CÔNG ĐOÀN VIÊN CHỨC VIỆT NAM CÔNG ĐOÀN BỘ TƯ PHÁP ________ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________________ |
QUY CHẾ
KHEN THƯỞNG CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ QUAN BỘ TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/QĐ-CĐ ngày 26 tháng 3 năm 2007 của Ban chấp hành Công đoàn Bộ Tư pháp)
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, tiêu chuẩn, danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của Công đoàn Bộ Tư pháp; hướng dẫn quy định về tiêu chuẩn xét khen thưởng của Công đoàn Viên chức Việt Nam và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam áp dụng đối với tập thể, cá nhân thuộc Công đoàn Bộ Tư pháp.
Điều 2. Quy chế này áp dụng đối với đoàn viên công đoàn, các Tổ Công đoàn, các Uỷ viên Ban chấp hành Công đoàn, các Ban thuộc Công đoàn Bộ và công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại cơ quan Bộ Tư pháp.
Điều 3. Nguyên tắc khen thưởng của Công đoàn Bộ Tư pháp
1. Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời.
2. Mỗi hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng.
3. Bảo đảm tính thống nhất giữa tính chất, hình thức và đối tượng khen thưởng.
4. Kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất.
5. Việc xét khen thưởng phải căn cứ vào đăng ký thi đua từ đầu năm (Các trường hợp khác do Ban chấp hành Công đoàn Bộ quyết định).
Điều 4. Danh hiệu thi đua
1. Đối với tập thể, gồm có các danh hiệu sau đây:
a) Tổ, Ban Công đoàn vững mạnh;
b) Tổ, Ban Công đoàn vững mạnh xuất sắc.
2. Đối với cá nhân, gồm có các danh hiệu sau đây:
a) Đoàn viên công đoàn tiên tiến;
b) Đoàn viên công đoàn xuất sắc.
Điều 5. Hình thức khen thưởng
1. Tặng thưởng bằng vật chất đối với đoàn viên Công đoàn đạt danh hiệu tiên tiến.
2. Giấy khen đối với đoàn viên Công đoàn đạt danh hiệu xuất sắc.
3. Giấy chứng nhận đối với tập thể đạt danh hiệu Công đoàn vững mạnh.
4. Giấy khen đối với tập thể đạt danh hiệu Công đoàn vững mạnh xuất sắc.
Điều 6. Các danh hiệu và hình thức khen thưởng của Công đoàn cấp trên và cấp Nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và Quy chế khen thưởng ban hành kèm theo Quyết định số 777/QĐ-TLĐ ngày 26 tháng 5 năm 2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Quy chế khen thưởng ban hành kèm theo Quyết định số 155/QĐ-KT ngày 25 tháng 11 năm 2004 của Công đoàn Viên chức Việt Nam.
CHƯƠNG II
TIÊU CHUẨN, HỒ SƠ, TỈ LỆ VÀ THỜI GIAN XÉT KHEN THƯỞNG
Điều 7. Tiêu chuẩn xét khen thưởng của Công đoàn Bộ
1. Tiêu chuẩn đối với cá nhân
1.1. Đoàn viên Công đoàn tiên tiến
a) Tham gia tích cực các hoạt động của Công đoàn, không vi phạm pháp luật, chế độ chính sách của Nhà nước và các qui định của Bộ Tư pháp.
b) Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt năng suất và hiệu quả công tác cao.
c) Chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh.
d) Được công nhận đạt danh hiệu lao động tiên tiến của Hội đồng Thi đua cơ sở.
Riêng đối với đoàn viên công đoàn mới chuyển công tác hoặc được tuyển dụng vào Bộ, thì phải có đủ 2/3 thời gian lao động trong năm, có nhiều đóng góp cho hoạt động của Công đoàn và được các Tổ Công đoàn đề nghị.
1.2. Đoàn viên Công đoàn xuất sắc
Ngoài các tiêu chuẩn quy định tại các điểm 1.1a, 1.1b và 1.1c khoản này, thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
a) Tham gia tích cực và có thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn và các hoạt động của Tổ Công đoàn, của Công đoàn Bộ;
b) Đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Riêng đối với những trường hợp không đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, thì đoàn viên đó phải được Tổ Công đoàn và một trong các Ban của Công đoàn Bộ đề nghị và có thành tích xuất sắc trong hoạt động Công đoàn.
