Bài viết dưới đây của tác giả Đặng Hoàng Oanh sẽ giới thiệu tóm tắt những nội dung chính của Nghị định 78/CP, trong đó đặc biệt nhấn mạnh những điểm mới cơ bản của Nghị định này so với Nghị định 103 trước đây. Mục đích của bài viết là nhằm giúp các cơ quan hữu quan nắm vững các quy định pháp luật về quản lý và thực hiện các hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật, góp phần đưa công tác này vào nề nếp, quy củ và hiệu quả hơn, góp phần hoàn thiện quản lý các nguồn lực công - một trong những trọng trách của Chính phủ.
Ngoài phần giới thiệu chung về bố cục và nội dung chính của Nghị định, bài viết gồm 7 phần, giới thiệu và phân tích nội hàm 7 nội dung chính của Nghị định 1) Phạm vi điều chỉnh của Nghị định, nguyên tắc, nội dung và hình thức hợp tác với nước ngoài về pháp luật; 2) Vận động, điều phối Chương trình, dự án hợp tác pháp luật; 3) Thẩm định các chương trình, dự án hợp tác pháp luật; 4) Thủ tục trình và thực hiện chương trình, dự án hợp tác; 5) Theo dõi, đánh giá chương trình, dự án hợp tác; 6) Chế độ báo cáo tình hình thực hiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật và; 7) Quản lý nhà nước đối với hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật.
1. Giới thiệu chung
Nghị định số 78/2008/ NĐ-CP được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định về quản lý hợp tác pháp luật với nước ngoài tại Nghị định 103/CP trước đây và Nghị định 131/2006/NĐ-CP ngày 9 tháng 11 năm 2006 thay thế Nghị định 17/2001/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2001 về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (Nghị định 131/CP). Sự tiến bộ của Nghị định 78/CP thể hiện ở việc khắc phục những điểm yếu của Nghị định 103/CP và bổ sung thêm các quy định mới thể hiện nguyên tắc, quan điểm hiện đại trong quản lý và tiếp nhận nguồn viện trợ của nước ngoài, đặc biệt là viện trợ phát triển chính thức (ODA) như: tập trung, dân chủ; công khai, minh bạch; phân công, phân cấp; gắn quyền hạn với trách nhiệm; phát huy tính chủ động đi đôi với kiểm tra, giám sát chặt chẽ; hài hoà thủ tục...... Nghị định đã đánh dấu sự phát triển về chất so với các văn bản khung trước đây về thu hút, quản lý và thực hiện hoạt động hợp tác pháp luật với nước ngoài. Nghị định này đã giải quyết khá toàn diện và đồng bộ công tác quản lý nhà nước đối với tất cả các khâu của quy trình sử dụng nguồn hỗ trợ quốc tế trong hợp tác pháp luật, từ vận động đến thực hiện, theo dõi và đánh giá chương trình, dự án hợp tác cũng như phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan tham gia quản lý và thực hiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật gồm cơ quan đầu mối, các cơ quan tổng hợp, các đơn vị chủ quản và thụ hưởng hợp tác pháp luật.... Một ưu điểm khác của Nghị định 78/CP là tính đồng bộ với các văn bản pháp quy khác có liên quan về quản lý và sử dụng nguồn viện trợ quốc tế, đặc biệt là Nghị định 131 về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức.
Về bố cục, Nghị định gồm 5 Chương, 28 Điều, trên cơ sở tách Chương II của Nghị định cũ (Hình thành, xin phép và thực hiện chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật) thành 03 Chương mới, đó là Chương II (Vận động, điều phối chương trình, dự án hợp tác); Chương III (Thẩm định các chương trình, dự án hợp tác) và Chương IV (Thủ tục trình và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác). Việc thay đổi bố cục này nhằm cụ thể hoá các quy định về vận động, tìm kiếm đối tác; quy trình và nội dung thẩm định; thẩm quyền phê duyệt chương trình, dự án, tạo thuận lợi cho các cơ quan chủ quản trong việc hình thành và xin phép phê duyệt các chương trình, dự án. Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn bổ sung thêm Chương V (Theo dõi, đánh giá chương trình, dự án hợp tác) nhằm cụ thể hoá các quy định về trách nhiệm theo dõi, đánh giá; chế độ báo cáo; thanh tra, kiểm tra; hệ thống hoá các quy định về quản lý Nhà nước tại Chương I và Chương IV Nghị định 103/CP trước đây.
2. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định, nguyên tắc, nội dung và hình thức hợp tác với nước ngoài về pháp luật
Chương 1 “Những quy định chung” nêu rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Nghị định; nguyên tắc hợp tác với nước ngoài về pháp luật; nội dung hợp tác; hình thức hợp tác.
