Phiên họp cuối của Ủy ban Định hướng Chương trình Đối tác Tư pháp

24/06/2015
Phiên họp cuối của Ủy ban Định hướng Chương trình Đối tác Tư pháp
Sáng nay – 24/6, tại Hà Nội, Ủy  ban Định hướng, cơ quan chủ quản của Chương trình Đối tác Tư pháp (JPP) đã tiến hành họp tổng kết. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Ủy Ban Châu Âu tại Việt Nam Tiến sĩ Franz Jessen đồng chủ trì phiên họp.

Ủy ban Định hướng đã rà soát lại những thành tựu chính của Chương trình, bao gồm hỗ trợ cải cách các bộ luật tố tụng chính thuộc hệ thống tư pháp, nhằm tăng cường tính minh bạch của các thủ tục tố tụng tư pháp, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ ngành tư pháp, và cải thiện chiến lược hỗ trợ pháp lý của nhà nước cũng như thúc đẩy công bố bản án. Chương trình đã nâng cao năng lực cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các tổ chức phi Chính phủ được lựa chọn nhằm tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho người dân.

Cho biết Chương trình JPP đã đồng hành trong suốt 5 năm qua và có nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực cho quá trình cải cách tư pháp của Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc bày tỏ vui mừng vì các Bên đã hợp tác hiệu quả và đi được chặng đường dài 5 năm. Trong thời gian qua, đặc biệt năm 2014 là năm đầu triển khai thi hành Hiến pháp 2013, rất nhiều công việc được triển khai trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp và pháp luật. Thứ trưởng khẳng định, sự hỗ trợ của Chương trình JPP đối với quá trình cải cách tư pháp và pháp luật là vô cùng quý báu. Với mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ và bảo vệ công lý theo định hướng Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, các hoạt động của Chương trình JPP trải rộng ở nhiều lĩnh vực, liên quan đến nhiều Bộ, ngành. Thứ trưởng cho rằng, trong 5 năm qua, Chương trình JPP đã mang lại nhiều thông tin, kiến thức, kinh nghiệm cũng như bài học thành công trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp ở Việt Nam. Hội nghị hôm nay là cơ hội để nhìn lại quá trình hợp tác, phối hợp thực hiện mục tiêu và các nhiệm vụ cụ thể của Chương trình JPP, đồng thời còn là cơ hội để đánh giá, rút ra bài học, đề xuất những ý tưởng, cũng như giải pháp cho Chương trình hợp tác khác giữa Liên Minh Châu Âu và Chính phủ Việt Nam đang được xây dựng.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Franz Jessen nhấn mạnh: Chương trình Đối tác Tư pháp tập trung hỗ trợ các vấn đề nâng cao năng lực của Chiến lược cải cách tư pháp, cũng như thúc đẩy đối thoại và phân tích các vấn đề trong ngành. Với sự tham gia của các cơ quan nhà nước, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội, Đại sứ cho rằng, “Chương trình đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp và chuyển giao sang hệ thống pháp luật mới theo tinh thần của Hiến pháp”. Các hỗ trợ của Chương trình JPP là ví dụ điển hình cho việc trợ giúp Việt Nam và là dấu hiệu của quan hệ đối tác chặt chẽ đã được xây dựng giữa các Bên. Đại sứ cũng bày tỏ cam kết của Liên Minh Châu Âu sẽ tiếp tục cộng tác với Việt Nam nhằm phát triển một ngành tư pháp có năng lực, đạo đức, dân chủ và bảo vệ công lý. Đại sứ cũng hy vọng sẽ “sớm ký thỏa thuận thông qua chương trình mới, Chương trình Trao quyền Pháp lý và Luật pháp tại Việt Nam của Liên Minh Châu Âu”.

Đồng tình với Đại sứ Franz Jessen, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Christian Brix Moeller cho biết: Đan Mạch đã hỗ trợ ngành Tư pháp Việt Nam trong gần 20 năm, gần đây nhất là Chương trình JPP. Đại sứ cho viết, ông rất vui mừng vì đã hỗ trợ Việt Nam phát triển khung pháp lý cải cách tư pháp cũng như tăng cường năng lực cho cơ quan nhà nước, luật sư chuyên nghiệp và tổ chức chính trị xã hội, để giúp họ thực hiện cải cách hiệu quả. Phó Đại sứ bày tỏ hy vọng “tất cả những thay đổi quan trọng sẽ thực sự góp phần tại ra một ngành tư pháp hoạt động tốt và mang lại công lý cho tất cả”.

Đánh giá về kết quả đạt được trong toàn bộ thời gian thực hiện Dự án, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, Chương trình JPP đã tập trung và hỗ trợ tích cực cho Bộ Tư pháp thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ cải cách tư pháp được giao cả về xây dựng và hoàn thiện thể chế. Tính đến hết ngày 20/6/2015, Dự án đã được vận hành và quản lý tương đối hiệu quả. Hầu hết các hoạt động được đề xuất và thực hiện trong khuôn khổ dự án đều nhằm hướng tới thực hiện các kết quả chính cũng như mục tiêu đã được xác định trong văn kiện Dự án; đồng thời phục vụ đắc lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trọng tâm của Bộ Tư pháp.

Các hoạt động được thực hiện trong thời gian qua đều góp phần giúp Bộ Tư pháp thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong các lĩnh vực có liên quan như trợ giúp pháp lý; Thừa phát lại; lý lịch tư pháp quốc gia; bổ trợ tư pháp; hộ tịch quốc tịch chứng thực; pháp luật hình sự, hành chính. Sự hỗ trợ của Chương trình JPP không chỉ là hỗ trợ về nguồn kinh phí mà còn hỗ trợ kinh nghiệm, kiến thức của các chuyên gia trong nước và quốc tế để giúp Bộ Tư pháp có thêm nguồn lực và điều kiện hoàn thành công việc với chất lượng cao hơn.

Nhất trí với những kết quả mà Bộ Tư phát đạt được thông qua Chương trình JPP, đại diện Tòa án nhân dân tối cao cho biết, sau 5 năm thực hiện, Chương trình JPP – Hợp phần Tòa án nhân dân tối cao đã bám sát các mục tiêu đã được xác định trong Văn kiện Chương trình. Các hoạt động được đề ra hằng năm được căn cứ vào các nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án và khuôn khổ của Chương trình JPP. Chương trình đã đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng thể chế; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xét xử; nghiên cứu khả năng áp dụng án lệ và công bố bản án cũng như nâng cao năng lực cho hệ thống Tòa án nhân dân.

Hội nghị cũng được nghe nhiều ý kiến tổng kết việc thực hiện Chương trình JPP của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đặc biệt là phát biểu của đại diện Phái đoàn Liên Minh Châu Âu về những phát hiện chính và các khuyến nghị của đoàn đánh giá độc lập.

Chương trình Đối tác Tư pháp là Chương trình 5 năm được Ủy Ban Châu Âu, Đan Mạch và Thụy Điển tài trợ nhằm hỗ trợ thực hiện Chiến lược cải cách Tư pháp của Việt Nam. Chương trình đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp (cơ quan chủ trì), Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và một số tổ chức phi Chính phủ. Chương trình đối tác Tư pháp sẽ kết thúc vào 30/6 sau quá trình 5 năm hỗ trợ cải cách tư pháp và pháp luật.

 Hoàng Vy Anh