Hội thảo góp ý dự thảo báo cáo về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

26/04/2011
Hội thảo góp ý dự thảo báo cáo về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Sáng nay, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Thành Long đã chủ trì Hội thảo góp ý vào dự thảo báo cáo của Bộ Tư pháp về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) thông qua điều tra, khảo sát tại 6 tỉnh, TP (Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Cần Thơ, Đà Nẵng, TP.HCM).

Theo dự thảo báo cáo do ông Trần Văn Đạt (Trưởng phòng Công tác xây dựng pháp luật - Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật) trình bày, thực trang tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực BVMT còn gặp nhiều hạn chế. Hệ thống văn bản pháp luật về BVMT đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, việc ban hành các văn bản về BVMT và hướng dẫn thi hành còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác quản lý môi trường cũng như phòng ngừa, xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường.

Các lĩnh vực còn thiếu nhiều quy định cụ thể và có nhiều quy định bất cập, cần sửa đổi bổ sung đó là các quy định về hệ thống về hệ thống quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật; thuế, phí BVMT; bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hành vi hây ô nhiễm môi trường…

Báo cáo đưa ra 4 vấn đề trong tình hình chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho việc thi hành pháp luật về BVMT. Trước hết là công tác PBGDPL, tuy được thực hiện “nhưng chưa thường xuyên, nội dung còn đại trà, chủ yếu “rầm rộ” ở một số đợt cao điểm” là một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong việc thực thi pháp luật về môi trường của các cơ quan, tổ chức và công dân trong thời gian qua.

Về tổ chức bộ máy còn chồng chéo giữa chức năng, thẩm quyền của các cơ quan quản lý Nhà nước (ngành TN&MT) và cơ quan có thẩm quyền chung (UBND các cấp); giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với nhau (TN&MT với Xây dựng, NN&PTNT…); giữa các đơn vị trong cơ quan quản lý Nhà nước (TN&MT, NN&PTNT…). Ngược lại, có một số lĩnh vực bị bỏ trống, không có cơ quan chịu trách nhiệm quản lý như xử lý chất thải rắn trong các làng nghề….

Số lượng cán bộ, chuyên môn về BVMT còn hạn chế về cả số lượng và chất lượng; kinh phí (1% tổng chi ngân sách) còn quá ít so với yêu cầu của công tác BVMT; ở các địa phương, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động quản lý Nhà nước về môi trường hầu hết đều thiếu, hạn chế việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về môi trường ở nước ta.

Trong tình hình phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật, kết quả kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân diễn ra tương đối phổ biến, trên nhiều lĩnh vực khác nhau, ảnh hưởng sấu sắc đến sự phát triển KT-XH, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân. Số lượng các vụ việc vi phạm được phát hiện và đã áp dụng các biện pháp xử lý có chiều hướng gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Tổng hợp kết quả phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện cho thấy, các vi phạm pháp luật về môi trường nổi lên ở một số lĩnh vực với một số vi phạm điển hình là vi phạm các quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường (chưa được phê duyệt hoặc thực hiện không đúng và đầy đủ nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường); vi phạm các quy định về xử lý chất thải, nước thải (chủ yếu ở các khu công nghiệp, làng nghề); vi phạm các quy định về quản lý, xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế; vi phạm các quy định về BVMT trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện GTVT, nguyên nhiên liệu, vật liệu, phế liệu…

Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong lĩnh vực BVMT như xây dựng, hoàn thiện hệ thống VBQPPL, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công tác thi hành pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật…

Việc tiến hành khảo sát, điều tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm kiến nghị hoàn thiện văn bản, bàn biện pháp thực hiện pháp luật hiệu quả hơn, cũng như thí điểm thực hiện nhiệm vụ mới của Bộ và ngành Tư pháp là theo dõi thi hành pháp luật. Dự thảo Báo cáo này sẽ được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ./.

H.Giang