Họp Ban soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản QPPL

11/11/2015
Họp Ban soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản QPPL
Ngày 09/11, Bộ Tư pháp đã tổ chức phiên họp của Ban soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (gọi tắt là dự thảo Nghị định) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Trưởng ban soạn thảo dự thảo Nghị định.

Tại phiên họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến đã báo cáo sơ bộ tình hình xây dựng dự thảo Nghị định. Đối với dự thảo Nghị định lần này, bố cục được sắp xếp theo các bước trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, lập đề nghị, soạn thảo, thể thức trình bày, đăng công báo… theo đó, dự thảo Nghị định dự kiến có 10 Chương với 213 Điều. Ông Nguyễn Hồng Tuyến cũng đưa ra một số vấn đề lớn để xin ý kiến Ban soạn thảo như: quản lý công báo; dịch văn bản quy phạm pháp luật; vấn đề bảo đảm kinh phí cho xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật; về mức độ chi tiết của Nghị định.

Dự thảo Nghị định này quy định chi tiết 07 nội dung được giao cụ thể trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, bao gồm: thể thức, kỹ thật trình bày văn bản quy phạm pháp luật; dịch văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp luật; đăng công báo, niêm yết văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm nguồn lực, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định quy định một số biện pháp thi hành Luật như: thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; cách thức lấy ý kiến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập…

Theo nguyên Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, bố cục của dự thảo Nghị định hiện nay chưa được phù hợp vì các quy định chi tiết đang để xen lẫn với các quy định về biện pháp thi hành sẽ khó theo dõi và cũng sẽ không thuận lợi cho việc hợp nhất văn bản sau này. Do vậy, bố cục dự thảo Nghị định cần xây dựng theo hướng tách riêng thành hai phần: các quy định chi tiết và các biện pháp thi hành. Nguyên Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cũng đưa ra một số ý kiến về bảo đảm nguồn nhân lực trong đó có việc thu hút và sử dụng các chuyên gia (có năng lực, bề dày kinh nghiệm) trong hoạt động xây dựng pháp luật.

   

Bên cạnh việc góp ý về các vấn đề cần xin ý kiến, các thành viên của Ban soạn thảo cũng đưa ra ý kiến về việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng luật, theo đó nhiều ý kiến cho rằng trình tự lấy ý kiến phải đơn giản, bảo đảm tính khả thi. Đối với vấn đề xây dựng và đánh giá tác động của chính sách cũng cần phải thực chất hơn và nên cân nhắc phạm vi các văn bản được đánh giá tác động, chứ không phải văn bản nào cũng phải đánh giá của chính sách để tránh hình thức, không cần thiết.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đề nghị, các quy định của dự thảo Nghị định phải đúng tinh thần của Luật, không được vượt lên trên Luật và cũng không được mâu thuẫn với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, những nội dung mà Luật đã quy định rồi thì dự thảo Nghị định không được nhắc lại. Thứ trưởng cũng cho rằng, dự thảo nghị định không quan trọng việc quy định ngắn hay dài, mà phải minh bạch, rõ ràng, cụ thể để việc áp dụng thi hành được thuận lợi, giúp đưa Luật vào cuộc sống.

Thứ trưởng yêu cầu, phải làm rõ các nội dung quy định chi tiết mà Luật giao và các biện pháp thi hành, nhưng phải tính đến việc các biện pháp thi hành phải thuộc thẩm quyền của Chính phủ.        

                                                           Hoàng Vy Anh