Một trong những điểm mới của Nghị định78/CP so với Nghị định 103/CP trước đây là việc mở rộng phạm vi áp dụng của Nghị định. Nghị định trước đây chỉ điều chỉnh hoạt động hợp tác pháp luật của các cơ quan trung ương mà chưa quy định hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật của chính quyền cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, các cơ quan chính quyền cấp tỉnh cũng có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật. Trong điều kiện nguồn lực tại chỗ còn hạn chế thì sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài là rất cần thiết để thực hiện tốt các nhiệm vụ này. Mặt khác, ngay trong các cơ quan Trung ương thì Nghị định 103/CP trước đây cũng chưa quy định phạm vi áp dụng đối với các cơ quan ngoài Chính phủ (như các cơ quan của Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao). Trên thực tế từ trước tới nay Bộ Tư pháp vẫn đang phải làm nhiệm vụ điều phối, tổng hợp các Dự án, Chương trình hợp tác quốc tế về pháp luật do các cơ quan này thực hiện. Do vậy, việc quy về một đầu mối (Bộ Tư pháp) quản lý thống nhất các hoạt động hợp tác pháp luật là cần thiết, tương tự như việc Nghị định Nghị định 131/CP đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất quản lý tất cả các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, Nghị định 78/CP đã quy định mở rộng phạm vi áp dụng đối với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan của Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Cụ thể, Nghị định mới áp dụng đối với các hoạt động hợp tác về pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là “cơ quan chủ quản") với cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế liên chính phủ và tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Đơn vị trực thuộc cơ quan chủ quản nói trên muốn tiến hành các hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật phải thông qua cơ quan chủ quản của mình để thực hiện.
Các nguyên tắc hợp tác với nước ngoài về pháp luật nêu tại Nghị định 103/CP trước đây cũng được kế thừa và phát triển thêm tại Chương 1 của Nghị định mới, theo đó hợp tác với nước ngoài về pháp luật phải được tiến hành trên cơ sở đảm bảo độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, phong tục, tập quán của dân tộc, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực và tránh trùng lặp; nội dung, chương trình, dự án hợp tác phải căn cứ vào đường lối chính sách, chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của Đảng và Nhà nước, chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; chiến lược cải cách tư pháp, chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, mức độ ưu tiên của vấn đề hợp tác và khả năng hợp tác của cơ quan chủ quản cũng như của cơ quan, tổ chức nước ngoài. Ngoài ra, việc hình thành, cho phép ký kết và thực hiện chương trình, dự án hợp tác, bên cạnh yêu cầu tuân theo các quy định của Nghị định về quản lý hợp tác pháp luật với nước ngoài, còn phải chấp hành các quy định hiện hành về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức về quản lý và sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Nội dung hợp tác về pháp luật cũng được liệt kê rõ tại Điều 2 của Nghị định, bao gồm các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực 1) soạn thảo, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; 2) tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; giám sát việc thi hành pháp luật; 3) tăng cường năng lực của các cơ quan xây dựng pháp luật, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp; 4) đào tạo luật ở bậc đại học và sau đại học, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao trình độ của cán bộ công chức soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, thẩm phán, thẩm tra viên toà án, thư ký toà án, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên thi hành án, trợ giúp viên trợ giúp pháp lý, cán bộ thi hành án hình sự; trọng tài viên, công chứng viên, đăng ký viên, luật sư và các chức danh tư pháp khác; 5) thông tin pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cũng như các hoạt động hợp tác khác theo quy định của pháp luật.
Cũng tại Chương “Những quy định chung”, hình thức hợp tác về pháp luật đã được quy định khá đa dạng và linh hoạt, trong đó bao gồm việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật; tổ chức các hội nghị, hội thảo, toạ đàm khoa học, tập huấn chuyên sâu về pháp luật có sự tham gia hoặc tài trợ của cơ quan, tổ chức nước ngoài; tổ chức các đoàn khảo sát, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật; trao đổi tài liệu pháp luật, bao gồm giáo trình, sách giáo khoa, bài giảng, văn bản pháp luật và các sách chuyên khảo về pháp luật; cung cấp chuyên gia tư vấn về các nội dung hợp tác pháp luật ....
