Cơ quan Đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM: Ngày càng rõ chức năng, nhiệm vụ...

15/11/2010
Ngày 13/11, Cơ quan Đại diện (CQĐD) Bộ Tư pháp tại TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2010. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tham dự hội nghị.

Băn khoăn chuyện nhân sự!

Ông Nguyễn Thái Phúc, Vụ trưởng - Trưởng CQĐD Bộ Tư pháp tại TP.HCM cho biết, chỉ trong năm 2010, CQĐD đã tuyển dụng mới được 02 công chức và tiếp nhận 05 trường hợp chuyển công tác từ các đơn vị khác về. Cũng trong thời gian này, CQĐD bổ sung thêm 01 biên chế, nâng tổng số biên chế cơ quan lên thành 19 và 7 trường hợp hợp đồng. Hiện CQĐD có 2 tiến sỹ, 4 thạc sỹ, 8 cử nhân, 1 cử nhân kinh tế, 1 trung cấp văn thư.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Thái Phúc, việc tuyển và giữ chân nhân sự trẻ là rất khó khăn, nguyên nhân là do CQĐD chưa có sức thu hút nhân lực trẻ. Đã có 3 trường hợp nghỉ việc sau khi được tuyển dụng vào CQĐD. Ngoài ra, việc cán bộ, công chức cơ quan không có thêm bất cứ thu nhập nào khác ngoài đồng lương cũng là nguyên nhân gây khó tạo sự an tâm công tác lâu dài tại CQĐD.

Nói về hoạt động của CQĐD, ông Phúc cũng cho biết: Năm qua CQĐD đã tích cực đến làm việc với tất cả 23 tỉnh, thành thuộc địa bàn quản lý, nhằm nắm bắt tình hình hoạt động và công tác tư pháp của từng địa phương. Bên cạnh đó, CQĐD còn thực hiện tốt công tác phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ. Điều đáng mừng là các bên đã tìm được tiếng nói chung trong cơ chế phối kết hợp, đặc biệt thể hiện được chiều sâu trong hoạt động. Cái khó là nhiều khi bản thân CQĐD cũng chưa thực sự “đủ sức” để làm tốt tất cả các mặt công tác được giao.

Về hoạt động của Trường Trung cấp Luật Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), ông Lê Tiến Châu, Phó Vụ trưởng - Phó trưởng CQĐD kiêm Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Vị Thanh tiếp lời: Về kinh phí của CQĐD cũng như trường Vị Thanh - một đơn vị còn ngổn ngang mọi thứ, hiện đang có những câu chuyện không thể nói thành lời khi nhắc đến vấn đề chi phí trong triển khai hoạt động của trường. Ông Châu mong được có kinh phí hoạt động thường xuyên hơn. Dù còn nhiều khó khăn nhưng hiện Trường Trung cấp Luật Vị Thanh đã chính thức đi vào giảng dạy cho 110 học viên và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho một lớp học mới....

Tỏ rõ chức năng, nhiệm vụ

Tham dự Hội nghị, bà Ung Thị Xuân Hương, Thành ủy viên - Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng, từ khi CQĐD thể hiện vai trò của mình, mọi hoạt động đã khởi sắc và mong muốn CQĐD tiếp tục trở thành chỗ dựa chuyên môn cho TP.HCM nói riêng và các tỉnh, thành khác nói chung. Bà Xuân Hương cũng đề nghị trong thời gian tới Sở Tư pháp TP.HCM được phối hợp với Trường Trung cấp luật Vị Thanh mở lớp đào tạo luật cho cán bộ phường, xã thành phố. Theo đó, Sở sẽ tạo mọi điều kiện để việc mở lớp sớm được thực hiện.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính bảy tỏ vui mừng khi thấy năm 2010, CQĐD tuyển dụng và tiếp nhận thêm nhiều cán bộ. Thứ trưởng lưu ý: Hiện CQĐD đã tỏ rõ chức năng, nhiệm vụ của mình, các mối quan hệ giữa CQĐD với các cơ quan tư pháp địa phương cũng đã tốt dần lên, bởi vậy, CQĐD phải tiếp tục thể hiện rõ nét vai trò của một đơn vị độc lập, “cái gì thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình thì mình làm, cái gì thuộc cấp trên thì kiến nghị, cái gì thuộc về giải pháp thì đấu tranh”. Thứ trưởng cũng bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao những nỗ lực của CQĐD trong việc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương trong khu vực phụ trách./.

Phong Trần