Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất về một số nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 27-NQ/TW

19/07/2025
Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất về một số nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 27-NQ/TW
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18/7 đến ngày 19/7/2025 tại Thủ đô Hà Nội. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất các nội dung đề xuất của Đảng ủy Chính phủ về một số nội dung sửa đổi, bổ sung các nghị quyết, kết luận của Trung ương, trong đó có Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Cụ thể, về Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới: Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất đánh giá, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tư duy, nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không ngừng được hoàn thiện. Hệ thống pháp luật được hình thành, hoàn thiện tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, công tác xây dựng pháp luật vẫn còn tồn tại, hạn chế. Tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý, hạn chế việc đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn lực, tạo động lực tăng trưởng mới. Chưa phân định rõ ràng, hợp lý thẩm quyền lập pháp và lập quy. Yêu cầu xây dựng các luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp trong một số trường hợp dẫn đến thiếu linh hoạt, phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa bảo đảm tính ổn định, lâu dài.
Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất sửa đổi, bổ sung nội dung “Tăng cường xây dựng các đạo luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp” tại Mục IV.3. Nghị quyết số 27-NQ/TW theo hướng chuyển mạnh từ tư duy “quản lý” sang tư duy “kiến tạo phát triển”, đề cao tính kịp thời, linh hoạt trong xây dựng pháp luật để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc về thể chế, đồng thời nhằm phân định rõ ràng, hợp lý thẩm quyền lập pháp và lập quy, bảo đảm yêu cầu các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài.
T.Q