Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tư pháp Khánh Hòa có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương  

22/01/2015
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tư pháp Khánh Hòa có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương  

Công tác tư pháp có nhiều chuyển biến mới

Sáng 21/1/2015, đồng chí Hà Hùng Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đã đến dự hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2015 của tỉnh Khánh Hòa. Đây là địa phương cuối cùng trong chuyến công tác của Bộ trưởng Hà Hùng Cường từ ngày 17/1 đến ngày 21/1.

Đến dự hội nghị có đồng chí Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cùng đông đảo cán bộ, công chức ngành tư pháp địa phương.

Tại hội nghị, đồng chí Lê Văn Hạ - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa, đã trình bày báo cáo tóm tắt công tác tư pháp năm 2014. Theo đó, công tác tư pháp Khánh Hòa năm 2014 đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ và thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2014. Công tác phổ biến, triển khai Hiến pháp được thực hiện tích cực dưới nhiều hình thức đa dạng khác nhau, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa những nội dung mới, sửa đổi trong Hiến pháp. Qua đó, nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng, chấp hành và bảo vệ Hiến pháp. Cũng trong năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý đi sâu vào thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của người dân; công tác hòa giải cơ sở tiếp tục đạt kết quả cao, góp phần ổn định tình hình kinh tế -  xã hội của địa phương; công tác xây dựng, thẩm định văn bản QPPL có chiều sâu, tạo được uy tín trong tỉnh; Công tác hành chính tư pháp đạt được kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hẹn giảm đáng kể so với năm 2013, công tác hòa giải cơ sở có nhiều thành tích nổi bật (đứng thứ hai cả nước, sau tỉnh Hà Nam, 87%)…

Bên cạnh đó, đồng chí Lê Văn Hạ cũng thừa nhận ngành tư pháp địa phương vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại như: Công tác tham mưu, tổng hợp có lúc chưa đáp ứng nhu cầu chỉ đạo, điều hành. Một số đơn vị chấp hành chưa nghiêm chế độ báo cáo công tác tư pháp; nội dung báo cáo chưa sâu sắc, toàn diện. Trong khi đó, phong trào thi đua dù đã có chuyển biến nhưng chưa thực sự có chiều sâu.

Tại hội nghị, một số cán bộ tư pháp các địa phương như Vạn Ninh, TP.Nha Trang, thị xã Ninh Hòa… đã trình bày một số tham luận phản ánh hoạt động tư pháp tại địa phương, đồng thời cũng kiến nghị một số vấn đề mà các đơn vị cơ sở đang vướng mắc như: Thời gian cấp lại giấy khai sinh là quá ít trong khi từ năm 1987 trở về trước các địa phương cấp xã chưa có sổ hộ tịch; việc theo dõi thi hành pháp luật các cơ quan kiểm lâm, thuế… xử lý vi phạm hành chính nhưng không gửi báo cáo qua huyện nên phòng tư pháp huyện không thể theo dõi toàn diện được. Hay như việc bồi thường nhà nước khó thực hiện bởi địa phương không có nguồn vốn hỗ trợ…Trong số các ý kiến gửi tới hội nghị và Bộ trưởng Hà Hùng Cường, nổi bật lên vấn đề nguồn nhân lực, thiếu biên chế cán bộ tư pháp trong khi khối lượng công việc ngày càng lớn cùng một số vấn đề liên quan đến Thông tư liên tịch số 23 mới được ban hành của Bộ Tư pháp.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã bày tỏ sự vui mừng khi đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trực tiếp vào chỉ đạo công tác tư pháp năm 2015 tại địa phương. Đồng chí Lê Xuân Thân cho biết Khánh Hòa là một tỉnh nhỏ, hơn mười năm trở lại đây có nhiều bước tiến phát triển đáng kể, trong đó ngành tư pháp địa phương có nhiều đóng góp tích cực. Tuy nhiên, việc thiếu biên chế là rất lớn bởi công việc của 14 sở ban, ngành ngày càng nhiều nên vẫn còn tình trạng cán bộ kiêm nhiệm công việc đã khiến một số hoạt động tư pháp địa phương còn chưa hiệu quả. Đồng chí cũng kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét tăng số lượng biên chế cho tư pháp tỉnh Khánh Hòa.

Tư pháp Khánh Hòa cần nỗ lực hơn nữa trong năm 2015

Phát biểu và chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá cao những nỗ lực và chuyển biến tích cực của ngành tư pháp Khánh Hòa. Bộ trưởng vui mừng nhận thấy, trong năm qua, các cơ quan Tư pháp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã cơ bản bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, triển khai thực hiện tốt các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ; tiếp tục duy trì phong trào thuộc loại khá so với cả nước và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, có những đóng góp thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và vị thế đối ngoại của tỉnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận là so với sự chuyển biến chung của công tác tư pháp cả nước và nhất là với vị thế, tiềm năng của tỉnh Khánh Hòa, công tác tư pháp, THADS trên địa bàn Khánh Hòa vẫn còn rất nhiều hạn chế. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh một số vấn đề mà tư pháp Khánh Hòa cần xem xét, khắc phục như: Chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện còn hạn chế, có sai sót; công tác TGPL trong hoạt động tố tụng còn rất hạn chế, hiệu quả hoạt động của các cộng tác viên TGPL, câu lạc bộ TGPL còn bất cập; trong lĩnh vực hành chính tư pháp, việc triển khai Luật nuôi con nuôi, nhất là con nuôi có yếu tố nước ngoài còn chậm; việc phát triển đội ngũ luật sư, công chứng viên và các tổ chức hành nghề trên địa bàn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của Tỉnh; chưa ban hành được Quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và Đoàn luật sư trong quản lý hoạt động luật sư; việc triển khai Luật XLVPHC còn chậm; việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa được thực hiện. Đối với công tác THADS, các cơ quan THADS tỉnh Khánh Hòa chưa hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao (chỉ đạt 81,6% về việc, 61,9% về tiền; thiếu 8,4% và 15% so với chỉ tiêu); công tác giải quyết khiếu nại tố cáo còn rất nhiều bất cập, số đơn thư khiếu nại, tố cáo tăng gấp đôi so với năm 2013; tình trạng đơn thư vượt cấp nhiều, một số vụ việc khiếu nại phức tạp kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm; số vụ việc phải cưỡng chế thi hành án nhiều (216 việc), trong đó có một số việc cưỡng chế không thành (8 việc); số tiền chuyển kỳ sau còn nhiều (tăng 10% so với 2013).

Bộ trưởng Hà Hùng Cường đồng tình với những nguyên nhân mà báo cáo tổng kết trước đó đã đưa ra nhưng nhấn mạnh nguyên nhân do đội ngũ cán bộ một số phòng của Sở Tư pháp còn rất thiếu, hầu hết chỉ có 3 biên chế; biên chế để triển khai một số nhiệm vụ mới như lý lịch tư pháp, XLVPHC còn thiếu, phải kiêm nhiệm; số lượng cán bộ tư pháp cấp huyện, xã chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao (25%). Đặc biệt, tổ chức pháp chế sở ngành của tỉnh Khánh Hòa chưa được quan tâm thành lập theo quy định của Nghị định số 55; hầu hết các sở, ngành chưa bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng ghi nhận những ý kiến từ các đại biểu và hứa sẽ tìm cách tháo gỡ những vướng mắc đang có đối với ngành tư pháp Khánh Hòa. Bộ trưởng cũng nhắn nhủ, năm 2015 có ý nghĩa rất lớn đối với ngành Tư pháp, tư pháp Khánh Hòa cần chủ động hơn nữa, tập trung hơn nữa và đặc biệt phải nỗ lực hơn nữa để thăng hạng tư pháp và đạt nhiều thành tựu nổi bật. Trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ như hiện nay của địa phương, ngành tư pháp càng phải phát huy được vai trò tham mưu, góp ý cho UBND tỉnh trong mục tiêu phát triển địa phương.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng đoàn công tác lên đường trở về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.

                                                               Ngọc Trìu

Tại hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã công bố quyết định bổ nhiệm nhân sự đối với Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, đồng chí Phạm Quốc Đạt, nguyên Trưởng phòng kiểm tra văn bản và theo dõi thi hành pháp luật, và đồng chí Đặng Văn Khánh, nguyên Chánh Văn phòng, được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tư pháp với thời hạn năm năm, kể từ ngày 01/02/2015.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã trao kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp tư pháp” cho một số cán bộ, công chức ngành tư pháp tỉnh Khánh Hòa; trao Bằng Khen và cờ thi đua cho một số cá nhân, đơn vị có nhiều thành tích nổi bật trong năm 2014.