Hội thảo góp ý các nội dung liên quan đến y tế trong Dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi

16/04/2015
Hội thảo góp ý các nội dung liên quan đến y tế trong Dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi
Ngày 14/4, với sự hỗ trợ của USAID Việt Nam, Bộ Tư pháp và Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý các nội dung liên quan đến y tế trong Dự án Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi. Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng và Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, không khí Hội thảo thực sự nóng lên khi thảo luận xung quanh quyền xác định lại giới tính tại Điều 40 của Dự thảo Bộ luật.

Quyền được chết phải đi đôi với quyền sống

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, đây là lần sửa đổi lớn nhằm xây dựng BLDS trở thành luật nền của hệ thống pháp luật dân sự, là luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia, qua đó tôn trọng, ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao dịch dân sự… Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo BLDS sửa đổi của Chính phủ nêu rõ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung lấy ý kiến liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của Bộ, ngành, cơ quan cũng như những vấn đề mà Bộ, ngành quan tâm và đến nay số lượng ý kiến góp ý gửi về Bộ Tư pháp nói riêng, các Bộ, ngành khác nói chung rất lớn.

Thực hiện Kế hoạch của Chính phủ, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch lấy ý kiến của toàn ngành Y tế vào Dự thảo BLDS sửa đổi. Thứ trưởng Tuấn mong muốn các đại biểu phát huy trí tuệ góp ý cụ thể vào 5 Điều có nội dung liên quan trực tiếp đến y tế của Dự thảo Bộ luật, bao gồm Điều 27 về mất năng lực hành vi dân sự, Điều 34 về quyền được khai sinh, khai tử, Điều 37 về quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể, Điều 39 về quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể và hiến xác, Điều 40 về quyền xác định lại giới tính.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang, số lượng các điều khoản như vậy là không nhiều nhưng có những nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận. Chẳng hạn về quyền sống, ông Quang cho rằng cùng với đó nên quy định cả quyền an tử, thường được gọi là “cái chết nhân đạo” mà pháp luật một số nước trên thế giới đã ghi nhận.

Đề xuất này của ông Quang được GS.TS Đỗ Kim Sơn (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) hết sức tán thành. Ông Sơn phân tích, đã có quyền sống thì cũng phải có quyền được chết để bệnh nhân có thể ra đi nhẹ nhàng, tránh cái chết đau đớn. “Nếu có quy định về quyền an tử sẽ rất văn minh, nhưng để đưa vào Luật đòi hỏi phải rất chặt chẽ” – ông Sơn lưu ý.

Không quy định thành quyền chuyển giới

Không khí Hội thảo sôi động lên rất nhiều khi các ý kiến tham gia thảo luận về điều khoản cuối cùng liên quan đến y tế là quyền xác định lại giới tính. Đáng chú ý, theo ông Quang, bên cạnh nội dung về xác định lại giới tính thì khoản 4 Điều 40 Dự thảo Bộ luật lại quy định vấn đề chuyển giới có bản chất khác hẳn việc xác định lại giới tính. Ông Quang lo ngại, nếu ghi nhận quyền được chuyển giới sẽ kéo theo các phức tạp về mặt pháp lý, nhất là trong quan hệ hôn nhân và gia đình và kiến nghị chỉ nên cho phép chuyển giới trong những trường hợp luật định.

Bác sĩ Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS, cũng ủng hộ việc cho phép chuyển giới nhưng nên quy định chặt chẽ hơn. Cụ thể, chỉ những người từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới được thực hiện việc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật và đặc biệt cần bỏ từ “quyền” vì đã quy định là quyền thì người dân được thực hiện.

PGS.TS Trần Ngọc Bích phân biệt, việc xác định lại giới tính do bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính là một vấn đề chữa bệnh và định lại giới tính cho người bệnh có cuộc sống ổn định, còn chuyển giới là thực hiện can thiệp giới tính cho người đã hoàn thiện về giới tính. Từ đó và qua thực tiễn công việc, ông Bích đồng tình việc cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam được thực hiện các kỹ thuật can thiệp chuyển đổi giới tính cho những người không bị khuyết tật giới tính. “Tuy nhiên, những ai được thực hiện, thực hiện như thế nào và giải quyết trường hợp những người đã đi nước ngoài để chuyển giới, cần phải có nghị định riêng hướng dẫn. Dự thảo BLDS sửa đổi nên quy định theo hướng việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật” – ông Bích góp ý.

Thục Quyên