Lấy ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu luật học về Dự thảo Bộ luật DS sửa đổi

31/03/2015
Lấy ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu luật học về Dự thảo Bộ luật DS sửa đổi
Ngày 30/3, trong khuôn khổ Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu luật học về Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi nhằm tăng cường tham vấn với người dân và chuyên gia trong quá trình xây dựng chính sách, lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Bộ luật.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, Bộ luật Dân sự năm 2005 là nền tảng quan trọng điều chỉnh các quan hệ dân sự của cá nhân, pháp nhân và tổ chức. Bộ luật này đang được sửa đổi, hoàn chỉnh nhằm bảo đảm sức sống lâu dài, có tính dự báo cao, không lạc hậu so với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là bài toán đặt ra với các chuyên gia, nhà khoa học để có thể làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn góp phần hoàn thiện Dự thảo Bộ luật.

Hội thảo đã hội tụ đông đủ các luật sư, nhà luật học, các nhà nghiên cứu luật pháp và kinh tế, đại diện hiệp hội nghề nghiệp để cùng trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến cho Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trong mối tương quan với Hiến pháp, các cam kết quốc tế và các luật khác có liên quan. Các đại biểu đã thảo luận những chế định về quyền nhân thân, quyền sở hữu và các vật quyền khác dưới góc độ thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp và phát triển nền kinh tế thị trường, xem xét mối tương quan với Luật Kinh doanh bảo hiểm và các luật khác về tín dụng - ngân hàng, Luật Thương mại và Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Hội thảo cũng nhấn mạnh sự kết nối với các Công ước quốc tế về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và Công ước quốc tế về quyền dân sự mà Việt Nam là thành viên.

Các ý kiến đóng góp đã giúp các quy định trong dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) hoàn thiện hơn, sát với thực tiễn, thúc đẩy kinh tế phát triển trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay. Bộ Tư pháp sẽ xem xét, nghiên cứu tiếp thu những ý kiến phù hợp để đệ trình lên Ban soạn thảo Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), sau đó cho vào bản Dự thảo cuối cùng trình Quốc hội phê duyệt vào tháng 10 năm nay.

                                                 Thục Quyên