3.Vận động, điều phối Chương trình, dự án hợp tác pháp luật
Vai trò của Bộ Tư pháp trong việc điều phối hoạt động hợp tác pháp luật được nhấn mạnh rõ nét trong Nghị định mới, đặc biệt thông qua việc chủ trì, phối hợp với Bộ Kkế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị điều phối hỗ trợ quốc tế về pháp luật hàng năm. Ngoài ra, trách nhiệm điều phối của Bộ Tư pháp còn được thể hiện qua việc phối hợp với cơ quan chủ quản tổ chức đàm phán với đối tác nước ngoài để chuyển cam kết tài trợ sang lĩnh vực khác phù hợp hơn, nếu lĩnh vực đối tác cam kết tài trợ đã có nhiều đối tác khác hỗ trợ hoặc không phù hợp với mức độ ưu tiên hợp tác. Các quy định mới này xuất phát từ Nghị định 131/2006/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (Điều 6) về việc tổ chức Hội nghị điều phối theo ngành. Ngoài ra, hợp tác pháp luật và cải cách hành chính là những lĩnh vực đặc thù (Ban Bí thư đã có chỉ thị riêng về quản lý hợp tác với nước ngoài trong các lĩnh vực này), nên việc tổ chức Hội nghị điều phối hỗ trợ quốc tế về pháp luật là cần thiết. Hội nghị này sẽ được tổ chức sau các Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam hàng năm với nội dung chuyên sâu về điều phối hợp tác pháp luật và tư pháp, nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp trong các hoạt động hợp tác và tận dụng tối đa hiệu quả viện trợ.
Việc điều phối hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật do Bộ Tư pháp tiến hành trên cơ sở các chương trình, dự án ODA về pháp luật thuộc danh mục yêu cầu tài trợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và danh mục chương trình, dự án đề nghị vận động viện trợ phi Chính phủ nước ngoài, cam kết hỗ trợ của các đối tác nước ngoài, dựa trên các tiêu chí về 1) mức độ ưu tiên của vấn đề hợp tác; 2) kinh nghiệm quản lý, năng lực tiếp nhận và sử dụng nguồn hỗ trợ; và 3) không trùng lặp về nội dung hợp tác.
Cũng tại Chương 2, Nghị định mới đã bổ sung thêm, so với các quy định tại Nghị định 103/CP cũ, các nội dung về vận động chương trình, dự án hợp tác, theo đó các cơ sở để vận động chương trình, dự án hợp tác về pháp luật là chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; định hướng thu hút và sử dụng ODA; chiến lược xây dựng pháp luật; chiến lược cải cách tư pháp; chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội; các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng ODA và quản lý, sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Cơ quan chủ quản có nhu cầu hợp tác với nước ngoài về pháp luật và đã có đối tác hợp tác phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan để hình thành nội dung hợp tác dưới hình thức chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật. Ngoài ra, trong trường hợp cơ quan chủ quản có nhu cầu hợp tác về pháp luật, nhưng chưa có đối tác nước ngoài, thì có thể đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Uỷ ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ trong việc tìm kiếm đối tác.
4. Thẩm định các chương trình, dự án hợp tác pháp luật:
Chương II của Nghị định 87/CP cụ thể hoá nguyên tắc, trách nhiệm, thẩm quyền, nội dung, thủ tục thẩm định chương trình, dự án hợp tác pháp luật. Về cơ bản, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục, trình tự thẩm định chương trình, dự án hợp tác pháp luật là phù hợp với các quy định có liên quan về thẩm định văn bản quy phạm pháp luật và thẩm định điều ước quốc tế, được quy định tại Quy chế thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ban hành kèm theo Quyết định số 280/1999/QĐ-BTP ngày 27/09/1999 và Quy chế thẩm định điều ước quốc tế ban hành kèm theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP ngày 24/07/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, nội dung thẩm định chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật là điểm có những đặc thù khác với nội dung thẩm định văn bản quy phạm pháp luật và thẩm định điều ước quốc tế. Điều 7 Nghị định 78/CP quy định các nội dung cần thẩm định cho một chương trình, dự án hợp tác pháp luật là 1) sự cần thiết của chương trình, dự án; 2) sự phù hợp của mục tiêu, nội dung, hình thức hợp tác và kết quả dự kiến của chương trình, dự án với các nội dung về hợp tác pháp luật mà Nghị định đã quy định và với mức độ ưu tiên hợp tác, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; 3) tính hợp hiến, hợp pháp và mức độ tương thích của chương trình, dự án với các quy định của pháp luật Việt Nam; sự phù hợp của chương trình, dự án với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; 4) tính không trùng lặp với các chương trình, dự án khác; 5) tính khả thi của chương trình, dự án; tư cách, khả năng chuyên môn, kinh nghiệm hợp tác của cơ quan, tổ chức nước ngoài; 6) hiệu quả kinh tế - xã hội của việc thực hiện chương trình, dự án; nhân tố bất lợi có thể có của chương trình, dự án và 7) ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản.
