là để cho người dân. “Với chủ thuyết thừa nhận quyền lực thuộc về Nhân dân, Nhân dân làm chủ thì trong bất cứ việc xây dựng hay thực thi pháp luật, quyền con người, quyền công dân đều được đặt lên trên hết. Đó là một bước chuyển rất lớn trong xã hội chúng ta về nhận thức”. Điều đó đồng nghĩa với việc Nhà nước thừa nhận quyền con người là quyền vốn có và quyền đó không phải do Nhà nước “ban ơn” cho người dân.

Thế mới có chuyện trước kia chỉ Nhà nước có quyền trừng phạt người dân vi phạm pháp luật thì nay nhà nước vi phạm cũng bắt buộc phải bồi thường cho dân. Thế mới có chuyện trước kia người dân mà kiện quan thì khác gì là “con kiến kiện củ khoai” còn nay đã có hẳn một hệ thống tài phán hành chính để “dân kiện quan”, để xử lý những cái sai của cơ quan hành chính và của cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính trước người dân. Thế mới có chuyện Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cho phép công dân có quyền chuyển đổi giới tính hay quy định Toà án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có quy định của pháp luật… Đó là những biểu hiện rõ nét của một Nhà nước vì dân.

Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ấy, Bộ Tư pháp đã đóng vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, đánh giá nhu cầu tổng thể để trình Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận định: “Có thể nói, với Nghị quyết 48, Nghị quyết 49 công cuộc xây dựng hệ thống pháp luật, tư pháp của chúng ta đã có những bước tiến dài, trong đó, Bộ Tư pháp có vai trò to lớn, cùng các Bộ, ngành khác giúp Chính phủ, Quốc hội, giúp Đảng xây dựng thành công hành lang pháp lý phát triển lâu dài của đất nước, của dân tộc”.

Chắc chắn tới đây, cùng với việc Đảng, Nhà nước ta chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang hoàn thiện gắn với tổ chức thi hành pháp luật, tinh thần thượng tôn Hiến pháp, thượng tôn pháp luật sẽ càng có vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại.

Đã “tròn vai” Tư lệnh ngành Tư pháp

Cùng Bộ trưởng Hà Hùng Cường ngồi nhìn lại những đóng góp của Bộ, ngành Tư pháp vào công cuộc đổi mới đất nước, điều mà Bộ trưởng tâm đắc nhất là thấy Bộ, ngành đang dần trở lại vị thế cần thiết của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. “Chúng ta còn nhớ là khi Chính phủ lâm thời lập ra với 12 Bộ thì Bác Hồ đã gọi Bộ Tư pháp là Bộ trọng yếu của chính quyền. Lịch sử thăng trầm, thậm chí có lúc không có Bộ Tư pháp, nhưng đến giờ, trong xã hội hiện đại, trong Nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang xây dựng, có thể khẳng định, Bộ Tư pháp là một trong những bộ, ngành đóng góp nhiều nhất vào quốc kế dân sinh”.  Bộ trưởng bảo: “Đầu tư một con đường tốn hàng chục nghìn tỷ đồng có thể giúp cho người dân đi lại thuận tiện hơn, kinh tế - xã hội phát triển hơn, nhưng đó cũng chỉ là một con đường, giúp cho quốc kế dân sinh ở một khu vực. Còn việc xây dựng một hệ thống pháp luật, từ Hiến pháp trở xuống tới các bộ luật, các luật phục vụ đường hướng phát triển dài lâu của một đất nước, một dân tộc thì hiệu quả không gì có thể so sánh được.”

Những đóng góp, những nỗ lực ấy của Bộ, ngành Tư pháp đã và đang được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận.

Đúng là chưa có nhiệm kỳ nào mà lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước lại đến với Bộ Tư pháp nhiều và đủ như nhiệm kỳ vừa qua. Rất nhiều lãnh đạo các địa phương, Bộ, ngành cũng đã phát biểu về tầm quan trọng của công tác tư pháp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các Bộ, ngành. Cũng chưa bao giờ mà công tác tư pháp lại gắn bó và phục vụ đắc lực các nhu cầu hàng ngày của người dân như hiện nay.

Ấy thế mà khi được hỏi có thấy hài lòng với những đóng góp của cá nhân người chèo lái con thuyền ngành Tư pháp trong suốt gần 2 nhiệm kỳ vừa qua hay không, Bộ trưởng Hà Hùng Cường chỉ khiêm tốn xem mình “đã tròn vai” của người đứng đầu ngành Tư pháp.

Ông cũng không ngần ngại chia sẻ về con đường “không bằng phẳng” với rất nhiều chông gai, trở ngại, thậm chí có lúc nản lòng mà Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp cũng như bản thân ông đã trải qua trong suốt những năm tháng qua. “Có những việc chủ trương đã rõ, như việc thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án, chuyển người bị án phạt tù sang một chế độ quản lý dân sự cho người ta tái hòa nhập cộng đồng thuận lợi hơn đã được xác định tại Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng rồi mấy nhiệm kỳ Quốc hội vẫn không được thông qua, vẫn để lại như một món nợ... ”.  Rồi câu chuyện tương tự về Luật đăng ký tài sản. “Ở nước  ta tài sản đăng ký ở các đầu mối khác nhau. Bất động sản cũng vậy, động sản cũng vậy, không được kiểm soát. Đó là lý do khó kiểm soát được tham nhũng, khó thi hành án dân sự. Nhưng khi dự luật được trình lên thì Quốc hội không thông qua vì rất nhiều ý kiến cho rằng bày thêm giấy tờ này, giấy tờ kia, rồi phủ nhận sạch trơn giấy hồng, giấy đỏ”. Hay như câu chuyện về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hộ tịch được Quốc hội ban hành với nhiều quy định khác với nội dung trình ban đầu của Chính phủ cũng là điều khiến người đứng đầu ngành còn nhiều trăn trở.

Bộ trưởng nghiệm ra rằng: “Cuối cùng vẫn là câu chuyện phải kiên trì. Mình đã có nhận thức đúng rồi, có một định hướng tốt rồi, vấn đề còn lại là làm sao thuyết phục để có được sự đồng thuận”. Nhờ kiên trì thuyết phục mà nhiều quy định mắc, nay tính cải cách lớn đã được đưa vào Luật Hộ tịch, Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi)… , hoặc là một bước được thực hiện. Chế định thừa phát lại cũng đã được Quốc hội ghi nhận, cho thực hiện chính thức trong cả nước.

Có chứng kiến sự quyết liệt của Bộ trưởng Hà Hùng Cường trong nỗ lực đưa những tư duy đổi mới hệ thống pháp luật vào cuộc sống suốt những năm tháng qua mới thấy ông chưa bao giờ nguôi nhiệt huyết với một Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Có người bảo rằng, sự năng động của vùng đất Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc quê hương ông đã ảnh hưởng rất lớn tới tính cách của người đứng đầu ngành Tư pháp. Cũng có người bảo rằng, thời cơ lịch sử của công cuộc Đổi mới đã trao cho ngành Tư pháp nhiều vận hội để người đứng đầu ngành Tư pháp thực hiện được những hoài bão của mình. Nhưng rõ ràng, trong lịch sử ngành Tư pháp Việt Nam, Bộ trưởng Hà Hùng Cường là người để lại nhiều dấu ấn.

Hồng Thuý