Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 Luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9

11/07/2025
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 Luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9
Sáng 11/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Chủ trì họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 9 Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua, gồm: Luật Nhà giáo; Luật Việc làm; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Hóa chất; Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Ngân sách Nhà nước.
Luật Nhà giáo - lương nhà giáo được xếp cao nhất
Giới thiệu về Luật Nhà giáo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đây là đạo luật chuyên ngành đầu tiên quy định đầy đủ vị trí pháp lý, quyền, nghĩa vụ và chính sách dành cho đội ngũ hơn một triệu nhà giáo trên cả nước.
Luật gồm 9 chương, 42 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, tập trung vào 5 chính sách lớn: Danh xưng nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh; sử dụng, đãi ngộ và điều kiện làm việc; đào tạo, bồi dưỡng và tôn vinh; vai trò quản lý Nhà nước.
Luật Nhà giáo cải thiện các chính sách về thu nhập đối với nhà giáo. Trong đó, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang khẩn trương triển khai xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo để đảm bảo có hiệu lực đồng bộ khi Luật Nhà giáo có hiệu lực.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam liên quan đến quy định về xếp lương nhà giáo cao nhất có góp phần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, việc dạy thêm, học thêm đúng quy định do rất nhiều yếu tố quyết định, chứ không phải chỉ là vấn đề tiền lương. Quan trọng là chúng ta phải quản lý việc dạy thêm, học thêm theo đúng quy định để những giáo viên giỏi, tâm huyết được dạy thêm một cách minh bạch, đàng hoàng.
Một lần nữa Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT không cấm việc dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm việc dạy thêm, học thêm tràn lan, không đúng quy định với những nội dung rất cụ thể để bảo đảm quyền lợi của học sinh, bảo đảm sự trong sáng của giáo viên cũng như đảm bảo nhiều mục tiêu khác.
Bên cạnh đó, về việc xếp lương với giáo viên hợp đồng, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, việc này phải thực hiện theo hợp đồng với người sử dụng lao động, tuy nhiên, khi Luật Nhà giáo quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp sẽ là một trong những căn cứ để giáo viên hợp đồng và người sử dụng lao động thỏa thuận. Qua đó, bảo đảm quyền lợi của giáo viên có cơ hội được đóng góp tương xứng với công sức, lao động, trí tuệ và tâm huyết của mình.


Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi họp báo.
 
“Hiện nay, một số nơi hợp đồng giáo viên theo thỏa thuận chỉ được 70 - 80% so với giáo viên chính thức. Trong khi đó, giáo viên hợp đồng vẫn phải bảo đảm những yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Quả thực như vậy là không công bằng”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ.
Luật Việc làm - cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Giới thiệu về Luật Việc làm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cho biết, Luật Việc làm số 74/2025/QH15, gồm 8 chương, 55 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Luật được thiết kế lại theo hướng quy định rõ ràng, ngắn gọn, sát thực tiễn, tăng cường phân cấp, linh hoạt điều chỉnh phù hợp với thị trường lao động đa dạng, phức tạp và chuyển đổi liên tục. Luật áp dụng cho mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.
So với Luật hiện hành, Luật Việc làm 2025 sửa đổi toàn diện, thể chế hóa nhiều nghị quyết lớn của Trung ương về phát triển thị trường lao động bền vững, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh - tuần hoàn và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các điểm mới đáng chú ý gồm: bổ sung chính sách khuyến khích kỹ năng nghề; xây dựng sàn giao dịch việc làm quốc gia; phát triển dịch vụ việc làm công và tư; mở rộng đối tượng được vay vốn tạo việc làm, đi làm việc ở nước ngoài.
Luật cũng cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng diện bao phủ, linh hoạt mức đóng, giảm thủ tục, và tăng hỗ trợ người lao động học nghề, tìm việc, duy trì việc làm. Đồng thời, quy định cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động tập trung, kết nối và chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Luật Ngân sách Nhà nước - phân cấp, tăng tính chủ động cho địa phương
Giới thiệu về Luật Ngân sách Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, Luật có 7 chương, 79 điều, có hiệu lực từ năm ngân sách 2026. Luật được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước giai đoạn 2026-2030, thúc đẩy phân cấp, tăng tính chủ động cho địa phương, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương.
Luật bổ sung nhiều quy định mới: nâng mức dự phòng tài chính lên 5%, quy định rõ phạm vi chi từ dự phòng quốc gia; cho phép tạm ứng quỹ dự trữ tài chính để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án quan trọng, với thời hạn hoàn trả cụ thể.
Luật quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, HĐND, UBND các cấp; cho phép HĐND cấp tỉnh quyết định một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục; bổ sung thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chi tiết và sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương.
Luật cũng quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí phân chia nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; cho phép chuyển nguồn một số khoản chi sang năm sau và tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong lập, phân bổ, quyết toán ngân sách.
Luật Hóa chất - kiểm soát hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm
Giới thiệu về Luật Hóa chất, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, Luật gồm 7 chương, 48 điều, có hiệu lực từ 1/1/2026.
Luật bổ sung chính sách phát triển ngành công nghiệp hóa chất thành ngành nền tảng, hiện đại. Các quy định mới nêu rõ chiến lược phát triển ngành, tiêu chuẩn dự án hóa chất phải xanh, bền vững, thân thiện môi trường; xác định lĩnh vực trọng điểm được ưu đãi đầu tư; bổ sung điều kiện tư vấn chuyên ngành và cấp chứng chỉ hành nghề.
Lần đầu tiên, Luật quy định kiểm soát hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, yêu cầu công bố thông tin tới người tiêu dùng. Đồng thời, luật bổ sung quy định về khoảng cách an toàn, kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất, chính sách nâng cao năng lực ứng phó trong dân sự.
Luật được xây dựng theo hướng phân cấp, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và bảo đảm tính liên tục trong thực thi.
T.Hoàng