Trợ giúp pháp lý cho cháu Hồ Thị Thúy Ngân

01/12/2010
Trong thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tiếp đưa tin về các vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại nhiều địa phương trên toàn quốc: vụ cháu Nguyễn Hào Anh ở Cà Mau, vụ cháu Nguyễn Thị Như Ý ở Đồng Tháp, vụ 04 đứa trẻ bị hành hạ ở nhà mở tại Đồng Nai… và mới đây nhất là vụ cháu bé Hồ Thị Thúy Ngân (02 tuổi) ở Bình Dương bị bảo mẫu hành hạ bằng biện pháp “tắm đòn”. Những vụ việc này đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em và bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ.

Tại Cà Mau, Đồng Tháp và Đồng Nai, theo chỉ đạo của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã tiếp xúc với gia đình và đề nghị được trợ giúp pháp lý miễn phí để bảo vệ quyền lợi cho các cháu. Được sự đồng ý của gia đình, các Luật sư - cộng tác viên trợ giúp pháp lý đã chính thức tham gia bảo vệ quyền lợi cho cháu Như Ý và 04 cháu nhỏ tại nhà mở Đồng Nai.

Tại Bình Dương, do kịp thời nắm bắt tình hình các vụ việc xảy ra trên địa bàn nên ngay sau khi đoạn clip về hành vi bạo hành cháu Ngân của bảo mẫu được phát tán trên mạng internet, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bình Dương đã chủ động phối hợp cùng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đến thăm hỏi, chia sẻ nỗi đau với bố mẹ cháu khi con gái bị bạo hành và đưa tin phản ánh thực tế cuộc sống khó khăn của gia đình. Sau khi được nghe giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý và việc cần thiết phải có trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của cháu Ngân, ông Hồ Minh Lực và bà Nguyễn Thị Thanh (bố mẹ cháu Ngân) đã nhận thức được vấn đề và phấn khởi khi được Trung tâm cử người đứng ra giúp đỡ về pháp lý cho gia đình. Xác định tính chất nghiêm trọng trong hành vi ngược đãi của bảo mẫu Trần Thị Phụng, ngay trong chiều ngày 26/11/2010, bà Hoàng Hồ Linh Chi - Giám đốc Trung tâm đã ra quyết định cử Luật sư - cộng tác viên Thái Thanh Hải thực hiện trợ giúp pháp lý cho cháu Ngân bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng ở khâu ban đầu, đặt cơ sở pháp lý giúp Luật sư - cộng tác viên trực tiếp tiếp xúc, làm việc với các cơ quan chức năng ở địa phương để đề xuất phương án xử lý hành vi của bà bảo mẫu cũng như phương án bảo vệ quyền lợi cho cháu Ngân và tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho cháu sau khi vụ việc được khởi tố và đã nhận được sự đồng ý của gia đình.

Ngày 27/11/2010, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thuận An đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Trần Thị Phụng để làm rõ hành vi “hành hạ người khác” đối với cháu Ngân và Trung tâm trợ giúp pháp lý cũng đang làm thủ tục để chuyển hình thức trợ giúp pháp lý phù hợp hơn, từ đại diện ngoài tố tụng sang hình thức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại theo đúng quy định của pháp luật. Với Quyết định cử Luật sư cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho cháu Ngân rất kịp thời của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bình Dương, quyền lợi hợp pháp của cháu Ngân sẽ được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.

Từ những vụ việc trên, có thể thấy, để công tác trợ giúp pháp lý có hiệu quả thì người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thực sự nhạy bén, năng động để kịp thời nắm bắt được các vụ việc có đối tượng là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Người thực hiện trợ giúp pháp lý phải gắn bó chặt chẽ với lợi ích của người dân, chủ động về cơ sở với người dân để tìm hiểu, phát hiện những vụ việc cần phải tiến hành trợ giúp pháp lý chứ không phải chỉ đơn thuần là ngồi trông chờ người dân đến với trợ giúp pháp lý.

Phòng Quản lý chất lượng - Cục Trợ giúp pháp lý