Bảo đảm tính khả thi khi tăng phí thi hành án

18/03/2015
Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2014 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền. Tại cuộc họp, một số thành viên đề xuất phải bảo đảm tính khả thi khi ban hành quy định về việc tăng phí thi hành án.

Nhiều quy định mới về thủ tục THADS

Để hướng dẫn các điều khoản mà Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật THADS đã giao cho Chính phủ cũng như bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật về THADS, Bộ Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định. Bên cạnh việc kế thừa, phát huy hiệu quả những quy định của các văn bản hiện hành, Dự thảo Nghị định có bổ sung một số quy định mới về công chức THADS, về thủ tục THADS…

Chẳng hạn, về thủ tục THADS, Dự thảo Nghị định đã bổ sung khá nhiều quy định mới như quy định việc miễn, giảm phí thi hành án (THA) cho người được THA trong trường hợp họ cung cấp thông tin chính xác về điều kiện THA của người phải THA và các trường hợp khác; quy định việc xác minh điều kiện THA; công khai thông tin của người phải THA chưa có điều kiện thi hành trên trang thông tin điện tử về THADSĐối với trường hợp đã trả đơn yêu cầu THA trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực mà đương sự yêu cầu THA lại thì cơ quan THA dân sự ra quyết định THA và tổ chức việc THA. Yêu cầu THA trong trường hợp này phải kèm theo quyết định trả đơn yêu cầu THA hoặc tài liệu khác chứng minh đã trả lại đơn yêu cầu THA và bản án, quyết định chưa thi hành xong.

Trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, đa số các Bộ, ngành đồng ý với nội dung cơ bản của Dự thảo. Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy cho biết, hiện có một số vấn đề còn ý kiến khác nhau về việc kê biên tài sản để THA sau khi có bản án, quyết định sơ thẩm, về mức phí THA.

Theo đó, liên quan đến việc kê biên tài sản THA, Dự thảo Nghị định quy định kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải THA bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản cho người khác nhưng không sử dụng khoản tiền thu được để THA thì tài sản đó bị kê biên để THA trong trường hợp chưa hoàn thành thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật đối với tài sản phải đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc trường hợp hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản giữa người phải THA với người khác bị Tòa án tuyên bố vô hiệu.

Đối với phí THA, Dự thảo Nghị định quy định lại mức phí phù hợp với các mức giá trị cụ thể mà người được THA thực nhận. Chẳng hạn, số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 2 lần mức lương cơ bản do Nhà nước quy định đến 10 tỷ đồng thì mức phí là 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận; tương ứng từ trên 10 tỷ đến 50 tỷ đồng thì mức phí là 300 triệu đồng cộng 2% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 10 tỷ; từ trên 50 tỷ đến 100 tỷ đồng thì mức phí là 1,1 tỷ đồng cộng 1% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá  50 tỷ đồng...

Tăng phí THA phải khả thi

Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát (VKSNDTC) Hoàng Quỳnh Chi không đồng tình với những quy định trên vì nếu kê biên tài sản để THA như vậy sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng giữa người có tài sản phải đăng ký giao dịch bảo đảm với người có tài sản không phải đăng ký giao dịch bảo đảm, giữa tài sản phải hoàn thành thủ tục đăng ký với tài sản không phải hoàn thành thủ tục đăng ký, đồng thời không bảo vệ được người thứ 3 ngay tình. Hơn nữa, bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật nên người phải THA vẫn có toàn quyền định đoạt với tài sản của mình, cơ quan THADS chưa thể tiến hành kê biên tài sản ở thời điểm này. Còn mức phí đang dự kiến theo bà Chi là quá cao và đề nghị giữ nguyên mức phí hiện hành là 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận, tối đa không vượt quá 200 triệu đồng/1 đơn yêu cầu THA.

Ngược lại, đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương (Bộ Quốc phòng) đồng tình với quy định của Dự thảo Nghị định. Việc quy định về kê biên là kế thừa Thông tư liên tịch số 14 hiện hành nhằm ngăn ngừa việc người phải THA tẩu tán tài sản, nhất là bảo đảm bản án, quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành đã được Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh. Vị này ủng hộ mức phí THA theo hướng lũy tiến nhưng cho rằng cần tính toán hợp lý, “chứ phí THA lên đến hàng tỷ thì nghe cũng khó khả thi”.

                                                        Thục Quyên