Bộ Tư pháp sơ kết công tác tư pháp 7 tháng đầu năm 2015

13/08/2015
Bộ Tư pháp sơ kết công tác tư pháp 7 tháng đầu năm 2015
Hôm nay (13/8), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 7 tháng đầu năm 2015. Bộ trưởng Hà Hùng Cường chủ trì Hội nghị, tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, nguyên Thứ trưởng Hoàng Thế Liên; lãnh đạo cấp Vụ các đơn vị thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo một số địa phương và đại diện các tổ chức, đoàn thể thuộc Bộ.

Công tác tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực

Báo cáo công tác tư pháp 7 tháng đầu năm, Chánh Văn phòng Bộ Trần Tiến Dũng cho biết, công tác tư pháp đã bám sát các chủ trương của Đảng, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội do Quốc hội, Chính phủ đề ra, triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao, trong số 50 nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành trong 7 tháng đầu năm được xác định trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, đến nay Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành xong 42/50 nhiệm vụ (đạt 84%).

   

Nhiều lĩnh vực đạt kết quả khả quan như công tác tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đến nay cơ bản đã hoàn thành ở cấp tỉnh; công tác xây dựng pháp luật nói chung, việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng có chuyển biến tích cực, nhiều bộ luật, luật quan trọng đã được trình Quốc hội cơ bản bảo đảm chất lượng, tiến độ; công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) được một số Bộ, ngành chú trọng thực hiện từng bước có sự chuyển biến tích cực, nhất là trong một số lĩnh vực như thuế, hải quan, bảo hiểm; kết quả thi hành án dân sự (THADS) đạt cao hơn so với cùng kỳ năm trước, việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS được thực hiện chủ động; công tác xử lý vi phạm hành chính từng bước đi vào nề nếp; công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, lý lịch tư pháp từng bước đã có sự đổi mới; việc phát triển các nghề công chứng, thừa phát lại được đẩy mạnh, đã xuất hiện nghề mới là quản tài viên; việc tham gia với vai trò đại diện pháp lý cho Chính phủ giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tiếp tục được thực hiện tốt.

   

Những kết quả nêu trên đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, của từng địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Qua đó, vai trò của các cơ quan tư pháp, pháp chế trong đời sống kinh tế - xã hội ngày càng được khẳng định, vị trí của cơ quan tư pháp, pháp chế ngày càng được củng cố, đề cao. Có được những kết quả nêu trên, trước hết là ngành Tư pháp tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành Trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sự ủng hộ của Nhân dân; việc chỉ đạo, điều hành trong triển khai thực hiện các kế hoạch công tác ngày càng quyết liệt, khoa học hơn, bám sát trọng tâm, trọng điểm và có giải pháp phù hợp, chú trọng hoàn thiện thể chế và tăng cường hướng về cơ sở.

Tình trạng nợ đọng văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ tăng cao

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp 7 tháng đầu năm 2015 vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết (của các Bộ, cơ quan ngang Bộ) tăng cao với 102 văn bản, tăng 52 văn bản so với cùng kỳ năm 2014 (50 văn bản); hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa cao, pháp luật vẫn còn chậm đi vào cuộc sống; việc thi hành các vụ án lớn, liên quan đến thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn; việc đơn giản hóa TTHC trong một số lĩnh vực còn chậm, TTHC chưa nghiêm; việc rà soát, sửa đổi, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính còn chưa được như yêu cầu.

   

Việc kiện toàn biên chế, cán bộ theo Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh còn gặp nhiều khó khăn; việc triển khai một số quy định mới trong lĩnh vực công chứng, chứng thực còn lúng túng; ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực còn chậm; công tác thanh tra trong ngành Tư pháp chậm được đổi mới.

Thủ trưởng đơn vị phải tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin

Nhất trí với dự thảo Báo cáo sơ kết, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và đại diện Lãnh đạo một số địa phương đã khái quát những công việc đã thực hiện và những công việc trọng tâm cần thực hiện trong những tháng cuối năm, đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho rằng “công tác của Bộ, ngành đã đụng trần, nên rất cần giải pháp mới và đột phá để giải quyết công việc”. Thứ trưởng nhấn mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (UDCNTT) là giải pháp của các giải pháp, do vậy trong thời gian tới Thủ trưởng các đơn vị phải đi tiên phong trong vấn đề UDCNTT để giải quyết công việc. Đối với báo cáo thống kê, theo Thứ trưởng “vấn đề quan trọng không phải là báo cáo nhiều hay ít, dài hay ngắn, mà là việc sử dụng báo cáo thống kê như thế nào cho hiệu quả. Phải sử dụng con số để phân tích đánh giá, dự báo phục vụ cho công tác điều hành của chúng ta”. Thứ trưởng lưu ý, biên chế của Bộ, ngành chỉ có như hiện nay hoặc có thể ít hơn, do đó phải nghiêm túc trong xây dựng Đề án vị trí việc làm, để từ đó rà soát lại bố trí đúng người, đúng việc. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, không chỉ qua hội nghị tập huấn mà phải tự đào tạo bồi dưỡng trong chính đơn vị của mình.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhất trí với báo cáo và cho rằng với kết quả đạt được trong 7 tháng đầu năm “về cơ bản phấn khởi”. Từ những tồn tại, hạn chế cũng như qua trao đổi, thảo luận tại Hội nghị, Bộ trưởng yêu cầu cần phải nhận diện đúng, đủ các nguyên nhân, đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan dẫn đến những nhiệm vụ trọng tâm 7 tháng đầu năm đề ra chưa hoàn thành đúng tiến độ, hoặc hoàn thành nhưng chưa đạt chất lượng, từ đó có giải pháp cụ thể để khắc phục. Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của những tháng cuối năm là rất nặng nề, Bộ trưởng đề nghị “các đơn vị phải rà soát lần nữa và đề ra đúng, đủ nhiệm vụ trọng tâm nhất là những gì mà 6 tháng qua chưa làm được, những gì còn phải làm, thậm chí là gối sang năm 2016”. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị không được chậm trễ trong việc hoàn thiện Đề án vị trí việc làm và trước 30-9 tất cả Đề án vị trí việc làm của các đơn vị thuộc Bộ phải được phê duyệt xong…

Hoàng Vy Anh