Văn phòng Bộ Tư pháp: Tham quan thực tế tại Khu di tích K9 - Đá Chông

21/09/2010
Văn phòng Bộ Tư pháp: Tham quan thực tế tại Khu di tích K9 - Đá Chông
Ngày 19/9/2010, Đoàn cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức và người lao động Văn phòng Bộ Tư pháp đã có chuyến tham quan thực tế tại Khu di tích K9 - Đá Chông. Cùng tham gia với Đoàn có đồng chí Chánh Văn phòng Lê Hồng Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp, Bí thư Đảng bộ Văn phòng Bộ.

Khu di tích K9 - Đá chông là nơi in dấu một giai đoạn sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những tháng năm lãnh đạo đất nước từ 1958 đến 1969, là một trong những nơi Bác đã chọn để viết bản Di chúc lịch sử, nơi mà giờ đây đã trở thành một địa danh lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đồi Đá Chông nằm trong khu rừng nguyên sinh thuộc quần thể núi Ba Vì, cao 150m so với mực nước biển. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, nơi phong cảnh “sơn thuỷ hữu tình” này có mật danh là K9, ngày nay được gọi là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9 - Đá Chông (gọi tắt là Di tích K9).

Tháng 5/1957, trong một lần đến thăm bộ đội diễn tập bên sông Đà, Bác và các đồng chí cùng đi đã dừng chân, ăn cơm tại nơi đây. Nhận thấy đồi Đá chông có nhiều điểm thuận lợi về địa hình, thời tiết, giao thông: có rừng cây, có núi, có sông lại gần Thủ đô… Bác đã trao đổi với các đồng chí về việc chọn khu vực đồi Đá chông làm căn cứ của Trung ương, đề phòng chiến tranh có thể mở rộng ra miền Bắc. Đầu năm 1958, Bác đã cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng đến khảo sát lại khu vực này. Đến giữa năm 1958, Khu làm việc của Trung ương ở Đá Chông đã được khởi công xây dựng với tên gọi là Công trường 5.

Đến năm 1960, cơ sở K9 được củng cố, mở rộng thành các khu nhà xây, bê tông hóa hầm ngầm. Có một cây thông nằm trong phạm vi thi công làm ảnh hưởng đến thiết kế của ngôi nhà, nhưng Bác dặn, phải cố gắng giữ cây lại, không nên chặt phá để bảo vệ môi trường. Nhờ tình yêu thương của Bác, ngót nửa thế kỉ qua, cây thông vẫn đứng vững, trưởng thành qua bao phong ba bão táp.

 

Ở khu nhà Sàn, tầng I là nơi họp của Trung ương và tiếp khách, Bác chọn hướng Nam làm hướng nhà, vừa thoáng mát, vừa biểu hiện tình cảm Bác và nhân dân Miền Bắc luôn hướng về Miền Nam. Cửa ngôi nhà sàn được kiến trúc theo kiểu xếp tầng vừa thuận lợi khi sơ tán và họp với số lượng người tăng hơn so dự kiến. Tầng II là chỗ làm việc và nơi Bác nghỉ ngơi, tiếp khách; đặc biệt, chính nơi đây, Bác Hồ đã tiếp hai vị khách quý đó là anh hùng du hành vũ trụ Liên Xô Ghecman Titop và bà Tống Khánh Linh, Phó Chủ tịch nước CHDCND Trung Hoa. Trong các gian nhà không hề có một bức tranh phong cảnh nào. Bác nói với mọi người là còn gì đẹp hơn quang cảnh tự nhiên ở xung quanh nhà. Lối đi quanh nhà, Bác bảo các đồng chí bảo vệ rải sỏi vừa để Bác cháu tập thể dục chân trần xoa bóp bàn chân, đồng thời sỏi còn giúp công tác cảnh giới, bảo vệ bí mật khi có người lạ xâm nhập sẽ gây tiếng động.

Khi Bác Hồ qua đời ngày 2/9/1969, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn khu căn cứ Đá Chông làm nơi giữ gìn thi hài Bác. Từ ngày 24/12/1969, thi hài Bác được di chuyển từ Hà Nội lên đây, Khu căn cứ Đá Chông bước vào giai đoạn thực hiện nhiệm vụ đặc biệt: “Giữ yên giấc ngủ của Người”. Trong thời gian giữ gìn thi hài Bác ở đây, nhiều lần các đồng chí trong Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam ra công tác đều lên thăm viếng Người. Ngày 18/7/1975, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác rời K9, tạm biệt khu căn cứ, tạm biệt núi rừng thân thương để đưa Người về nơi an nghỉ tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Đến với Khu di tích, được chứng kiến tận mắt cuộc sống giản dị, thanh bạch của Bác, chúng ta không khỏi thán phục sự sáng tạo trong những việc làm bình dị mà hết sức ý nghĩa của Người. Mỗi gốc cây, ngọn cỏ, từng viên sỏi, mũi đá chông nơi đây đều chứa chan tình yêu thương của Bác. Tình cảm ấm áp, bao la của Bác như đang bao trùm lên đất trời và lên chính mỗi người chúng ta. Tham quan Khu di tích K9 - Đá chông, chúng ta càng thêm kính yêu Người cha già dân tộc và nguyện sống xứng đáng với tình yêu của Người, bắt đầu từ những việc làm đơn giản nhất, ngay từ ngày hôm nay.

Chuyến tham quan thực tế tại Khu di tích K9 - Đá chông đối với các cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức và người lao động Văn phòng Bộ Tư pháp thực sự là hoạt động có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn ghi sâu công lao trời biển của Bác, thiết thực thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây cũng là dịp để mỗi thành viên trong đoàn được nghiên cứu, tìm hiểu, nhận thức sâu sắc hơn về cuộc đời, về tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ, qua đó càng thêm kính yêu, biết ơn và tự hào về  Bác - vị Lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta.

Thu Hà - Văn phòng Bộ