1.3. Đối với Uỷ viên Ban chấp hành Công đoàn và thành viên của các Ban thuộc Công đoàn Bộ
Phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại điểm 1.2 khoản này; phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Ban chấp hành và của các Ban thuộc Công đoàn Bộ.
2. Tiêu chuẩn đối với tập thể
2.1. Tổ hoặc Ban Công đoàn vững mạnh
a) Duy trì sinh hoạt thường xuyên, đoàn kết nội bộ, giúp nhau khi gặp khó khăn, không có đoàn viên nào vi phạm pháp luật, chế độ chính sách của Nhà nước và nội quy, quy chế của cơ quan.
b) Tích cực tổ chức các hoạt động và tham gia nhiệt tình các phong trào thi đua do Ban chấp hành Công đoàn và cơ quan Bộ phát động.
c) Đóng góp tích cực trong việc xây dựng Quỹ đời sống của Công đoàn và các loại quỹ khác, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên.
d) Có trên 50% cá nhân trong tập thể đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và không có cá nhân nào bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
đ) Được công nhận đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến của Hội đồng Thi đua, khen thưởng cơ sở.
2.2. Tổ hoặc Ban Công đoàn vững mạnh xuất sắc
Phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại điểm 2.1 khoản này và các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực và hiệu quả;
b) Có 100% cá nhân trong tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ và ít nhất 70% cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến;
c) Có cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;
d) Được công nhận đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc của Hội đồng Thi đua, khen thưởng ngành Tư pháp.
Trong trường hợp không đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến và Tập thể lao động xuât sắc, thì phải có nhiều đóng góp cho hoạt động Công đoàn.
Điều 8. Hồ sơ đề nghị xét khen thưởng
1. Hồ sơ đề nghị Ban chấp hành Công đoàn Bộ Tư pháp xét khen thưởng
1.1. Đối với trường hợp đề nghị tặng thưởng bằng vật chất cho cá nhân và cấp Giấy chứng nhận cho tập thể, thì hồ sơ gồm các tài liệu sau đây:
a) Tờ trình đề nghị khen thưởng của Tổ Công đoàn;
b) Biên bản họp bình xét thi đua của Tổ Công đoàn;
c) Danh sách trích ngang của tập thể và cá nhân;
d) Danh sách xác nhận đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và tập thể Lao động tiên tiến của đơn vị.
1.2. Đối với trường hợp đề nghị tặng Giấy khen cho tập thể và cá nhân, thì ngoài các tài liệu quy định tại điểm các 1.1a, 1.1b và 1.1c khoản 1.1 Điều này, hồ sơ đề nghị xét khen thưởng phải có đủ các tài liệu sau đây:
a) Báo cáo thành tích của tập thể (có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị);
b) Danh sách xác nhận đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và Chiến sĩ thi đua cơ sở.
2. Hồ sơ đề nghị Công đoàn cấp trên Công đoàn Bộ khen thưởng (thực hiện theo Điều 6 của Quy chế này) gồm các tài liệu sau đây:
a) Tờ trình đề nghị khen thưởng;
b) Biên bản họp bình xét thi đua;
c) Báo cáo thành tích của tạp thể, cá nhân (có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị và Tổ trưởng Công đoàn).
d) Danh sách xác nhận là tập thể Lao động xuất sắc và Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Hồ sơ đề nghị Công đoàn Viên chức Viêt Nam khen thưởng phải lập thành 03 bộ; hồ sơ đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khen thưởng phải lập thành 04 bộ; hồ sơ đề nghị cấp Nhà nước khen thưởng phải lập thành 06 bộ.
3. Hồ sơ đề nghị khen thưởng cho Uỷ viên Ban chấp hành Công đoàn, các Ban và thành viên các Ban của Công đoàn Bộ gồm các tài liệu sau đây:
a) Tờ trình đề nghị khen thưởng của Ban;
b) Biên bản họp bình xét thi đua;
c) Danh sách trích ngang;
d) Báo cáo thành tích, có xác nhận của Ban chấp hành Công đoàn Bộ (nếu đề nghị Công đoàn cấp trên khen thưởng).
