Một số thông tin nổi bật về hoạt động của Bộ Tư pháp
trong thời gian từ ngày 25 đến ngày 31/5/2010
I. Xây dựng đề án văn bản
1. Ngày 25/5, Lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo Pháp lệnh Pháp điển hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất một số vấn đề như: xây dựng Pháp lệnh phải bám vào Nghị định số 93/2008/NĐ-CP và Luật Ban hành văn bản QPPL; nên xây dựng thành 01 Bộ Pháp điển hệ thống các văn bản QPPL cấp Trung ương còn hiệu lực; những vấn đề mang tính kỹ thuật hoặc tiêu chí để Chính phủ quy định trong Nghị định; quy định thêm các điều kiện bảo đảm thực hiện Pháp lệnh; Chính phủ làm Công báo thì quản lý luôn Pháp điển.
2. Ngày 26/5, Lãnh đạo Bộ Tư pháp làm việc với Lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính về một số vấn đề liên quan đến các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định tổ chức và hoạt động của thừa phát lại. Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất một số vấn đề như: sự cần thiết xây dựng và ban hành các Thông tư liên tịch hướng dẫn Nghị định số 61/2009NĐ-CP; không đưa nội dung hướng dẫn trực tiếp thi hành án và chi phí cưỡng chế thi hành án vào Dự thảo Thông tư; đối với Thông tư liên tịch về chế độ tài chính của Thừa phát lại, nên có hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thí điểm.
3. Ngày 28/5/2010, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm góp ý về dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản. Tham dự Tọa đàm có đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Sở Tư pháp Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng; Sở Tài chính, Cục Hải quan TP Hà Nội; Trung tâm phát triển Quỹ đất TP Hà Nội và Hải Phòng; một số Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và doanh nghiệp bán đấu giá tài sản ở các tỉnh. Theo đó dự kiến bố cục của dự thảo Thông tư gồm có 4 Chương với 22 Điều, trong đó hướng dẫn về đào tạo nghề đấu giá (06 điều); đấu giá viên (04 điều); tổ chức bán đấu giá tài sản và trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản (06 điều); tổ chức thực hiện (06 điều).
II. Tọa đàm, Hội thảo
1. Sáng ngày 25/5, Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo Thực trạng tổ chức và hoạt động của cơ quan Tư pháp để phục vụ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển Ngành Tư pháp đến năm 2020. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Văn phòng Hội đồng nhân dân; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang; đại diện lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo một số Sở, ngành liên quan của Tỉnh và đại diện một số cơ quan liên quan cấp huyện. Tại buổi Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, phản ánh thực trạng tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp địa phương hiện nay về chức năng, cơ cấu tổ chức, nhân sự, biên chế, cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo hoạt động…; những vướng mắc, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tư pháp địa phương; thực trạng quản lý, cơ chế phối hợp trong quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo lãnh thổ; vướng mắc, bất cập đối với thực trạng quản lý, phân cấp theo ngành dọc; thực trạng quản lý của UBND đối với cơ quan tư pháp; quan hệ phối hợp của cơ quan tư pháp địa phương với các Sở, ban ngành liên quan.
Chiều cùng ngày, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang tổ chức Tọa đàm Đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực Tư pháp phục vụ việc xây dựng chiến lược phát triển Ngành Tư pháp đến năm 2020 với sự tham dự có Ban Lãnh đạo Sở, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Sở; Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh và Trưởng các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố Mỹ Tho. Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu thảo luận về thực trạng tình hình tổ chức và hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp như, Luật sư, công chứng, giám định, trợ giúp pháp lý, bán đấu giá tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm… về số lượng các tổ chức, thực trạng hoạt động, thực trạng đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất…; Thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức nghề nghiệp và các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước kết hợp với phát huy vai trò tự quản của các tổ chức nghề nghiệp.
2. Trong các ngày từ 27 đến 29/5, tại Nha Trang, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức khoá tập huấn về thể chế và nghiệp vụ hợp tác Quốc tế về pháp luật và tư pháp. Tham dự khóa tập huấn có 70 đại biểu đến từ các cơ quan: Tòa án, Viện Kiểm sát, Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Hội nghị đã tập trung nghiên cứu các chuyên đề: (1) định hướng, nguyên tắc hợp tác với nước ngoài về pháp luật và tư pháp; (2) những nội dung cơ bản của Nghị định số 78/2008/NĐ-CP ngày 17/7/2008 của Chính phủ về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật; (3) một số vấn đề cần lưu ý trong quản lý và thực hiện các hoạt động chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật; (4) tổng quan thể chế quản lý nhà nước về dự án, chương trình hỗ trợ phát triển chính thức và những vấn đề cần lưu ý trong việc quản lý và thực hiện các dự án, chương trình hỗ trợ phát triển chính thức; (5) quy trình vận động, đàm phán, thẩm định, phê duyệt các dự án, chương trình hợp tác với nước ngoài về pháp luật.
3. Ngày 28/5/2010, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế và triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật cho cán bộ, công chức làm công tác pháp chế thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Hội nghị được diễn ra trong thời gian 01 ngày giới thiệu về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Cụ thể là Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật”; cơ chế, cách thức, nội dung thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật trên cơ sở các quy định của Thông tư số 03/2010/TT-BTP; nội dung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 và Nghị định số 16/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật này.
III. Các hoạt động khác
1. Ngày 25/5/2010, Lãnh đạo 02 Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục - Đào tạo, đã họp bàn về công tác phối hợp trong lĩnh vực giáo dục tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính và Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Trần Quang Quý. Tại cuộc họp, 02 bên đã nghe báo cáo và thảo luận về các vấn đề phối hợp công tác pháp chế, xây dựng, góp ý, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và nhất trí cao với việc phối hợp công tác giữa 02 Bộ trên các mặt công tác liên quan, xem đây là một nhiệm vụ quan trọng của 02 Bộ.
2. Ngày 26/5, Lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp Ban Tổ chức và Ban Giám khảo cuộc thi viết “Gương sáng Tư pháp” trên Báo Pháp luật Việt Nam sơ kết về kết quả ban đầu của cuộc thi sau 4 tháng triển khai. Theo đó Cuộc thi viết “Gương sáng Tư pháp” được phát động từ ngày 25/01/2010, chính thức đăng tải từ ngày 1/2/2010 và kết thúc việc nhận bài dự thi vào ngày 20/6. Tính đến ngày 26/5, Cuộc thi đã nhận được gần 100 bài dự thi từ các đơn vị Tư pháp, Thi hành án dân sự cả nước gửi về. Hiện đã có 43 tác phẩm được chọn lọc đăng trên các số báo PLVN ra hàng ngày. Theo kế hoạch, từ nay đến trước thời điểm tiến hành Lễ trao giải, các tác phẩm dự thi có chất lượng đại diện cho các tỉnh, thành trên cả nước sẽ tiếp tục được đăng tải.
3. Ngày 28/5, Lãnh đạo bộ Tư pháp đã tham dự buổi Lễ tổng kết và trao giải thưởng cho các tập thể, cá nhân đoạt giải Hội thi Văn nghệ và giải thi đấu thể thao Khu vực thi đua khối cơ quan Tư pháp các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao Bưu điện thành phố Đà Nẵng. Theo đó, có 26 đơn vị tham gia với 62 tiết mục văn nghệ; 46 nội dung bóng bàn và 75 nội dung cầu lông. Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, các trọng tài và tổ thư ký đã làm việc khẩn trương, khách quan và có trách nhiệm cao để chọn ra 39 giải thưởng cho nội dung văn nghệ, 24 giải thưởng nội dung thể thao.