Hướng tới Đại hội ĐTN Bộ khóa VI: Đoàn thanh niên BTP làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

12/06/2017
Hướng tới Đại hội ĐTN Bộ khóa VI: Đoàn thanh niên BTP làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Tuyên cáo thành lập Nội các Thống nhất Quốc gia gồm 12 bộ, trong đó có Bộ Tư pháp. Với chức năng quản lý công tác tư pháp, ngay sau khi ra đời, Bộ Tư pháp đã tập trung mọi nỗ lực, khẩn trương giúp Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý quan trọng tạo lập nền móng đầu tiên của hệ thống pháp luật và nền tư pháp dân chủ nhân dân, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cơ bản của công dân nước Việt Nam độc lập, góp phần quan trọng trong xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.
Trong Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp năm 1950, Người nhấn mạnh “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp làm cho nước được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ”.  Tại Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Hơn tất cả, Người luôn mong nước nhà được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc. Với Người, trong nhà nước dân chủ thì dân là chủ và làm chủ. “Là chủ” với ý nghĩa người không chỉ là công dân của xã hội, mà hơn thế người dân trở thành chủ nhân thực sự của đất nước, chủ thể xã hội, Trong xã hội, địa vị cao nhất là nhân dân. “Làm chủ” với ý nghĩa người dân có quyền làm chủ, đồng thời cũng có nghĩa vụ, trách nhiệm của người làm chủ. Người nói: “Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân,…”. Kế thừa tư tưởng của Người, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994), Đảng ta đã chính thức nêu vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân. Trải qua các hội nghị và các kỳ Đại hội Đảng, nhất là từ Đại hội VIII (năm 1996) đến nay, nhận thức của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền XHCN và việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Theo đó, Đảng ta khẳng định quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, hoạt động trên cơ sở pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm sự phát triển tối đa và toàn diện của con người[1].
Chính phủ đương nhiệm khẳng định quyết tâm chính trị, quyết tâm hành động cao nhất nhằm thể chế hóa quan điểm về xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính, trong đó trọng tâm là gỡ bỏ rào cản, hoàn thiện thể chế để giải phóng các nguồn lực phát triển đất nước, kiên quyết loại trừ các quy định pháp luật không rõ ràng, không minh bạch, có biểu hiện lợi ích nhóm, cản trở phát triển, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; thực hiện những hành động quyết liệt trong tổ chức thực thi pháp luật của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phục vụ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Trải qua chiều dài lịch sử hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, lớp lớp các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Bộ, ngành Tư pháp đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức và cả sự hy sinh, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho trong các giai đoạn cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh hiện nay, vị trí, vai trò và trách nhiệm của Bộ Tư pháp - “người gác cổng tin cậy về pháp luật” của Chính phủ ngày càng đặc biệt quan trọng, nhất là trong việc thực thi nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trên cơ sở Chiến lược cải cách pháp luật, cải cách tư pháp được nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị.
Trước những yêu cầu của thực tiễn, đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp cần tiếp tục “rèn đức, luyện tài”, xứng đáng với truyền thống hơn 70 năm xây dựng, trưởng thành của Ngành Tư pháp, cũng như sự tin tưởng và kỳ vọng của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ đối với thế hệ thanh niên hiện nay. Với nhiệt huyết, trí tuệ và khát vọng của tuổi trẻ, với vị thế đặc thù là tổ chức Đoàn của một Bộ giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp cần khắc ghi lời dạy “ở đời và làm người” của Bác, bằng những hành động cụ thể, thiết thực, góp phần nhỏ bé cùng với Bộ, ngành thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hướng tới nền tư pháp của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân./.
 
Nguyễn Việt Anh - Chi đoàn Nhà xuất bản Tư pháp
 
[1] Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã khẳng định mục tiêu xuyên suốt phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.