Kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên tại Hà Nam, Thái Bình

17/11/2015
Kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về thanh niên và công tác thanh niên tại Hà Nam, Thái Bình
Thực hiện Kế hoạch số 01/KH-UBTN ngày 3/4/2015 của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam (UBTN) về kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật, chính sách thanh niên và công tác thanh niên năm 2015 mà trọng tâm là việc thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh niên giai đoạn 2011-2015, trong hai ngày 16-17/11/2015, đồng chí Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Ủy viên UBTN đã dẫn đầu Đoàn công tác liên ngành làm việc với chính quyền huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam, chính quyền tỉnh Hà Nam và tỉnh Thái Bình.

Các báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam và Thái Bình đều khẳng định, việc thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên thời gian qua đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của công tác phát triển thanh niên trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Tổ chức bộ máy và nhân sự thực hiện nhiệm vụ quản lý thanh niên đã được hình thành và hoạt động ngày càng đi vào nền nếp. Việc lồng ghép các mục tiêu phát triển thanh niên vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương đã được thực hiện thông qua các đề án cụ thể về đào tạo nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho thanh niên. Công tác thu hút, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ trẻ được quan tâm. Các thiết chế về văn hóa, thể thao dành cho thanh niên đã được quan tâm đầu tư xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh, bước đầu đáp ứng đúng nguyện vọng rèn luyện thể chất, nâng cao đời sống tinh thần của thanh niên. Mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên và ngành chức năng như giáo dục, công an, lao động-thương binh-xã hội, các tổ chức Đoàn thanh niên, Ban Chỉ huy quân sự, Hội Cựu chiến binh, doanh nghiệp đã được hình thành với nhiều mô hình mang tính sáng tạo và hiệu quả cao như: ban hành quy chế phối hợp giữa UBND/Sở Nội vụ với Đoàn thanh niên tỉnh Hà Nam, Thái Bình; mô hình đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự để bổ sung nguồn lao động cho các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; mô hình “thanh niên tham gia giữ gìn an ninh trật tự”, “khu dân cư không có tội phạm”, “Đoàn thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới”...

Việc thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Hà Nam và Thái Bình đều được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng lứa tuổi và môi trường của thanh thiếu niên. 100% thanh thiếu niên trong trường học được tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thanh niên, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh. Các mô hình: câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật”, “Đội thanh niên tuyên truyền pháp luật”, đội thanh niên tình nguyện “thắp sáng niềm tin”, “cổng trường xanh-sạch-đẹp-an toàn giao thông”, “Tuổi trẻ học đường nói không với ma túy”, duy trì tốt chuyên mục “Phổ biến giáo dục pháp luật’ trên Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh… đã thu hút được đông đảo đội ngũ thanh niên tham gia, từng bước nâng cao ý thức pháp luật của thanh niên, góp phần giảm tỷ lệ thanh niên vi phạm pháp luật tại địa phương. Đặc biệt, tỉnh Thái Bình đã giảm được trên 10% số người vi phạm pháp luật hình sự là thanh niên sau 5 năm thực hiện Đề án và là một trong số ít địa phương đạt được chỉ tiêu này trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, việc thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên và Đề án tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Hà Nam và Thái Bình đều còn những khó khăn, tồn tại cần sớm được khắc phục như: đầu tư kinh phí cho việc thực hiện Chiến lược và Đề án còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ làm công tác Đoàn chưa được tập huấn nhiều về kỹ năng hoạt động nên chất lượng tham mưu chưa cao. Công tác kiểm tra, đánh giá sơ-tổng kết chương trình thanh niên còn hạn chế.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã ghi nhận những kết quả ấn tượng của tỉnh Hà Nam và Thái Bình trong việc thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên và Đề án tăng cường giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh niên, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy và Lãnh đạo UBND tỉnh đối với công tác này. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam, Thái Bình tiếp tục quan tâm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh về vai trò của công tác thanh niên và vai trò của thanh niên vì đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; Cần rà soát kỹ các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển thanh niên để chỉ đạo quyết liệt và giải quyết dứt điểm những mặt chưa làm được; Chú trọng lựa chọn trọng tâm, trọng điểm để có tính đột phá trong công tác phát triển thanh niên; Tập trung mạnh vào hoạt động đào tạo nghề để giúp thanh niên có việc làm, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế của địa phương; Chuyển dần trọng tâm từ xây dựng và hoàn thiện thể chế sang thi hành pháp luật.

Trong chuyến công tác, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã thu xếp thời gian đến thăm, làm việc tại Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự hai tỉnh Hà Nam và Thái Bình.

Kim Dung


Vũ Kim Dung Vụ Tccb