Xuyên suốt chiều dài lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến ngành Tư pháp - một trụ cột quan trọng của thiết chế quyền lực nhà nước. Những lời chỉ dẫn, căn dặn của Bác dành cho ngành Tư pháp không chỉ là kim chỉ nam cho hoạt động pháp luật trong từng giai đoạn lịch sử, mà còn là di sản tư tưởng quý báu cho công cuộc cải cách tư pháp hôm nay.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tư tưởng Hồ Chí Minh về tư pháp vẫn luôn nhất quán, xuyên suốt và mang tính thời sự sâu sắc: đó là phải “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”; là cán bộ tư pháp phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”; là ngành Tư pháp phải góp phần xây dựng một chế độ pháp quyền thực sự vì dân, dân chủ và công bằng.
Năm 1948, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Tư pháp toàn quốc, do không trực tiếp dự Hội nghị nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi đến Hội nghị như sau:
“…Công việc tư pháp cũng như mọi công việc khác là càng làm ta càng tiến bộ, nhưng càng tiến bộ ta càng thấy rõ những sự trở ngại và những khuyết điểm nó còn sót lại. Và ta phải càng cố gắng để giải quyết hoặc khắc phục những trở ngại và khuyết điểm ấy.
Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là làm gương cho dân trong mọi việc. Dân ta đã đấu tranh một cách rất dũng cảm. Lẽ tất nhiên giới trí thức phải hy sinh đấu tranh, dũng cảm hơn nữa để làm gương cho nhân dân.
… Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung cho cả tư pháp và hành chính.
Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo…”.
Năm 1950, trực tiếp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp, Người nhấn mạnh đến vai trò, ý nghĩa của pháp luật:
“… Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động…Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động. Nhân dân ta hiện nay có tự do, tự do trong kỷ luật. Mỗi người có tự do của mình, nhưng phải tôn trọng tự do của người khác. Người nào sử dụng quyền tự do quá mức của mình mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp”.
Người căn dặn:
“… Chúng ta cũng thấy luật pháp của ta hiện nay chưa đầy đủ. Chính các chú có trách nhiệm phải góp phần làm cho luật pháp của ta tốt hơn, càng ngày càng phong phú hơn. Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn.
… Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ …
Tóm lại, các chú phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.
Sau năm 1954, miền Bắc được giải phóng, bắt đầu công cuộc xây dựng xã hội mới - xã hội Xã hội chủ nghĩa, tích cực đảm nhận vai trò “Hậu phương lớn” cho “Tiền tuyến lớn” là miền Nam đang phải tiếp tục công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1957, với những bộn bề khó khăn của hơn 02 năm hòa bình lập lại ở miền Bắc, Người lại nhắc nhở cán bộ Tư pháp về nhiệm vụ công tác và đặc biệt là về tinh thần đoàn kết …
“…Trong nhiệm vụ chung đó, tư pháp cần góp phần của mình là thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta.
… Muốn thực hiện nhiệm vụ ấy, cần chú ý mấy điểm:
Nội bộ đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, làm gương cho nhân dân. Đoàn kết tức là lực lượng của chúng ta. Lúc mới kháng chiến lực lượng ta yếu hơn địch, nhưng ta thắng lợi vì ta đoàn kết. Cho nên ngành Tư pháp muốn khắc phục khó khăn phải đoàn kết nhất trí thật sự, muốn đoàn kết thật sự phải dựa trên cơ sở lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, phải giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình tự phê bình…”.
Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Tư pháp không chỉ là di sản tư tưởng, mà còn là phương hướng hành động cụ thể cho từng cán bộ, từng đơn vị trong Bộ, ngành Tư pháp hôm nay. Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, ngành Tư pháp cần tiên phong trong việc đổi mới thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật, cải cách tư pháp, và phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp phát triển đất nước. Đó không chỉ là sự tiếp nối niềm tin mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm, mà còn là cách thiết thực nhất để khẳng định vai trò, vị trí và bản lĩnh chính trị của ngành Tư pháp trong kỷ nguyên mới.
Ảnh trong bài: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố Hiến pháp năm 1959. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe đứng ngoài cùng, bên trái. (Ảnh tư liệu)
Đan Thanh