Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

29/06/2023
Theo quy định tại Quyết định số 1189/QĐ-BTP ngày 28 tháng 6 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức như sau:
I. Vị trí và chức năng
1. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (cụm từ “quy phạm pháp luật” sau đây được viết tắt là QPPL); thực hiện kiểm tra văn bản QPPL thuộc trách nhiệm và thẩm quyền kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; tổ chức thực hiện rà soát, hệ thống hoá, hợp nhất văn bản QPPL, pháp điển hệ thống QPPL theo quy định pháp luật.
2. Cục Kiểm tra văn bản QPPL (sau đây gọi là Cục) là đơn vị có tư cách pháp nhân, có trụ sở tại thành phố Hà Nội, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định pháp luật.
II. Nhiệm vụ và quyền hạn
Cục có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Xây dựng, trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch, đề án, chính sách, chương trình, kế hoạch và dự án, dự thảo văn bản QPPL về kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá, hợp nhất văn bản QPPL, pháp điển hệ thống QPPL và Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; tham gia xây dựng, thẩm định, góp ý các dự án, dự thảo văn bản theo phân công của Lãnh đạo Bộ hoặc theo yêu cầu của các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị thuộc các bộ, ngành khác có liên quan.
2. Xây dựng, trình Bộ trưởng kế hoạch công tác dài hạn, 05 năm và hàng năm của Cục; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 05 năm và hàng năm của ngành Tư pháp.
3. Tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án, văn bản QPPL và các văn bản khác trong lĩnh vực quản lý của Cục.
4. Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản cá biệt, văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật về kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá, hợp nhất văn bản QPPL, pháp điển hệ thống QPPL và Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định pháp luật.  
5. Theo dõi thi hành pháp luật, chủ trương, chính sách trong lĩnh vực quản lý của Cục.
6. Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ, đôn đốc việc thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cập nhật Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, công tác hợp nhất văn bản QPPL, pháp điển hệ thống QPPL của các bộ, ngành.
7. Về kiểm tra văn bản QPPL:
a) Là đầu mối giúp Bộ trưởng thực hiện tự kiểm tra văn bản QPPL do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành hoặc liên tịch ban hành; 
b) Giúp Bộ trưởng kiểm tra văn bản QPPL do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành; nội dung quy định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ trong thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; kiểm tra văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước; kiểm tra theo địa bàn, chuyên đề, ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
c) Kết luận về nội dung trái pháp luật của văn bản và kiến nghị cơ quan, người đã ban hành văn bản xem xét, tự xử lý; đề nghị Bộ trưởng xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định pháp luật;
d) Tham mưu Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với trường hợp có tranh chấp về thẩm quyền kiểm tra văn bản theo quy định pháp luật.
8. Về rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL:
a) Thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trong lĩnh vực kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản QPPL, pháp điển hệ thống QPPL và Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; cho ý kiến đối với kết quả rà soát văn bản của các đơn vị thuộc Bộ; xây dựng và làm đầu mối tổ chức thực hiện kế hoạch hệ thống hóa văn bản QPPL tại Bộ Tư pháp;
b) Đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản chung của Bộ Tư pháp theo quy định pháp luật;
c) Thực hiện nhiệm vụ đầu mối của Bộ phận Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL theo yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
9. Về hợp nhất văn bản QPPL:
a) Thực hiện hợp nhất văn bản QPPL trong lĩnh vực kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản QPPL, pháp điển hệ thống QPPL và Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật;
b) Cho ý kiến về hồ sơ dự thảo văn bản hợp nhất của các đơn vị thuộc Bộ trước khi trình Bộ trưởng ký xác thực; tổng hợp kết quả hợp nhất văn bản QPPL thuộc thẩm quyền hợp nhất của Bộ Tư pháp;
c) Đề xuất Bộ trưởng kiến nghị cơ quan thực hiện hợp nhất văn bản xử lý sai sót trong văn bản hợp nhất.
10. Về pháp điển hệ thống QPPL:
a) Tham mưu, đề xuất Bộ trưởng thành lập các Hội đồng để thẩm định kết quả pháp điển các đề mục trong Bộ pháp điển; giúp việc Hội đồng thẩm định kết quả pháp điển theo đề mục; tham mưu, giúp Bộ trưởng trình Chính phủ quyết định thông qua kết quả pháp điển các chủ đề của Bộ pháp điển và bổ sung các chủ đề mới vào Bộ pháp điển; tham mưu, giúp Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung đề mục mới theo quy định pháp luật;
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thực hiện pháp điển đối với các QPPL thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Tư pháp;
c) Tham mưu, giúp Bộ trưởng kịp thời cập nhật QPPL mới ban hành và loại bỏ QPPL hết hiệu lực ra khỏi Bộ pháp điển theo quy định pháp luật;
d) Kiến nghị Bộ trưởng xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề vướng mắc liên quan đến việc thực hiện pháp điển hệ thống QPPL.
11. Về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật:
a) Giúp Bộ trưởng thực hiện cập nhật văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định pháp luật;
b) Đề xuất Bộ trưởng đề nghị cơ quan cập nhật văn bản hiệu đính văn bản khi phát hiện có sai sót.
12. Chủ trì rà soát nội dung, thể thức, kỹ thuật dự thảo thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trước khi trình Bộ trưởng xem xét, ký ban hành.
13. Tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục; quản lý, vận hành, cập nhật nội dung Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Cổng thông tin điện tử pháp điển và Trang thông tin điện tử về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản QPPL; xây dựng, quản lý, vận hành, cập nhật, nâng cấp cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL.
14. Thực hiện kiểm tra, tham gia thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá, hợp nhất văn bản QPPL, pháp điển hệ thống QPPL, Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
15. Thực hiện sơ kết, tổng kết, chế độ báo cáo, thống kê trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
16. Thực hiện hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
17. Thực hiện truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật; tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng công chức trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
18. Thực hiện công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp; công tác văn thư, lưu trữ, bảo vệ bí mật nhà nước và an toàn an ninh mạng; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xử lý vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
19. Thực hiện chế độ tài chính, kế toán; quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định pháp luật và của Bộ. 
20. Tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và quản lý đội ngũ công chức của Cục theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
21. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
III. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Cơ cấu tổ chức của Cục gồm:
a) Lãnh đạo Cục
Lãnh đạo Cục gồm có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng. Số lượng Phó Cục trưởng thực hiện theo quy định của pháp luật và của Bộ. 
Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục.
Các Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng quản lý, điều hành hoạt động của Cục; được Cục trưởng phân công trực tiếp quản lý, chỉ đạo một số lĩnh vực, nhiệm vụ công tác; chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về những lĩnh vực công tác được phân công.
b) Các tổ chức thuộc Cục: 
- Văn phòng;
- Phòng Kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL khối kinh tế (gọi tắt là Phòng Kiểm tra khối kinh tế);
- Phòng Kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL khối khoa giáo - văn xã (gọi tắt là Phòng Kiểm tra khối khoa giáo - văn xã);
- Phòng Kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL khối nội chính (gọi tắt là Phòng Kiểm tra khối nội chính); 
Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức thuộc Cục do Bộ trưởng quyết định trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác giữa các tổ chức thuộc Cục do Cục trưởng quy định.
2. Biên chế công chức của Cục thuộc biên chế công chức của Bộ Tư pháp, do Bộ trưởng quyết định phân bổ trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
- Địa chỉ: 60 Trần Phú – Ba Đình – Hà Nội

- Điện thoại: 04.62739655

- Fax: 024.62739661

- Thư điện tử: cucktvb@moj.gov.vn



​​