Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Hà Hùng Cường: Công tác tư pháp, rộng, quan trọng, nặng nề...

18/12/2008
Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Hà Hùng Cường: Công tác tư pháp, rộng, quan trọng, nặng nề...
Ngày 16/12/2008), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhằm triển khai, phối hợp thực hiện công tác tư pháp trên địa bàn Đồng Nai; các cơ quan nội chính khác của tỉnh như: Công an, VKS, TAND, Đoàn Luật sư, Sở Tài nguyên – Môi trường cũng tham dự.

·        Đề cao tranh tụng tại toà

Trình bày với Đoàn công tác, bà Phạm Thị Ngọc Yến, trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai cho biết cũng như các địa phương khác, Đồng Nai cũng gặp khó trong việc tuyển cán bộ. Chỉ tiêu biên chế Bộ Tư pháp giao cho Đồng Nai là 165 biên chế từ năm 2007, đến nay dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa thực hiện hết chỉ tiêu trên. Bà Yến kiến nghị, cần quy định lại hồ sơ tuyển dụng công chức đối với vùng sâu, vùng xa; đề nghị cho nợ chứng chỉ B ngoại ngữ, B tin học, bởi hai chứng chỉ này có thể bổ sung sau khi được tuyển dụng... Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng về việc cưỡng chế thi hành án trên địa bàn, bà Yến cho biết, Đồng Nai chủ trương hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc cưỡng chế, nhưng thực tế lại diễn ra không như mong muốn. Năm 2008, phải thực hiện trên 200 vụ cưỡng chế thi hành án, hầu hết những vụ này đều liên quan đến tài sản, nhà cửa... Do dân bức xúc, có trường hợp cá biệt người dân dùng nước hôi thối tấn công chống lại lực lượng cưỡng chế. Vị đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai cho rằng, sau những bức xúc của dân, các cơ quan liên quan nhận ra rằng, mình thiếu đi công tác vận động và giải thích tường tận các vấn đề cho người dân nên dẫn đến bức xúc. Và khi công tác “dân vận” được các cơ quan tư pháp vận hành tốt thì hiệu quả của việc vận động đã được phát huy tác dụng, người dân không còn chống đối và tự giác thi hành án.

Luật sư Phan Thiên Vượng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đồng Nai, thì quan tâm đến nghề nghiệp của luật sư trong quá trình tham gia vào các giai đoạn tố tụng cho rằng, thực tế ở toà án cấp huyện vẫn còn tính bảo thủ, chưa cởi mở như toà cấp tỉnh trong quá trình làm việc với luật sư, kể cả trong tranh tụng vẫn chưa thể hiện tinh thần cải cách tư pháp. Luật sư Vượng cũng thừa nhận hạn chế của Đoàn trong quản lý chưa tốt các tổ chức luật sư trên địa bàn, một số luật sư chưa thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng của mình.

Nói về vấn đề tranh tụng, Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai, Huỳnh Văn Lưu cho rằng: “Quan điểm của toà là không hạn chế thời gian tranh tụng tại phiên toà, miễn là việc tranh tụng đó đi vào trọng tâm của vụ án”. Chánh án Lưu chỉ ra rằng, tình trạng phổ biến hiện nay là kiểm sát viên trong các phiên toà rất hiếm tranh tụng với luật sư. Cụ thể, sau khi luật sư tranh tụng với vị đại diện VKS, vị này chỉ trả lời vỏn vẹn “VKS giữ nguyên quan điểm của mình”, thế thì làm sao luật sư có thể tranh tụng gì thêm(!?) Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách tư pháp ở toà cấp huyện trên tinh thần cải cách tư pháp – Chánh án Lưu nói.

·        Công tác tư pháp rộng, phức tạp và nặng nề

Bên cạnh đó, các cơ quan tư pháp Đồng Nai còn cho biết về tình trạng quá tải ở các nhà giam và nhà tạm giam. Nhiều ý kiến cho rằng,việc tăng thẩm quyền cho cấp huyện (quận) dẫn đến quá tải là một trong những nguyên nhân chủ yếu, bên cạnh các yếu tố khác. Song, không vì thế mà gia tăng trại giam. Bởi cũng có ý kiến cho rằng, tăng thẩm quyền cho cấp huyện (quận) thì nhân sự ở cấp tỉnh, thành phố phải ít nhiều dôi ra, thì tại sao không phân bổ xuống cho quận, huyện. Làm được như thế vừa giảm lượng việc của cán bộ cấp huyện mà còn giảm biên chế ở cấp tỉnh. Có phải vấn đề là ở “thể chế”(!?) Cũng có ý kiến cho rằng, “ở các nước nếu bị cáo bị toà tuyên 4 năm tù giam, nhưng sau khoảng 2 năm cải tạo tốt thì có thể cho họ về đoàn tụ gia đình, nhưng án 4 năm vẫn lơ lửng, chứ không phải giảm hẳn thời gian phạt tù”...

Bộ trưởng Hà Hùng Cường vui mừng trước những khởi sắc về kinh tế – xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh. Bộ trưởng nhấn mạnh: Công tác tư pháp hiện nay rất rộng, phức tạp và nặng nề. Sau nhiều năm thăng trầm, chưa bao giờ như hiện nay, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy tuy còn vấn đề này, vấn đề khác nhưng nhìn chung cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đã có được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, bước đầu tư pháp đã đi vào ổn định. Riêng công tác thi hành án dân sự, năm 2007 – 2008, có những chuyển biến tích cực, nhưng số vụ cưỡng chế trên 200 vụ/năm là quá cao. Các cơ quan tư pháp cần hạn chế thấp nhất số vụ cưỡng chế và tăng cường công tác vận động giải thích luật cho bà con. Về câu chuyện công chứng, chứng thực vẫn là điều đáng lo ngại. Bởi, sau khi “trả lại” nhiệm vụ, vai trò cho công chứng, chứng thực, thì rõ ràng những giao dịch hợp đồng liên quan đến đất đai, nhà cửa... phải giao cho công chứng. Đây là nơi chịu trách nhiệm “suốt đời” đối với dân. Song, thực tế phí công chứng cao hơn nhiều so với chứng thực nên người dân “chuộng” hơn. Mà điều này là rất nguy hiểm nếu như không phân định rõ “cái gì phải công chứng, cái gì chỉ cần chứng thực”, vì tính pháp lý trong giao dịch rất quan trọng nếu phát sinh “vấn đề”.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết thêm, nơi nào chính quyền quan tâm đến tư pháp thì nơi đó sẽ phát triển và tham mưu tốt cho chính quyền. Trọng tâm của năm 2008 – 2009, là câu chuyện tham mưu, giúp Đảng, Nhà nước về thể chế, cụ thể là hệ thống pháp luật. Theo đó, phải gắn việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật với việc theo dõi thực thi pháp luật. Bộ trưởng đề nghị chính quyền Đồng Nai quan tâm, tạo điều kiện cho Thi hành án dân sự khi cơ quan này sắp tới chính thức tách khỏi Sở Tư pháp. Đề nghị này đã được lãnh đạo tỉnh hứa sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để cơ quan này hoàn thành nhiệm vụ của mình, cũng chính là giúp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội.

·        Phong Trần