Các quy định khác về thủ tục, trình tự thẩm định chương trình, dự án hợp tác pháp luật như hồ sơ thẩm định, việc tiếp nhận hồ sơ thẩm định, việc thành lập Hội đồng thẩm định ... được quy định khá rõ tại Nghị định, ở các điều 11, 12 và 13.
5. Thủ tục trình và thực hiện chương trình, dự án hợp tác
Thủ tục trình và thực hiện chương trình, dự án hợp tác” được quy định chặt chẽ tại các điều 14 – 17 của Chương IV Nghị định. Về nguyên tắc, việc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chương trình, dự án phải tuân theo thủ tục, trình tự quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Tại Điều 14 về thủ tục trình chương trình, dự án hợp tác pháp luật, vai trò thẩm định của Bộ Tư pháp được một lần nữa nhấn mạnh thông qua việc quy định trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc tổ chức lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Ngoài ra, đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản, cơ quan chủ quản phải tổ chức lấy ý kiến góp ý của Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan trước khi xem xét, phê duyệt.
Các quy định về việc thực hiện chương trình, dự án hợp tác tại Nghị định mới về cơ bản không thay đổi so với Nghị định 103 trước đây. Một trong những yêu cầu nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất về quản lý hoạt động hợp tác pháp luật là quy định “trong quá trình thực hiện, cơ quan chủ quản phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Uỷ ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài về các vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của mỗi cơ quan”. Cơ quan chủ quản chỉ được triển khai thực hiện hoặc cho phép thực hiện chương trình, dự án sau khi văn bản ký kết có hiệu lực pháp luật.
Việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh chương trình, dự án hợp tác pháp luật phải tuân theo các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và quản lý và sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Việc thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt là bắt buộc đối với các chương trình, dự án bị thay đổi về mục tiêu hoặc đối với các dự án mà việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nó dẫn tới việc làm thay đối nội dung điều ước quốc tế đã ký kết
Việc đình chỉ, tạm đình chỉ, huỷ bỏ chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật của cơ quan chủ quản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
6. Theo dõi, đánh giá chương trình, dự án hợp tác
Các quy định về trách nhiệm theo dõi, đánh giá; chế độ báo cáo; thanh tra, kiểm tra; hệ thống hoá các quy định về quản lý Nhà nước tại Chương I và Chương IV Nghị định 103/CP trước đây đã được hệ thống và thiết kế lại đầy đủ và chặt chẽ hơn tại Chương V của Nghị định 78/CP. Trách nhiệm theo dõi, đánh giá chương trình, dự án hợp tác pháp luật, trước hết là thuộc về Ban Quản lý chương trình, dự án; Chủ chương trình, dự án và Cơ quan chủ quản. Cụ thể, Ban Quản lý chương trình, dự án có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đánh giá chương trình, dự án; Chủ chương trình, dự án có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ Ban Quản lý chương trình, dự án trong việc theo dõi, đánh giá chương trình, dự án; Cơ quan chủ quản chủ trì lập kế hoạch, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành hoặc thuê tư vấn tiến hành đánh giá tác động của chương trình, dự án. Đây là các quy định mới so với nghị định 103/CP trước đây. Các quy định này là hoàn toàn phù hợp với Nghị định 131/CP về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức.
Bên cạnh trách nhiệm của Ban Quản lý chương trình, dự án; Chủ chương trình, dự án và Cơ quan chủ quản, vai trò quản lý Nhà nước về hợp tác pháp luật của Bộ Tư pháp còn được nhấn mạnh rõ hơn, thông qua trách nhiệm 1) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện việc giám sát đánh giá năng lực quản lý thực hiện các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật; 2) chủ trì xây dựng các chỉ tiêu thống kê định kỳ về tình hình tiếp nhận và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật; phối hợp với các cơ quan có liên quan thiết lập và vận hành hệ thống thông tin theo dõi và đánh giá chương trình, dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin và khai thác hệ thống này.
