Nhà nước bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của người dân

26/04/2015
Nhà nước bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của người dân
Trên đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trong Chương trình Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời tối 26/4 với chủ đề “Lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)”. Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp xin trân trọng giới thiệu nguyên văn nội dung chương trình.

BTV Diệu Trang: Rất vui được gặp lại quý vị trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”. Thưa quý vị, Bộ luật dân sự là đạo luật quan trọng, được gọi là luật nền của hệ thống pháp luật điều chỉnh nhiều mặt quan hệ xã hội có liên quan mật thiết đến đời sống, hoạt động hàng ngày của người dân, doanh nghiệp. Xuất phát từ tầm quan trọng của Bộ luật này, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết và Chính phủ đã ban hành Kế hoạch về việc tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật này trong thời hạn 03 tháng. Trong Chương trình hôm nay, chúng ta sẽ trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường xung quanh vấn đề này. Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã tham gia với chủ đề hôm nay.

Câu hỏi số 1.

BTV Diệu Trang: Thưa Bộ trưởng, xin được bắt đầu ngay với một câu hỏi của một vị khán giả cao tuổi: “Tôi được biết việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã kết thúc vào ngày 5/4 vừa qua. Không rõ tình hình các cơ quan và người dân tham gia vào hoạt động này thế nào, nhưng tôi cũng là một người có ý kiến trực tiếp đối với dự thảo sửa đổi lần này, không biết các ý kiến đó có đến được tới Bộ trưởng không?”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:

1. Đúng như vị khán giả nêu, đợt cao điểm lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo BLDS đã kết thúc. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ủy ban pháp luật của Quốc hội tổng hợp ý kiến Nhân dân và nghiên cứu tiếp thu, giải trình. Cuối tuần trước và đầu tuần này, chúng tôi đã tổ chức 02 hội nghị tại khu vực phía Nam và phía Bắc nhằm hoàn tất Báo cáo trình Chính phủ tại Phiên họp tháng 4 này, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 tới đây của Quốc hội.

2. Có thể đánh giá khái quát là, mặc dù thời gian lấy ý kiến trùng vào đợt nghỉ Tết kéo dài và công tác triển khai nhiệm vụ năm mới thường rất bận rộn, nhưng thực sự đó là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong cả nước; các Bộ, ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân, các giới, các chuyên gia, nhà khoa học đã rất tích cực tham gia hoạt động này. Tính tới ngày 22/4/2015, Bộ Tư pháp đã nhận được khoảng 6,5 triệu lượt ý kiến của người dân, được tổng hợp trong báo cáo của 27 Bộ, ngành, tổ chức ở Trung ương, 44 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và hàng nghìn ý kiến độc lập từ Cổng thông tin điện tử, hòm thư điện tử, trên báo chí hoặc được tổng hợp từ các cuộc tọa đàm, hội thảo diễn ra ở các ngành, các cấp.

Qua đây càng thấy rõ hơn tính dân chủ trong công tác xây dựng pháp luật ở nước ta; từ quan điểm lấy dân làm gốc, Quốc hội, Chính phủ đã tạo điều kiện tối đa để người dân được biết, được tham gia ý kiến về dự thảo các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của họ.

3. Còn ý kiến của vị khán giả có tới được Bộ trưởng hay không, thì quả thực tôi không thể trả lời chính xác! Chỉ xin khẳng định rằng, cả UBTVQH và Chính phủ đều yêu cầu phải tổng hợp một cách đầy đủ, nghiêm túc, khách quan, trung thực và công khai, minh bạch ý kiến của Nhân dân, nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật hoặc để giải trình với Dân. Chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc các yêu cầu này. Báo cáo tổng hợp, tiếp thu giải trình ý kiến Nhân dân đối với BLDS đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, đề nghị mọi người theo dõi xem ý kiến của mình đã đến được với Bộ Tư pháp hay chưa; nếu chưa thì xin phản ánh với chúng tôi qua Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp hoặc với Chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời.

Câu hỏi số 2.

BTV Diệu Trang: Đa số ý kiến của người dân tập trung vào vấn đề nào trong 10 vấn đề trọng tâm đưa ra lấy ý kiến lần này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:

1. Thật khó để cân đong đo đếm xem trong 10 vấn đề Chính phủ xin ý kiến thì vấn đề nào được người dân tập trung nhất! Chỉ có thể nói tổng quát là, đa số ý kiến tán thành và đánh giá cao những nội dung mang tính đổi mới, cải cách của dự thảo BLDS (sửa đổi). Có chuyên gia nói với tôi rằng, BLDS 1995 chưa phải là BLDS, BLDS 2005 một nửa là BLDS, còn dự thảo BLDS lần này đã gần giống BLDS của một đất nước đang hướng tới kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và hội nhập quốc tế.           

2. Đi vào chi tiết thì người dân rất quan tâm tới quy định mới của dự thảo Bộ luật về trách nhiệm của Tòa án và các cơ quan khác có thẩm quyền của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền dân sự của họ. Thực ra, BLDS hiện hành đã quy định tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân đều được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Bộ luật cũng quy định về việc không có pháp luật thì Tòa án được áp dụng tập quán, không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tuy nhiên, Bộ luật lại chưa quy định cụ thể trách nhiệm của Tòa án phải thụ lý, giải quyết vụ, việc dân sự của người dân, kể cả khi chưa có quy định của pháp luật; Bộ luật cũng không quy định rõ trong trường hợp chưa có quy định của pháp luật thì phải áp dụng tập quán hoặc áp dụng quy định tương tự của pháp luật như thế nào.

3. Để khắc phục bất cập này của BLDS hiện hành, đồng thời cụ thể hóa tinh thần và quy định mới của Hiến pháp 2013 xác định sứ mệnh của Tòa án, cơ quan thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước phải là chỗ dựa công lý của người dân, dự thảo Bộ luật bổ sung quy định, theo đó Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự của dân vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp này, Tòa án phải căn cứ vào thỏa thuận của các bên, nếu không có thỏa thuận thì phải căn cứ vào tập quán, quy định tương tự của pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, lẽ công bằng và án lệ để xem xét, giải quyết.

Câu hỏi số 3:

BTV Diệu Trang: Vâng, cũng một vấn đề liên quan đến tòa án, một khán giả có hỏi: Tôi được biết, hiện nay việc khởi kiện của người dân chỉ được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định (còn gọi là thời hiệu khởi kiện), sau khoảng thời gian đó người dân sẽ không còn quyền khởi kiện của mình. Quy định như vậy vô hình chung đã hạn chế quyền lợi của người dân. Không rõ Dự thảo có hướng nào để khắc phục vấn đề này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:

1. Vấn đề nhà báo nêu là vấn đề rất chuyên môn và cũng rất thực tiễn với người dân; đó cũng là một trong 10 vấn đề Chính phủ xin ý kiến Nhân dân. Đúng là BLDS hiện hành quy định 03 loại thời hiệu, trong đó có thời hiệu khởi kiện. Đó là thời hạn mà cá nhân, tổ chức được quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết vụ, việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích của mình; hết thời hạn đó mà họ chưa khởi kiện thì mất quyền khởi kiện.

Quy định như vậy đúng là thuận lợi cho Tòa án, cho Nhà nước, nhưng vô hình chung đã hạn chế quyền của người dân được pháp luật bảo vệ. Tranh chấp không được Nhà nước giải quyết! Vì thế có những trường hợp người dân phải tự xử với nhau, vừa thiếu văn minh, có việc vừa dẫn đến gây mất trật tự, an toàn xã hội.

2. Để khắc phục hạn chế nêu trên, dự thảo Bộ luật lần này không quy định về thời hiệu khởi kiện. Nếu được Quốc hội chấp nhận, thì sau này bất cứ khi nào người dân khởi kiện thì Tòa án đều phải thụ lý, giải quyết.  

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.