04 năm thực hiện xếp hạng và tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp và những vướng mắc từ quy định

08/01/2015

Thực hiện Kế hoạch sơ kết 4 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2010/TTLT-BTP-BNV ngày 11/02/2010 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp và Thông tư liên tịch số 11/2010/TTLT-BTP-BNV ngày 17/6/2010 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý và sử dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 1090/QĐ-BTP ngày 16/5/2014), các đơn vị thuộc Bộ có liên quan, Sở Tư pháp cùng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc đã nghiêm túc triển khai đánh giá tình hình xếp hạng và tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp. Vụ Tổ chức cán bộ đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tiến hành khảo sát, tổ chức hội thảo đánh giá tình hình xếp hạng và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm, xây dựng Báo cáo sơ kết 04 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2010/TTLT-BTP-BNV và Thông tư liên tịch số 11/2010/TTLT-BTP-BNV ngày 17/6/2010 (Báo cáo số 369/BC-BTP ngày 31/12/2014).

Các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành Tư pháp từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động

Theo kết quả sơ kết, qua 4 năm thực hiện hai thông tư liên tịch, các đơn vị thuộc Bộ liên quan, UBND cấp tỉnh, Sở Tư pháp, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp đã nghiêm túc quán triệt, triển khai và thực hiện việc xếp hạng, tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các phòng công chứng, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản theo quy định của hai Thông tư. Các đơn vị sự nghiệp công lập xếp hạng II chiếm tỷ lệ tương đối cao với 75,6% (trong tổng số 219/275 các đơn vị đã báo cáo xếp hạng), các đơn vị sự nghiệp xếp hạng IV chỉ chiếm 5% (11 đơn vị) tập trung tại một số tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Nam, Hà Giang...). Về tình hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành Tư pháp, theo báo cáo của 193 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ và thuộc các Sở Tư pháp, các đơn vị tự chủ, tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chiếm 31,1%; đơn vị tự chủ, tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động chiếm 39,4% và  đơn vị được Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chiếm 29,5%. Nhìn chung, việc thực hiện xếp hạng và tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã góp phần kiện toàn về tổ chức bộ máy, biên chế, cơ sở vật chất, kỹ thuật, tạo sự tích cực, chủ động trong tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp và cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt hơn.

Tiêu chí xếp hạng chưa đánh giá thực chất “hạng” của đơn vị sự nghiệp công lập

Tuy nhiên, quá trình thực hiện hai thông tư liên tịch cũng còn một số vấn đề khó khăn, vướng mắc cả về thực tiễn triển khai tại mỗi địa phương và bất cập trong quy định pháp luật dẫn đến hiệu quả thực thi chưa cao. Trong đó, việc thực hiện xếp hạng đã cho thấy những bất cập trong quy định về tiêu chí xếp hạng của Thông tư liên tịch số 02/2010/TTLT-BTP-BNV, cụ thể:

- Về tiêu chí biên chế: quy định tiêu chí biên chế làm căn cứ để tính điểm xếp hạng là chưa đánh giá được thực chất hoạt động của đơn vị sự nghiệp. Thực tế, bên cạnh số người làm việc trong biên chế, đơn vị sự nghiệp công lập còn có các lao động hợp đồng được tuyển dụng theo nhu cầu của đơn vị, có đơn vị biên chế ít nhưng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cao. Đồng thời, hiện nay các đơn vị sự nghiệp đã tự chủ hoàn toàn có xu hướng giảm số lượng người làm việc và chú trọng vào nâng cao năng suất lao động để giảm chi phí tiền lương.

- Về tiêu chí kết quả thực hiện nhiệm vụ: Theo Điều 5 của Thông tư liên tịch số 02/2010/TTLT-BTP-BNV được xác định dựa trên tổng số vụ việc đã được thực hiện, tuy nhiên, chưa căn cứ vào chất lượng/hiệu quả công việc. Thực tế, mỗi đơn vị sự nghiệp có nhiệm vụ riêng, phạm vi hoạt động và có tính chất công việc khác nhau, số lượng công việc ít nhưng tính chất công việc phức tạp, thực hiện ít việc nhưng số tiền phí thu được cao, đặc biệt sẽ khác nhau về mức độ giữa các tỉnh, thành phố... nên đôi khi dẫn đến việc các đơn vị sự nghiệp chưa chú trọng đến chất lượng, hiệu quả công việc mà chạy đua theo số lượng. Vì vậy, quy định như Thông tư chưa đánh giá thực chất hạng của từng đơn vị sự nghiệp công lập, giữa đơn vị sự nghiệp của các tỉnh, thành phố.

- Về tiêu chí về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chỉ được xác định căn cứ trên việc có trụ sở độc lập để tính điểm xếp hạng mà thiếu sự điều chỉnh đối với đầu tư, phát triển về trang thiết bị, phương tiện làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin cũng như các cơ sở vật chất khác. Điều này dẫn đến việc chưa đánh giá được đầy đủ về hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật của đơn vị sự nghiệp công lập. 

