Toạ đàm sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005 phần sở hữu

11/12/2009
Tiếp theo buổi toạ đàm sửa đổi phần hợp đồng của Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS), ngày 11/11/2009 Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với Dự án JICA tổ chức toạ đàm bình luận sửa đổi một số điều của BLDS phần sở hữu.

 Tại buổi Tọa đàm, dưới sự chuẩn bị của Tổ Biên tập, các vấn đề trong dự thảo đã được đưa ra trình bày và thảo luận, thứ nhất, thời điểm chuyển quyền sở hữu và các vật quyền khác đối với bất động sản, trong đó nêu lên những bất hợp lý về quy định hiệu lực của việc đăng ký vật quyền đối với bất động sản. Theo quy định tại Điều 168 BLDS, “việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Tổ Biên tập đã chỉ ra sự không thống nhất trong quy định của pháp luật, ví dụ, Luật Đất đai và Luật Nhà ở: Theo quy định của Luật Nhà ở thì quyền sở hữu đối với nhà ở được chuyển kể từ khi thời điểm hợp đồng được công chứng. Cùng là khối tài sản thống nhất, nhưng quy định không thống nhất giữa thời điểm chuyển quyền giữa đất và tài sản trên đất lại khác nhau, gây nhiều vướng mắc trong thực tiễn. Qua đó, Tổ Biên tập đã đưa ra hai phương án sửa đổi, “phương án thứ nhất  quy định đăng ký là điều kiện phát sinh hiệu lực chuyển quyền; phương án thứ hai đăng ký là điều kiện đối kháng với bên thứ ba.”

Thứ hai, về hình thức sở hữu, theo quy định của BLDS có 06 hình thức sở hữu (sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu chung, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội…). Tổ Biên tập đã nêu những bất hợp lý của việc quy định liệt kê hình thức sở hữu trên cơ sở căn cứ chủ thể để phân loại. Qua đó, đưa ra hai phương án sửa đổi, có thể là giữ nguyên hoặc chỉ quy định 03 hình thức sở hữu là “sở hữu Nhà nước, sở hữu chung và sở hữu riêng’’

 Thứ ba, về các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản (các loại vật quyền như quyền sử dụng đất, quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề…). Điều 173 BLDS quy định người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình theo thoả thuận với với chủ sở hữu tài sản đó hoặc theo quy định của pháp luật, Tổ Biên tập đã chỉ ra những bất cấp như: chưa quy định các loại quyền cụ thể, chưa quy định cụ thể nội dung các quyền đó, giới hạn quyền chủ thể, mối quan hệ giữa các quyền. Qua đó, Tổ Biên tập đã kiến nghị cần hoàn thiện quy định pháp luật về các quyền khác đối với tài sản như: quyền sử dụng đất, quyền hưởng hoa lợi, lợi tức; quyền của người nhận cầm cố, quyền của người nhận thế chấp..

Sau khi nghe Tổ Biên tập trình bày, các chuyên gia của Dự án JICA đã đưa ra bình luận, góp ý cụ thể, đồng thời có sự đối chiếu với các quy định của Pháp luật Nhật Bản.

Lê Văn Nhật