7. Chế độ báo cáo tình hình thực hiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật
Chế độ báo cáo tình hình thực hiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật tại Nghị định 103/CP được quy định mềm dẻo hơn các quy định về báo cáo thực hiện chương trình, dự án ODA nói chung tại Nghị định 131/2006/NĐ-CP. Với các chương trình, Dự án ODA nói chung, chế độ báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan cần phải tiến hành chặt chẽ theo tháng, quý, năm, giữa kỳ, kết thúc dự án...(Điều 36) . Tuy nhiên, trong lĩnh vực hợp tác pháp luật, chế độ báo cáo cho Bộ Tư pháp chỉ là định kỳ 6 tháng và hàng năm. Cụ thể, cơ quan chủ quản có trách nhiệm định kỳ 6 tháng và hàng năm gửi Bộ Tư pháp báo cáo về tình hình thực hiện hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật và dự kiến thực hiện chương trình, dự án hợp tác cho thời kỳ tiếp theo theo biểu mẫu thống nhất do Bộ Tư pháp ban hành; Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp tình hình, phân tích, đánh giá hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Một trong những điểm mới của Nghị định 78/CP so với Nghị định 103/CP trước đây còn được thể hiện thông qua các quy định về thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật. Nghị định 78/CP quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trước Chính phủ về việc kiểm tra việc thực hiện chương trình, dự án hợp tác về pháp luật của cơ quan chủ quản. Nghị định mới cũng cho phép Bộ Tư pháp, trong trường hợp cần thiết, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc thực hiện chương trình, dự án. Khi kiểm tra, Bộ Tư pháp và Đoàn kiểm tra liên ngành được quyền yêu cầu cơ quan chủ quản thực hiện chương trình, dự án chấn chỉnh hoạt động hợp tác; nếu thấy có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác thì Bộ Tư pháp và Đoàn kiểm tra liên ngành kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
8. Quản lý nhà nước đối với hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật
Các nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật được quy định cụ thể tại Chương cuối của Nghị định 78/CP, theo đó Chính phủ thống nhất quản lý hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật; Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc quản lý thống nhất các hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước đối với chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật theo quy định của Nghị định 78/CP. Cụ thể, trong việc quản lý thống nhất các hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật, Bô Tư pháp có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Soạn thảo trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về hợp tác pháp luật với nước ngoài.
2. Xây dựng và trình Chính phủ chủ trương, phương hướng hợp tác pháp luật với nước ngoài.
3. Tổng hợp và điều phối về nội dung các chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác về pháp luật với nước ngoài.
4. Thẩm định về nội dung các chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác, kể cả việc sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn các chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác đó.
5. Ban hành biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật.
6. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Uỷ ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các Bộ, ngành hữu quan theo dõi, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện nội dung các chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác về pháp luật với nước ngoài.
7. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra cơ quan chủ quản quy định tại Điều 1 của Nghị định này thực hiện hoạt động hợp tác theo đúng các quy định của Nghị định này; trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hình thức xử lý thích hợp.
8. Sơ kết, tổng kết, thống kê, đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác về pháp luật với nước ngoài.
Để thực hiện Nghị định 78/CP và làm tốt chức năng quản lý Nhà nước về pháp luật, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cần phải ban hành một loạt văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định, Quy chế về thẩm định chương trình, dự án hợp tác pháp luật, các biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện chương trình, dự án hợp tác pháp luật v.v... Ngoài ra, công tác xây dựng và tăng cường năng lực, trong đó có việc tổ chức tập huấn về các văn bản quy phạm pháp luật nói trên, hay việc cung cấp kiến thức thông tin và kỹ năng xây dựng, quản lý dự án trên cơ sở thường xuyên và chuyên nghiệp cho một đội ngũ đông đảo cán bộ ở trung ương và cơ sở tham gia quản lý và thực hiện hợp tác pháp luật là rất cần thiết.
Một hệ thống thể chế quản lý hợp tác pháp luật với nước ngoài được phát triển đồng bộ, song hành với đội ngũ cán bộ đối ngoại được đào tạo bài bản sẽ là cơ sở vững chắc bảo đảm việc quản lý và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác pháp luật với nước ngoài có hiệu quả, góp phần hoàn thiện quản lý các nguồn lực công - một trong những trọng trách của Chính phủ hiện nay.
Tại Nghị định 103/1998/NĐ-CP trước đây, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được gọi tên là "Cơ quan, Tổ chức Việt Nam". Tại Nghị định 78/CP mới, tên gọi này được thay bằng "Cơ quan chủ quản" do đây là cách gọi đã được sử dụng thống nhất trong Nghị định 131/2006/NĐ-CP; mặt khác, gọi là "Cơ quan chủ quản" sẽ xác định được rõ các chủ thể có trách nhiệm trong quản lý các chương trình, dự án (Cơ quan chủ quản, chủ dự án, Ban quản lý dự án...);
Nghị định không điều chỉnh hoạt động hợp tác pháp luật với các doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài . Hoạt động hợp tác pháp luật giữa các cơ quan chủ quản của ta với các doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài không phải là những hoạt động mang tính nhà nước mà chỉ mang tính riêng lẻ. Nếu những hoạt động này gắn với hoạt động viện trợ bằng tiền hoặc hiện vật sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26/4/2001 về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài;
Đặng Hoàng Oanh - Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp