Tập huấn về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm cho các tổ chức tín dụng

24/08/2010
Tập huấn về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm cho các tổ chức tín dụng
Trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, an toàn giao dịch và tính hiệu quả là mục tiêu hàng đầu luôn được quan tâm. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng lại mang tính nhạy cảm cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế việc xử lý thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng đối với con nợ hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, nhằm trang bị cho các tổ chức tín dụng những kiến thức cơ bản, chủ yếu về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm; đồng thời cập nhật các văn bản, chính sách mới của pháp luật về lĩnh vực này, thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2010 đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tổ chức Lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm cho đối tượng là cán bộ của các tổ chức tín dụng.

Lớp tập huấn diễn ra trong hai ngày 21 và 22/8/2010 tại Hà Nội với sự tham gia của gần 500 học viên là các cán bộ tín dụng, cán bộ pháp chế của các Ngân hàng, các Quỹ tín dụng, cán bộ quản lý tài sản của các Công ty tài chính trong cả nước cho thấy sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức tín dụng bởi sự thiết thực, tính thời sự mà lớp tập huấn mang lại.

Phát biểu tại buổi lễ khai giảng, Tiến sĩ Vũ Đức Long - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã khẳng định ý nghĩa của hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm trong việc công khai hoá các giao dịch bảo đảm cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên có liên quan. Đăng ký giao dịch bảo đảm không chỉ giúp xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm mà còn có vai trò quan trọng trong việc lành mạnh hoá thị trường tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường này phát triển lành mạnh, ổn định, giảm thiểu rủi ro.

Tại lớp tập huấn TS. Vũ Đức Long đã giới thiệu cho các học viên một số điểm mới của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm. Những nội dung tại bài giảng đã giúp cho các cán bộ tín dụng, cán bộ pháp chế của các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính có được những kiến thức pháp lý cần thiết, phục vụ cho quá trình thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm sau khi Nghị định số 83/2010/NĐ-CP chính thức có hiệu lực.

Với chuyên đề “Pháp luật về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất” qua sự giới thiệu của Thạc sỹ Trần Đông Tùng - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã phân biệt cho các học viên về các trường hợp đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, những trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất không thuộc các trường hợp đăng ký tại Văn phòng thì đăng ký tại Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp. Ngoài ra, chuyên đề còn làm rõ những nội dung như: giá trị pháp lý của việc đăng ký, trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ đăng ký, các trường hợp đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót, xoá đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất…

   

Bên cạnh đó, chuyên đề về một số kỹ năng trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm do TS. Phan Chí Hiếu - Giám đốc Học viện Tư pháp truyền tải đã trang bị cho các học viên những kiến thức cơ bản, thiết yếu nhất của pháp luật về hợp đồng và pháp luật về giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật hiện hành; trang bị kỹ năng tiếp cận và áp dụng những quy định của pháp luật khi giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng trọng tài. Ngoài ra, những tình huống vướng mắc, sai sót xảy ra trong quá trình hoạt động của các tổ chức tín dụng đã được giảng viên phân tích cặn kẽ và đưa ra những giải pháp khắc phục thích hợp khiến cho lớp tập huấn luôn diễn ra trong bầu không khí sôi nổi hào hứng.

Một nội dung nữa được đánh giá là thực sự có ý nghĩa và thiết thực đối với hoạt động nghiệp vụ tín dụng đó là chuyên đề “xử lý tài sản bảo đảm và một số vấn đề pháp lý cần lưu ý khi áp dụng các quy định về phá sản” do ThS Hồ Quang Huy - Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cung cấp. Nội dung này đã thu hút được sự quan tâm của các học viên, góp phần vào việc nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng của các cán bộ trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm.

Bên cạnh những nội dung bài giảng bổ ích được cung cấp cho các học viên, trong hai ngày diễn ra lớp tập huấn, thông qua việc trao đổi, thảo luận và giải đáp về những vướng mắc trong công tác thực tiễn của các tổ chức tín dụng, các công ty cho thuê tài chính thì những nội dung của các bài giảng đã được làm rõ, góp phần thiết thực vào việc giải quyết công việc, nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn của học viên. Đây cũng là một trong những nội dung được đánh giá cao tại lớp tập huấn lần này.

Lớp tập huấn tổ chức tại Hà Nội vừa qua đã tạo một diễn đàn hiệu quả cung cấp những kiến thức cơ bản, chủ yếu về pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm cho các học viên tham dự. Thành công lớn của lớp tập huấn với sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của các học viên đến từ các ngân hàng, quỹ tín dụng, các công ty cho thuê tài chính… đã cho thấy nhu cầu được bồi dưỡng, tập huấn về pháp luật trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm là khá lớn và cần được thực hiện thường xuyên trong những năm tiếp theo.

Theo kế hoạch, dự kiến cuối tháng 8, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức tín dụng phía Nam tổ chức lớp tập huấn giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm cho các cán bộ tín dụng, cán bộ pháp chế của các tổ chức tín dụng tại các tỉnh, thành phía Nam.

Thu Thuỷ - Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm