Các cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định của Tổ chức thương mại thế giới WTO

02/06/2009
Các cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định của Tổ chức thương mại thế giới WTO
Ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau 11 năm nỗ lực đàm phán. Việc gia nhập WTO có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Gia nhập WTO Việt Nam được tham gia trong một sân chơi chung có rất nhiều cơ hội khi thị trường nước ngoài đã mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng thách thức cũng không nhỏ khi các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực để cạnh tranh một cách bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Để hiểu rõ hơn về các thiết chế của WTO và đáp ứng nhu cầu của các thành viên Câu lạc bộ, ngày 30/5/2009 tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin, Tư vấn pháp luật và Bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp - Bộ Tư pháp đã tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật với chuyên đề: ''Các cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định của WTO''.  Đây là chuyên đề cuối cùng trong tổng số chuỗi 11 chuyên đề trong Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp do Trung tâm Thông tin, Tư vấn pháp luật và Bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức diễn ra từ tháng 3 năm 2009 vào các ngày thứ 7 hàng tuần.

 Chuyên đề đã thu hút số lượng đông các Học viên tham dự đến từ các Tổng công ty, Tập đoàn lớn của Việt Nam như: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PetroVietnam; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV... Với sự trình bày của các Báo cáo viên: PGS/TS. Hoàng Phước Hiệp - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế - Bộ Tư pháp, nguyên Phó trưởng đoàn Đàm phán WTO của Chính phủ Việt Nam và PGS/TS. NGND. Nguyễn Thị Mơ - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội.

Với mục đích nhằm trang bị cho Học viên những kiến thức pháp lý quan trọng và bổ ích về: Cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định của WTO; Các phương pháp, thiết chế giải quyết tranh chấp; Quy trình tố tụng tại WTO; Những bài học, kinh nghiệm rút ra qua việc phân tích một số vụ việc liên quan tới cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO... Để các doanh nghiệp hiểu biết một cách đầy đủ và toàn diện tổ chức thương mại quốc tế lớn nhất toàn cầu này. Qua đó, doanh nghiệp Việt Nam biết sẽ phải làm gì và làm như thế nào khi hội nhập kinh tế quốc tế.

Qua 10 chuyên đề được tổ chức với gần 500 học viên tham dự. Các học viên đánh giá cao về công tác tổ chức cũng như về chất lượng của đội ngũ Báo cáo viên và họ mong muốn rằng, trong thời gian tới, Câu lạc bộ cần quan tâm và nhân rộng mô hình hoạt động này. Một chuỗi các chuyên đề về pháp luật kinh doanh đã được tổ chức thành công và Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đã và đang góp sức của mình vào việc thi hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/08/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp trong đó có công tác “xây dựng và thi hành pháp luật”./.

N.C