Gia Lai: Trợ giúp lưu động đến thôn, làng

07/02/2012
Với đặc thù của một địa phương tập hợp nhiều tộc người thiểu số (chiếm 44.6% dân số toàn tỉnh) và có hơn một nửa số xã, phường, thị thấn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Gia Lai đã xác định phải tăng cường TGPL đến tận làng, thôn để đưa hoạt động mang tính nhân đạo này tới người dân vùng sâu, vùng xa.

Để tổ chức một loại hoạt động vốn đã quen thuộc sao cho hiệu quả hơn so với thời gian trước khi Luật TGPL 2006 ra đời, ngay từ đầu mỗi năm, Trung tâm đều chủ động xây dựng kế hoạch TGPL lưu động trình Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt. Qua đó, đưa ra các biện pháp triển khai phù hợp như phân công địa bàn TGPL lưu động cho Trợ giúp viên pháp lý phụ trách thực hiện; có văn bản gửi Phòng Tư pháp cấp huyện để cử công chức phối hợp; có văn bản gửi UBND cấp xã nơi tổ chức TGPL lưu động để bố trí địa điểm, thông báo rộng rãi cho người dân trên địa bàn xã biết, đồng thời mời Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) UBND và cán bộ Tư pháp – Hộ tịch cấp xã tham gia đợt lưu động cùng với Trung tâm để trả lời các vướng mắc của dân ngay tại buổi TGPL lưu động về những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp xã.

Đặc biệt, trong trường hợp vì lý do khách quan, người được TGPL có vướng mắc pháp luật không đến địa điểm TGPL lưu động, Trung tâm đề nghị UBND xã chỉ đạo Trưởng thôn lập danh sách những người có nhu cầu TGPL trong thôn và Trung tâm sẽ đến tận hộ gia đình để thực hiện TGPL cho người được TGPL có nhu cầu.

Trung bình mỗi năm, Trung tâm thực hiện TGPL lưu động trên 120 xã. Đối với những địa bàn trọng điểm về an ninh, khiếu kiện, nhu cầu TGPL lớn thì Trung tâm tổ chức nhiều đợt lưu động hơn. Kết quả 5 năm thi hành Luật TGPL, trong số số 7.850 vụ việc được thực hiện bằng hình thức tư vấn pháp luật thì có tới 6729 vụ được tư vấn trong các buổi trợ giúp lưu động, chiếm tỷ lệ 85,7%.

Bên cạnh tăng số lượng các vụ việc trợ giúp, Trung tâm cũng luôn chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động TGPL lưu động để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân bằng cách quan tâm củng cố, kiện toàn và bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ Trợ giúp viên, cộng tác viên cũng như khảo sát nắm bắt nhu cầu TGPL. Đối với tài liệu tổ chức sinh hoạt  chuyên đề pháp luật, Trung tâm tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu thật ngắn gọn, súc tích, phù hợp với nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân rồi mới in phát hành đến các Trợ giúp viên, cộng tác viên, Câu lạc bộ TGPL để sử dụng.

Không những thế, kết thúc buổi TGPL lưu động, Trợ giúp viên pháp lý dành thời gian làm việc với UBND cấp xã nơi tổ chức TGPL lưu động để đánh giá những việc làm được tại buổi trợ giúp, những việc còn phải làm tiếp theo và bàn giao những vụ việc thuộc thẩm quyền của xã giải quyết nhưng chưa được trả lời trong buổi trợ giúp để UBND xã nghiên cứu và trả lời cho đối tượng. Với cách làm trên, Trung tâm cùng với các ngành và chính quyền địa phương đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc được coi là “điểm nóng” trên địa bàn tỉnh, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

PV