Nhiều hoạt động bổ ích hưởng ứng Khoa học và Công nghệ 2018

21/05/2018
Nhiều hoạt động bổ ích hưởng ứng Khoa học và Công nghệ 2018
Nhân ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam năm 2018, Bộ Tư pháp đã tổ chức tuần lễ hưởng ứng với nhiều hoạt động khoa học bổ ích.

Sau hoạt động “mở màn” là Hội thảo “Lý luận về tính ổn định của pháp luật”, Bộ giao Viện Khoa học pháp lý tổ chức cuộc tọa đàm về chủ đề “Những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến Việt Nam và tình hình triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Báo cáo viên tại tọa đàm là Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ KH&CN) Đào Ngọc Chiến đã nêu tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ở phạm vi sản xuất, kinh doanh, đối với thị trường lao động, giáo dục, an ninh – quốc phòng ở phạm vi quốc gia và cả những tác động ở phạm vi toàn cầu.
Theo đó, tác động rõ nhất của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đến Việt Nam là giảm mạnh lợi thế lao động giá rẻ. Ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, năm 2015 xuất khẩu đạt 27 tỷ USD, đến nay bị giảm mạnh. Ngành điện tử, robot đang dần thay thế công nhân. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng gặp khó khăn trong việc kiểm soát hệ thông tiền tệ quốc gia nếu một hệ thống tiền tệ toàn cầu với những giao dịch điện tử theo thời gian thực được hình thành; đối phó với hình thức thanh toán phi truyền thống (cổng thanh toán điện tử, ví điện tử…).
Hay trong lĩnh vực du lịch, truyền thông xã hội qua mạng internet sẽ tác động mạnh đến quyết định lựa chọn điểm đến và đặt dịch vụ tại Việt Nam của khách du lịch. Trong lĩnh vực y tế, có cơ hội tiếp cận với những tiến bộ khoa học và công nghệ y tế của thế giới, rút ngắn thời gian trong quá trình phát triển hệ thống y tế kỹ thuật cao, chuyên sâu.
Tuy nhiên, ông Chiến cho biết, các tổ chức khác nhau đánh giá về vấn đề tỷ lệ việc làm bị ảnh hưởng chưa có sự nhất quán. Cụ thể, theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, công nghệ tự động hóa có thể thay thế tới 47% việc làm, trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo chỉ khoảng 9% việc làm được thay thế bởi công nghệ mới và Tổ chức Lao động Quốc tế thì dự báo tỷ lệ này lên đến 86% đối với ngành dệt may ở Việt Nam.
Ông Chiến cũng giới thiệu nội dung và tình hình triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ như Chương trình số 70-CTr/TW ngày 28/12/2017 Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018 (giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì Đề án Chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” dự kiến trình Bộ Chính trị trong tháng 8/2018); Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ (trong đó có yêu cầu xây dựng dự thảo Nghị quyết về việc nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trình Chính phủ ban hành trong năm 2018).
Nằm trong số các hoạt động hưởng ứng còn có Hội thảo khoa học “Đánh giá tình hình nghiên cứu và xác định nhu cầu nghiên cứu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với hệ thống pháp luật” với sự chủ trì của Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương. Các đại biểu tham dự như PGS.TS Đặng Minh Tuấn – Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội; TS Bạch Tân Sinh – Học viện Khoa học, Công nghệ và đổi mới (Bộ KH&CN)… đã đưa ra các chuyên đề như Nghiên cứu về luật công trong bối cảnh cách mạng 4.0; Đánh giá một số nghiên cứu về cơ chế pháp lý đối với tiền mã hóa; Tổng quan nghiên cứu về quản trị thành phố thông minh; Cách mạng công nghiệp 4.0 và vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân…
H.Thư