Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW: Chuyển biến tích cực về tư duy lập pháp

14/09/2015
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW: Chuyển biến tích cực về tư duy lập pháp
Chiều 14/9, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Dự án phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam (Dự án NLD) tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết 48).

Tham dự Hội thảo có nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, đại diện một số cơ quan ở Trung ương, địa phương và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp và ông Isabeau Vilandra, Giám đốc thường trú của NLD tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật khẳng định: Nghị quyết 48 là dấu ấn quan trọng trong việc hoạch định chiến lược lập pháp của Việt Nam, vạch rõ những bước đi và giải pháp cơ bản, toàn diện đối với việc xây dựng và thi hành pháp luật. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, nước ta đã thực sự có những chuyển biến tích cực về tư duy lập pháp; hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận và tác động tích cực đến sự phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

 

 

Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới đặt ra về thực trạng hệ thống pháp luật, định hướng xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN theo Hiến pháp năm 2013, định hướng, phát triển kinh tế - xã hội sau 30 năm đổi mới đất nước và bối cảnh quốc tế, khu vực thì việc tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật nhằm đáp ứng tốt hơn, đầy đủ hơn là vô cùng cần thiết.

 

 

Chia sẻ quan điểm này, ông Isabeau Vilandra, Giám đốc thường trú của NLD tại Việt Nam cũng cho rằng trong quá trình thực hiện Nghị quyết 48, Việt Nam đã từng bước giải quyết các vấn đề, xác định được những nội dung cần giải quyết để cải cách hệ thống pháp luật và có những thành công nhất định. Tuy nhiên, Hiến pháp 2013 ra đời sẽ dẫn tới những thay đổi căn bản về nhận thức và ý thức, đồng thời đưa ra những định hướng lớn cho hoạt động lập pháp. Vì vậy, việc tổng kết, đánh giá Nghị quyết 48 tại thời điểm này là hợp lý và cần thiết nhằm xác định được những nhu cầu về lập pháp và xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam trong thời gian tới.

 

 

Hội thảo đã được nghe các báo cáo viên, các chuyên gia trình bày khái quát về Dự thảo Báo cáo và những vấn đề nghiên cứu chuyên sâu xoay quanh nội dung của Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo Nghị quyết 48. Các đại biểu đã tập trung bàn thảo, chia sẻ kết quả nghiên cứu; đánh giá về những nội dung có liên quan, đồng thời đề xuất định hướng, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện các nội dung của Dự thảo Báo cáo tổng kết, cùng suy nghĩ, thảo luận tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất giúp Bộ Tư pháp, Chính phủ hoàn thiện Dự thảo Báo cáo này với chất lượng cao nhất.