Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi giai đoạn 2011 - 2016

25/11/2016
Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi giai đoạn 2011 - 2016
Chiều 24/11, được sự phối hợp của UNICEF Việt Nam, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP giai đoạn 2011 – 2016. Một trong những đề xuất đáng chú ý được đưa ra tại Hội nghị là cần mở rộng việc chỉ định các cơ sở nuôi dưỡng tham gia vào việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài đối với các cơ sở nuôi dưỡng ngoài công lập.
Báo cáo tình hình thi hành Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, Cục trưởng Cục Con nuôi Nguyễn Thị Hảo cho biết: Trong giai đoạn 2011 – 2015, trên toàn quốc 14.539 trẻ em đã được giải quyết cho làm con nuôi, trong đó 12.768 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong nước và 1.771 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài. Các trường hợp giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài trong 5 năm chỉ chiếm hơn 12%, trong khi các trường hợp giải quyết nuôi con nuôi trong nước chiếm gần 88%.
Riêng năm 2016, tính đến tháng 6 có 1.026 trẻ em được đăng ký nuôi con nuôi trong nước. Đối với nuôi con nuôi nước ngoài tính đến ngày 31/10/2016, 433 trẻ em đã được giải quyết làm con nuôi nước ngoài. Căn cứ vào số liệu hàng năm trong giai đoạn này, bà Hảo thông tin, số lượng các trường hợp đăng ký nuôi con nuôi trong nước giữ mức ổn định, các trường hợp nuôi con nuôi nước ngoài chiếm tỷ lệ nhỏ dù có chiều hướng tăng nhẹ vào các năm 2014, 2015.

Bên cạnh đó, cả nước có 3.567 trường hợp nuôi con nuôi thực tế trong nước đã được đăng ký, chiếm 51% tổng số các trường hợp đủ điều kiện đăng ký. Còn đối với công tác đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài, việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài luôn đảm bảo tính an toàn về pháp lý. Thông qua thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài, nhiều trẻ em bị bệnh tật hiểm nghèo, trẻ em khuyết tật được nhận làm con nuôi, được chăm sóc và chữa trị bệnh tật trong điều kiện y tế hiện đại. Một số trường hợp trẻ em tìm lại được cha mẹ đẻ, sau khi được tư vấn đã được cha mẹ đẻ đón về nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, vẫn còn thực trạng một số trường hợp đăng ký nuôi con nuôi sai thẩm quyền, còn hiện tượng hủy và thu hồi giấy chứng nhận việc nuôi con nuôi trong nước do vi phạm mục đích nuôi con nuôi. Công tác giải quyết trẻ em thuộc diện danh sách 1 làm con nuôi nước ngoài còn hạn chế về số lượng và chậm trễ về tiến độ thực hiện. Một số trường hợp trẻ thuộc diện danh sách 2 cũng bị kéo dài thủ tục giải quyết…

Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ chú trọng đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi phù hợp với từng nhóm đối tượng liên quan; thường xuyên hướng dẫn kiểm tra và chỉ đạo thi hành pháp luật về nuôi con nuôi; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kinh nghiệm tâm lý, xã hội cho cán bộ, công chức khi tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi và đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành. Đối với hoàn thiện thể chế về nuôi con nuôi, Bộ sẽ khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định đang tạo ra những điểm nghẽn cơ bản trong triển khai thực hiện Luật. Cụ thể là quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 19 về chỉ định các cơ sở trợ giúp xã hội tham gia giải quết nuôi con nuôi nước ngoài và các quy định liên quan đến chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ sẽ nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục hành chính và giấy tờ công dân trong lĩnh vực nuôi con nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ nuôi và trẻ em được nhận làm con nuôi…
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đề xuất mở rộng việc chỉ định các cơ sở nuôi dưỡng tham gia vào việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài đối với các cơ sở nuôi dưỡng ngoài công lập, tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống ở các cơ sở này được tiếp cận cơ hội tìm gia đình thay thế ở nước ngoài. Từ thực tiễn địa phương, đại diện Phòng Tư pháp quận Tây Hồ (TP.Hà Nội) kiến nghị sớm xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan y tế, công an trong việc xác định trẻ bị bỏ rơi và có quy định chặt chẽ hơn với người nhận nuôi có hộ khẩu trên địa bàn nhưng thực tế không cư trú để đảm bảo quản lý, theo dõi tình hình phát triển của trẻ…

Trước đó, đánh giá về Luật Nuôi con nuôi, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, Luật Nuôi con nuôi là đạo luật quan trọng đầu tiên điều chỉnh một cách toàn diện cả vấn đề nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi quốc tế. Sau gần 6 năm thi hành Luật, công tác nuôi con nuôi đã đạt được những kết quả nổi bật như công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi nói chung và nuôi con nuôi quốc tế đã dần đi vào nề nếp, đươc chú trọng và tăng cường; nhiều trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, trẻ bị bệnh tật, khuyết tật nặng đã tìm được gia đình thay thế ở trong nước và nước ngoài; chuẩn hóa quy trình, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi được nâng cao…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực thi chế định nuôi con nuôi ở Việt Nam vẫn không thể tránh được những tồn tại, bất cập cần tìm ra nguyên nhân, từ đó đưa ra những giải pháp khả thi để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết nuôi con nuôi. Thứ trưởng đề nghị chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quốc tế về những bài học thành công và không thành công mà Việt Nam có thể tham khảo trong công tác con nuôi. Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh, việc Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương có hoàn thành được các chức năng, nhiệm vụ về con nuôi hay không phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác hỗ trợ của các bộ, ngành và địa phương.
                                                                       H.Thư