Báo Quốc hội năm 1945 viết gì về cụ Vũ Đình Hòe?

13/07/2025
Cụ Vũ Đình Hòe là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên trong Chính phủ Lâm thời tháng 8/1945, là Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong suốt 15 năm từ tháng 3/1946 đến năm 1960. Cụ cũng là đại biểu của Thủ đô Hà Nội trong Quốc hội khóa đầu tiên được bầu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 6/1/1946. Lục tìm các trang báo xưa, dễ dàng thấy trên báo Quốc hội số 5, 21/12/1945, có bài viết về cụ Vũ Đình Hòe.
Xin nói đôi chút về Báo Quốc hội, tờ báo này ra mắt ngày 17/12/1945, chủ nhiệm là nhà báo Trần Hữu Tri, trụ sở tại 71 phố Hàng Trống. Chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (17/12/1945 – 6/1/1946), ra được 15 số, nhưng báo Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ lớn lao, góp phần quan trọng vào thành công của Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam. 
Ngay trang nhất, Báo Quốc Hội số 5, 21/12/1945, trong mục “Chúng tôi phỏng vấn” có ghi rõ: 
“Ông Vũ Đình Hòe ứng cử tại Hà Nội
Thuộc về lớp cử nhân luật khoa đầu tiên ở Đông Dương, nhưng không vào quan trường hay công sở. Dạy học từ năm 1935, vào đảng Xã hội quốc tế lao động (Liên đoàn Đông Dương). Năm 1937, hội trưởng hội Ánh Sáng, quản đốc trường Gia Long cùng với mấy người đồng sự. 1944 được bầu làm phó hội trưởng hội Truyền bá quốc ngữ. Chủ trương tờ báo trẻ em 1941-42, chủ nhiệm và chủ bút báo Thanh nghị 1931-1945. Tác giả cuốn “những hương pháp giáo dục ở các nước và vấn đề cải cách giáo dục”. Tham gia phong trào giải phóng dân tộc của Mặt trận Việt Minh, danh nghĩa là Đảng viên Việt Nam Dân chủ Đảng. Được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ lâm thời. 
Tổ chức Bình dân học vụ, mở trường Đại học Việt Nam, lập thêm hai ban đại học, ban văn khoa và lớp chính trị xã hội. 
Đã thảo xong bản Dự án những nguyên tắc quan trọng nhất, đã đem bàn ở Hội đồng cố vấn học chính và sẽ đem ra để Quốc hội duyệt y.
Đáp câu hỏi về sự dự đoán kết quả cuộc Tổng tuyển cử, ông Vũ Đình Hòe tỏ vẻ ngạc nhiên.
- Câu hỏi hơi đột ngột vì tôi thấy cuộc Tổng tuyển cử của ta khác hẳn. Phải toàn thể quốc dân bầu cử và ứng cử, không phải đảng nọ, phái kia tranh cử mà dự đoán kết quả đảng này thắng, đảng kia bại. Người nào ra ứng cử cũng theo một chương trình chung: kháng chiến kiến quốc. Về kết quả tôi chỉ biết: những nhà đại biểu được bầu đều là những người có đức tài, được tín nhiệm của toàn dân.
Về bản dự án hiến pháp, là nhân viên Chính phủ, tất đã tham gia ý kiến, ông cũng cho biết có ý muốn sửa đổi thêm một vài điều về bản dự án. Những ủy ban chuyên môn sẽ lấy người ngoài Chính phủ, ngoài đại biểu Quốc hội, Nghị viện. Ông nói thêm:
- Tôi còn chắc Quốc hội sẽ cho Chính phủ bầu lên nhiều quyền đặc biệt để điều khiển cuộc kháng chiến kiến quốc. 
- Tôi ra ứng cử với một chương trình chung, tôi, tôi cũng có một chương trình riêng có hai phần chính bao quát. 
- chống ngoại xâm
- diệt nội phản
- Xây dựng nước Việt Nam mạnh và dân chủ
Giáo dục:
1 - lập nhiều trường.
2 - Tổ chức nền học thực nghiệp và chuyên nghiệp
3 - Mở rộng đại học, gửi sinh viên đi du học ngoại quốc
4 - Cấp học bổng cho học sinh nghèo
     Nâng cao đời sống của giáo viên.
5 - Khuếch trương Bình dân học vụ.
Kết thúc cuộc phỏng vấn của Quốc hội, ông Vũ Đình Hòe nhắc lại với chúng tôi khẩu hiệu của ông vẫn là: Kháng chiến kiến quốc”.


Báo Quốc hội số 5, 21/12/1945.
 
Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra thành công trên cả nước. Tính chung trên cả nước có 89% số cử tri đi bỏ phiếu và đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội. Hồi ký của ông ghi lại đó là “một ngày hội tưng bừng”, ngày “mở ra kỷ nguyên Dân chủ của lịch sử dân tộc Việt Nam”. Toàn thành phố Hà Nội có 187.000 cử tri thì có 172.765 cử tri đi bỏ phiếu, cụ Vũ Đình Hòe được 124.898 phiếu và trở thành một trong những đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên. 
Do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh không trúng cử đại biểu Quốc hội nên Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe được điều động sang giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến từ ngày 2/3/1946.
Trong suốt 15 năm đứng đầu Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã hoàn thành sự ủy thác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, củng cố Bộ Tư pháp, xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp từ Trung ương đến địa phương, đắc lực giúp Người đặt nền móng cho Nhà nước pháp quyền nhân nghĩa.
Đan Thanh