Phiên họp thứ nhất của Tổ Giúp việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật

09/07/2025
Phiên họp thứ nhất của Tổ Giúp việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật
Sáng 9/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật (Ban Chỉ đạo), Tổ trưởng Tổ Giúp việc đã chủ trì Phiên họp thứ nhất của Tổ Giúp việc của Ban Chỉ đạo.
Cùng dự có Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Ngô Trung Thành và các thành viên Tổ Giúp việc; đại diện nhiều cơ quan, Bộ, ngành liên quan.
Phiên họp thứ nhất của Tổ Giúp việc đã nghe giới thiệu và cho ý kiến về dự thảo Quy chế làm việc của Tổ Giúp việc, dự thảo Chương trình công tác năm 2025 của Tổ Giúp việc, dự thảo Đề cương Đề án liên quan đến đổi mới cấu trúc hệ thống pháp luật Việt Nam.
 

Phiên họp nghe báo cáo các dự thảo do Viện trưởng Nguyễn Văn Cương trình bày.
 
Tại Phiên họp, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Cương, Thư ký Tổ Giúp việc đã trình bày các dự thảo trên. Trong đó, về dự thảo Đề cương Đề án, ông Nguyễn Văn Cương đã tập trung làm rõ sự cần thiết xây dựng Đề án. Theo đó, mặc dù nước ta đã hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, nhưng trước yêu cầu phát triển bứt phá của đất nước hiện nay, hệ thống pháp luật đã bộc lộ một số hạn chế cả về cấu trúc, nội dung và kỹ thuật thiết kế. Vì vậy, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nghiên cứu để cấu trúc một cách toàn diện, đồng bộ và hợp lý hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Cương, bước đầu nghiên cứu có thể thấy một số bất cập trong cấu trúc hệ thống pháp luật hiện hành. Cụ thể, chưa thực sự rõ và chưa thực sự bảo đảm tính nhất quán trong triết lý thiết kế hệ thống pháp luật; khá nhiều tầng nấc, đôi khi có sự phân mảnh, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không đồng bộ, thiếu gắn kết cần thiết giữa các thành tố trong hệ thống pháp luật. Ngoài ra, tính ổn định của hệ thống pháp luật trong một số lĩnh vực còn chưa cao; hệ thống pháp luật còn chậm thích ứng với sự bùng nổ của các lĩnh vực mới; việc thực hiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có phần còn thiên về tuân thủ mang tính thủ tục hơn là sự tuân thủ thực chất yêu cầu nâng cao chất lượng.
Từ các phân tích này, Viện trưởng Nguyễn Văn Cương khẳng định, việc xây dựng Đề án là cấp thiết, mang tính chiến lược, góp phần tạo đột phá thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong những năm sắp tới…
Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến đối với các dự thảo, trong đó tập trung góp ý hoàn thiện Đề án. Đa số các ý kiến muốn xây dựng thành Đề án đổi mới cấu trúc hệ thống pháp luật Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới giai đoạn 2026 - 2030 và có tầm nhìn dài hạn hơn, như tầm nhìn đến năm 2045. 


Thiếu tướng Phạm Công Nguyên phát biểu tại Phiên họp.
 
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) đề nghị cần xây dựng mục tiêu cho từng giai đoạn, thời gian biểu đối với từng loại nhiệm vụ. Đồng thời, chỉ rõ những văn bản nào cần sửa đổi, bổ sung, những văn bản nào cần gộp lại với nhau khi có những lĩnh vực có tới 3-4 luật điều chỉnh. Đặc biệt, phải có tư duy vì lợi ích chung, có bản lĩnh, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của Bộ, ngành mình vì sự phát triển của đất nước; mạnh dạn bỏ các thủ tục không cần thiết cho người dân…
Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (VKSNDTC) Hoàng Thị Quỳnh Chi cho rằng Đề án cần trả lời một số vấn đề như hệ thống pháp luật là gì, cấu trúc của hệ thống pháp luật, đặc điểm của hệ thống pháp luật Việt Nam, thực trạng của cấu trúc hệ thống pháp luật từ đó kiến nghị giải pháp, nội dung đổi mới, lộ trình thực hiện… Bà Chi cũng góp ý về kết cấu của Đề án nên có một số phần như sự cần thiết, mục tiêu, phạm vi; thực trạng về cấu trúc hệ thống pháp luật Việt Nan hiện nay; xu hướng, nội dung, giải pháp đổi mới; tổ chức thực hiện..


Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Phiên họp.
 
Về Đề cương Đề án, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải đánh giá rất cao sự chuẩn bị kỹ của bộ phận thường trực. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hải, mục tiêu của Đề án chỉ nên xác định mục tiêu chung, không đi vào các mục tiêu cụ thể. 
Về cách làm, ông Nguyễn Thanh Hải tán thành trước mắt cần xây dựng Đề án để trình Ban Chỉ đạo và phải bổ sung thêm một nguyên tắc là phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình đổi mới cấu trúc hệ thống pháp luật. Còn thời gian tới, nếu có thể nghiên cứu nâng cấp Đề án thành Chiến lược xây dựng, hoàn thiện pháp luật đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 thì sẽ rất tốt. 


Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh kết luận Phiên họp.
 
Kết luận Phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh chỉ đạo Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý tiếp thu đầy đủ các ý kiến đối với các dự thảo, bảo đảm đến ngày 15/7 thông qua Quy chế và Chương trình công tác. Riêng đối với Đề án, Bộ trưởng nhất trí tiếp thu tên gọi là Đề án đổi mới cấu trúc hệ thống pháp luật Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 
Về kết cấu của Đề án, Bộ trưởng ghi nhận các ý kiến góp ý xác đáng, Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu, hoàn thiện Đề cương Đề án. Trên cơ sở đó sẽ dự thảo Kế hoạch triển khai những công việc liên quan, phân công cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian thực hiện… để xin ý kiến của thành viên Tổ Giúp việc, hoàn thiện Đề cương Đề án và có công văn báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo, đưa Đề án vào chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo. 
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh thời gian tới sẽ nghiên cứu xây dựng Chiến lược xây dựng, hoàn thiện pháp luật cho nhiệm kỳ mới trên nền tảng là Đề án này. Bởi nếu xây dựng Chiến lược ngay bây giờ là không đủ thời gian vật chất để làm khi khối lượng công việc rất đồ sộ. Với Đề án này, Bộ trưởng cho biết sẽ tính toán thêm một số nguyên tắc, những ngành luật cần điều chỉnh, cần sắp xếp lại, cũng như các chế định cần bổ sung theo thứ tự ưu tiên. Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Bộ trưởng lưu ý phải tập trung cho những lĩnh vực cần đổi mới, chẳng hạn như đầu tư thương mại quốc tế, án lệ…
Thục Quyên