- Các tiêu chí xếp hạng còn chưa tính đến đặc thù của các địa phương, đặc biệt là các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Quá trình thực hiện cho thấy việc quyết định các tiêu chí xếp hạng phụ thuộc nhiều vào nhu cầu sử dụng dịch vụ tư pháp, cũng như sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, địa phương. Mỗi đơn vị sự nghiệp có những đặc thù và phạm vi, địa bàn hoạt động riêng, nên việc áp dụng cùng một tiêu chí để đánh giá là không phù hợp. Đặc biệt, trong tương quan về điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều sự khác biệt giữa các thành phố lớn với các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa, việc chưa tính đến các yếu tố đặc thù đã dẫn tới những thiệt thòi đối với các đơn vị sự nghiệp công lại khu vực khó khăn. Tại các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đơn vị sự nghiệp gặp khó khăn về cơ sở vật chất (hầu hết chưa có trụ sở độc lập), biên chế ít, số lượng vụ việc ít, kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao, do vậy việc tính điểm xác định mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đồng đều. Thực tế, có đội ngũ viên chức đảm bảo về kinh nghiệm và năng lực công tác, chấp nhận công tác ở vùng sâu, vùng xa nhưng theo quy định không đáp ứng được tiêu chí xếp hạng cao dẫn đến phụ cấp của lãnh đạo, quản lý đơn vị không tương xứng, nên chưa đảm bảo được tính khuyến khích.

Khó thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm do không thống nhất trong quy định

Quá trình thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2010/TTLT-BTP-BNV cũng gặp một số vướng mắc như việc chưa hoàn thiện về tổ chức bộ máy, biên chế ít, kinh phí hạn hẹp tại một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa đã ảnh hưởng đến việc giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, sự không thống nhất trong quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2010/TTLT-BTP-BNV và quy định về phân cấp quản lý công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập tại địa phương là một trong những khó khăn lớn trong quá trình thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp. Ví dụ, tại Đắk Lắk, theo Quyết định số 30/2012/QĐ-UBND ngày 07/8/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, thì Giám đốc Sở có thẩm quyền thực hiện việc tuyển dụng và Quyết định tuyển dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở có thẩm quyền quyết định điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm đối với các chức danh cấp trưởng, cấp phó các bộ phận, tổ chức trực thuộc; ký kết hợp đồng làm việc đối với những người trúng tuyển viên chức sau khi được Giám đốc Sở quyết định tuyển dụng. Điều này là không phù hợp với quy định tại thông tư liên tịch số 11/2010/TTLT-BTP-BNV (người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được quyết định tuyển dụng viên chức trên cơ sở kế hoạch tuyển dụng do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên được quyền quyết định kế hoạch tuyển dụng). Sự không thống nhất này đã gây ra những lúng túng cho các Sở Tư pháp trong việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Kết quả là hầu hết các đơn vị sự nghiệp chưa được giao tự chủ về việc tuyển dụng, quản lý và sử dụng viên chức theo quy định của Thông tư liên tịch 11/2010/TTLT-BTP-BNV, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện thông tư liên tịch.

Hoàn thiện quy định về xếp hạng và tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp

Để tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện xếp hạng, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp ngành Tư pháp, Báo cáo sơ kết đã đưa ra một số đề xuất về hoàn thiện quy định pháp luật như:

- Sửa đổi Thông tư liên tịch số 02/2010/TTLT-BTP-BNV, trong đó chú trọng đến nghiên cứu sửa đổi tiêu chí xếp hạng để phù hợp với thực tiễn thi hành ở địa phương, trong đó tính đến các yếu tố đặc thù của các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo hướng xếp hạng các đơn vị sự nghiệp ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa có tiêu chí ưu tiên về khung xếp hạng, điểm xếp hạng so với các đơn vị sự nghiệp ở vùng có điều kiện kinh tế phát triển; sửa đổi tiêu chí kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hướng bổ sung tiêu chí về tính chất phức tạp của vụ việc để đánh giá được hiệu quả, chất lượng thực hiện nhiệm vụ; sửa đổi tiêu chí cơ sở hạ tầng, kỹ thuật theo hướng xét đến cả tiêu chí về trang thiết bị, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị sự nghiệp.

- Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn, rà soát để thực hiện có hiệu quả việc phân cấp quản lý và sử dụng viên chức giữa Sở Tư pháp và các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và thống nhất thực hiện trên cả nước để nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ngành tư pháp. Phối hợp nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 11/2010/TTLT-BTP-BNV bảo đảm phù hợp với chủ trương và các quy định về thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ được ban hành trong Nghị định mới thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời, UBND cấp tỉnh, Sở Tư pháp và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cần tiếp tục thực hiện xếp hạng và tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao trình độ đội ngũ công chức, viên chức và kiện toàn tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành Tư pháp chức nhằm tận dụng mọi nguồn lực để phát triển, mở rộng, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, tăng thu nhập cho người lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh của các đơn vị sự nghiệp trong điều kiện xã hội hóa./. 


Kim Hoàn Mỹ Linh Vu TCCB