Xây dựng NĐ thay thế NĐ số 08/2000/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký GDBĐ thành NĐ chung, thống nhất quy định chi tiết trình tự, thủ tục đăng ký GDBĐ đối với tất cả các loại tài sản

30/10/2009
Vấn đề này đã đạt được sự đồng thuận cao của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định thay thế Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 20/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm trong cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập sáng ngày 29/10/2009 tại Hội trường A trụ sở Bộ Tư pháp.

Đây là cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập lần thứ hai của Nghị định thay thế Nghị định số 08/2000/NĐ-CP để đi đến thống nhất một số nội dung cơ bản, định hướng cho việc xây dựng Nghị định. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định, Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền - Trưởng Ban soạn thảo Nghị định chủ trì cuộc họp.

Sau khi nghe Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Trần Đông Tùng - Tổ phó Tổ biên tập Nghị định trình bày về sự cần thiết ban hành Nghị định, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị định, một số nội dung chủ yếu của dự thảo Nghị định cũng như những vấn đề cần xin ý kiến Ban soạn thảo, các đại biểu tham dự cuộc họp đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề mà Tổ biên tập xin ý kiến Ban soạn thảo.

Về cơ bản, các đại biểu tham dự cuộc họp nhất trí xây dựng Nghị định thành Nghị định chung, thống nhất quy định chi tiết trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tất cả các loại tài sản, kể cả giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Dự thảo Nghị định sẽ thu hút tất cả các quy định hiện hành về đăng ký giao dịch bảo đảm và bãi bỏ quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm ở các Nghị định có liên quan. Xây dựng Nghị định theo phạm vi điều chỉnh này có nhiều ưu điểm như sau:

Thứ nhất, khắc phục được tình trạng tản mạn, phân tán của các văn bản pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, khắc phục sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất trong các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm giữa những các nhóm tài sản khác nhau ở tầm Nghị định; xây dựng quy trình đăng ký đơn giản, thuận tiện; tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc tra cứu và áp dụng pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Thứ hai, thông qua rà soát pháp luật hiện hành và tổng kết thực tiễn, dự thảo Nghị định đang được xây dựng theo hướng quy định chi tiết tới mức tối đa về hồ sơ, thủ tục đăng ký theo hướng pháp điển hoá các quy định còn phù hợp ở các Thông tư, sửa đổi các quy định hiện hành ở từng lĩnh vực còn nhiều bất cập vào trong cùng một văn bản ở tầm Nghị định. Nếu làm được như vậy thì việc ban hành Nghị định mới về đăng ký giao dịch bảo đảm mới thật sự có ý nghĩa. Đây là sự chờ đợi rất lớn từ các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng và hưởng lợi ích từ hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm.

Thứ ba, việc xây dựng dự thảo Nghị định theo hướng thu hút các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm vào cùng một văn bản, sửa đổi và bãi bỏ các quy định không phù hợp ở một số văn bản chính là bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triệt để dùng kỹ thuật 1 văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ nhiều văn bản. Do đó, đây chính là việc “đi trước” một bước trong việc thực hiện cải cách hành chính theo đúng chủ trương, tinh thần của Chính phủ hiện nay.

Thứ tư, việc thu hút tất cả các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đang nằm ở các văn bản ở tầm Nghị định khác nhau không chỉ thuần tuý là sự thu hút mang tính cơ học mà là sự hệ thống hoá, tập hợp quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm bào cùng một văn bản trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp, sửa đổi những quy định đang bộc lộ những bất cập cũng như bổ sung những quy định còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Thứ năm, trong quá trình tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị định, đa số ý kiến của các tổ chức tín dụng - là tổ chức trực tiếp sử dụng thiết chế đăng ký cho rằng, việc xây dựng một Nghị định chung quy định chi tiết, đầy đủ các nội dung về đăng ký giao dịch bảo đảm sẽ giúp người áp dụng có thể tìm hiểu, hình dung đầy đủ, tổng thể quy định pháp luật hiện hành về đăng ký, từ đó sẽ không mất nhiều thời gian để tra cứu nhiều văn bản pháp luật.

Thống nhất được về phạm vi điều chỉnh của Nghị định sẽ là cơ sở thuận lợi để Tổ biên tập và  nhóm thường trực xây dựng Nghị định của Cục Đăng ký tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự thảo. Trong thời gian sớm nhất, dự thảo Nghị định sẽ được gửi lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức để sớm trình Chính phủ vào quý IV năm 2009.

Ngọc Phượng - Cục Đăng ký