4. Xét khen thưởng đột xuất
Trường hợp các Tổ Công đoàn phát động phong trào thi đua đột xuất và đã báo cáo Ban chấp hành Công đoàn Bộ mà tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, thì lập hồ sơ đề nghị khen thưởng gồm các tài liệu sau đây:
a) Tờ trình đề nghị khen thưởng của Tổ Công đoàn;
b) Bản thành tích.
Điều 9. Tỷ lệ đề nghị xét khen thưởng
1. Đề nghị cấp Giấy chứng nhận cho không quá 40% cá nhân đạt danh hiệu Đoàn viên công đoàn tiên tiến trên tổng số đoàn viên của Tổ Công đoàn.
2. Đề nghị tặng Giấy khen cho không quá 10% cá nhân đạt danh hiệu Đoàn viên công đoàn xuất sắc trên tổng số đoàn viên của Tổ Công đoàn.
3. Đối với các hình thức đề nghị khen thưởng cao nhưng không được lựa chọn, thì về nguyên tắc sẽ được chuyển xuống xét chung với hình thức khen thưởng thấp hơn liền kề.
Trong trường hợp các Tổ Công đoàn đề nghị khen thưởng quá số lượng quy định, thì việc xét khen thưởng sẽ lấy theo số thứ tự của danh sách từ trên xuống dưới.
Điều 10. Thời gian đăng ký thi đua và nộp hồ sơ đề nghị khen thưởng
1. Tổ Công đoàn đăng ký thi đua bằng văn bản và gửi về Công đoàn Bộ (Ban Thi đua, khen thưởng) chậm nhất vào ngày 10 tháng 4 hàng năm.
2. Hồ sơ đề nghị khen thưởng gửi về Công đoàn Bộ (Ban Thi đua, khen thưởng) chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 hàng năm.
3. Thời gian nộp hồ sơ đề nghị Công đoàn cấp trên khen thưởng được thực hiện theo Quyết định số 155/QĐ-KT ngày 25/11/2004 của Công đoàn Viên chức Việt Nam.
Điều 11. Thời gian xét khen thưởng
Ban chấp hành Công đoàn Bộ xét duyệt khen thưởng vào tháng 01 hàng năm trên cơ sở kết quả thi đua, khen thưởng của Hội đồng Thi đua, khen thưởng các đơn vị thuộc Bộ và Hội đồng Thi đua, khen thưởng ngành Tư pháp.
CHƯƠNG III
QUỸ KHEN THƯỞNG VÀ MỨC THƯỞNG
Điều 12. Các nguồn hình thành Quỹ khen thưởng
1. Trích từ tiền thu đoàn phí Công đoàn.
2. Từ nguồn tài trợ của các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ.
3. Các nguồn thu khác.
Điều 13. Mức tiền thưởng
1. Đối với cá nhân
a) Đoàn viên Công đoàn tiên tiến: 50.000 đồng/người.
b) Giấy khen đoàn viên Công đoàn xuất sắc: 100.000 đồng/ người.
2. Đối với tập thể
a) Giấy chứng nhận tập thể Công đoàn vững mạnh: 100.000 đồng/đơn vị.
b) Giấy khen tập thể Công đoàn vững mạnh xuất sắc: 200.000 đồng/đơn vị.
3. Ban Tài chính thuộc Công đoàn Bộ có trách nhiệm hướng dẫn lập, quản lý Quỹ khen thưởng để phục vụ công tác thi đua khen thưởng.
CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Thu hồi và huỷ bỏ các hình thức khen thưởng
Các tập thể, cá nhân kê khai thành tích không đúng mà được khen thưởng hình thức nào thì sẽ bị thu hồi và BCH Công đoàn Bộ sẽ căn cứ tính chất, mức độ vi phạm để xử lý bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo.
Điều 15. Các Ban, các Tổ Công đoàn và đoàn viên Công đoàn có trách nhiệm thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, thì phản ánh kịp thời về Ban chấp hành Công đoàn Bộ (Ban Thi đua, khen thưởng) để xem xét, giải quyết.
| TM/ BCH CÔNG ĐOÀN CQ BỘ TƯ PHÁP CHỦ TỊCH (Đã ký) Nguyễn Thuý Hiền |